kthoa
Tổng số bài gửi : 64 Join date : 05/04/2012
| Tiêu đề: CẦU NGUYỆN VỚI KINH THÁNH : LECTIO DIVINA Mon Aug 20, 2012 3:13 am | |
| Cầu nguyện với Kinh Thánh: Lectio Divina, Bí quyết để được biến đổi nhờ Tình yêuCf. FUN Manual Franciscan Theology, Tradition and Spirituality, trg 23; các sách nguồn về Lectio Divina; Clare’s Mirror of Perfection Franciscan Form of Lectio Divina). Từ Phúc Âm đến Cuộc Sống và từ Cuộc Sống đến Phúc Âm: vì Phúc âm là toàn bộ đời sống của hết thảy chúng ta, nên chúng ta cần được Phúc âm giúp thay đổi Nếp Sống, phương pháp Lectio Divina sau đây là một cách giúp mở lòng ra với Kinh Thánh. Tuy nhiên, phương pháp Lectio Phan sinh dẫn đưa từ chiêm ngưỡng đến hành động (Bắt chước); nói cách khác, Chúa Thánh Thần, Đấng là quà tặng, ban ân sủng cần thiết để làm cho đời sống chúng ta được biến đổi mặc lấy những tâm tình của Chúa Giêsu. Đây là phương pháp được áp dụng trong tất cả mọi giai đoạn huấn luyện. Chuẩn bị: Ngồi ngay ngắn, vì anh chị đang chào đón Chúa. Sử dụng lời cầu nguyện mang tính chất huấn luyện hoặc một lời cầu nguyện nào khác để giúp tâm trí anh chị được yên tĩnh.
Lectio, Đọc Lời Chúa: Chọn bản văn Kinh Thánh. Đó có thể là một bản văn được đề nghị trong cuốn cẩm nang huấn luyện hoặc từ phụng vụ trong ngày. Đọc chậm rãi, dừng lại ở bất cứ một câu nào đánh động tâm hồn anh chị. Kính cẩn lặp lại những chữ đánh động tâm hồn anh chị. Có thể đọc câu đó lên trong thầm lặng và to tiếng để cho mọi người nghe. Thưởng thức bản văn, hãy nếm thử và hãy nhìn xem Chúa thực Tốt lành. Như người ta nói: khi vừa nghe danh xưng Chúa Giêsu, Phanxicô liếm môi ngài, y như thể thưởng nếm vị ngon ngọt của Lời (Bonaventura, Life of Francis, chương 10). Trong giai đoạn cầu nguyện này, trí năng làm việc nhiều hơn.
Meditatio, Suy niệm: Đây là động thái chuyển từ những suy tư tri thức sang động thái của con tim. Như Cha Basil Pennington diễn tả trong cuốn Lectio Divina,Renewing the Ancient Practice of Praying the Scriptures: Các giáo phụ đã nói đếnchuyển động đi từ lý tríxuống con tim. Lời được đón nhận không chỉ bằng trí tuệ, nhưng cũng còn bằng tình cảm, mở tai lắng nghe ... mở lòng chúng ta ra để Thực tại đi vào một cách trọn vẹn, để nhìn thấy được mọi sự như Thiên Chúa thấy, khiến chúng ta suy nghĩ như Đức Kitô suy nghĩ. Suy niệm không phải là một tiến trình nhờ công sức lao động tích cực của chúng ta với những gì đã lãnh nhận cho tới khi chúng phù hợp với khuôn khổ nhận thức của chúng ta – nhưng đúng hơn, đây là một tiến trình lĩnh hội để cho Lời xé mở cõi lòng và cải tạo chúng ta (trang 61). Giai đoạn cầu nguyện này có thể ví như một con vật đang nằm trên bãi cỏ nhai lại thức ăn. Đây có thể là những gì chúng ta mang theo trong ngày để thường xuyên suy gẫm. Giai đoạn kế tiếp tựa như một người cởi mở cõi lòng ra với ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Oratio, Lời cầu nguyện của Con tim: Trong giai đoạn này, chúng ta chuyển sang dâng lời ca ngợi, tạ ơn, kinh ngạc, khẩn nguyện. Đây không phải là những lời chúng ta có thể đọc trong một cuốn sách cầu nguyện, hoặc những lời kinh trên môi miệng, cho dẫu những lời lẽ đó xuất phát từ môi miệng chúng ta, song việc cầu nguyện này tựa như đang trong tâm trạng sợ hãi và không nói lên lời, vì đây là việc Chúa Thánh Thần đang cầu nguyện trong chúng ta. Như Thánh Phaolô mô tả trong Thư gởi giáo đoàn Rôma 8, 26-27: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa”. Đây là loại lời kinh đã được biểu lộ nơi Thánh Phanxicô, thánh nhân là người thường lặp đi lặp lại câu nói: “Lạy Thiên Chúa con, Ngài là Tất cả của con”. Đây cũng có thể được mô tả như là thời khắc tự hiến mình cho Chúa, không quá nhấn mạnh trên bình diện trí thức, mà là phát xuất từ con tim.
Contemplatio, Chiêm ngưỡng: động thái cuối cùng là thời khắc chúng ta khiêm tốn nghênh đón Ba Ngôi, Đấng ngự trị sống động trong tâm hồn chúng ta và khao khát để Chúa Thánh Thần biến đổi con tim chúng ta (Gcb 1, 21). Thái độ thinh lặng lắng nghe Lời giúp chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt mới, để chúng ta trở thành Con yêu dấu của Cha. Động thái đó có thể được diễn tả như “một tình trạng vĩnh cửu”. Trong trạng thái này, mọi hoạt động của con người đều được biến đổi, để chúng ta bắt chước (imitatio) Chúa Giêsu. Giai đoạn chuyển tiếp sang chiêm ngưỡng có thể là một kinh nghiệm sa mạc, trong đó chúng ta nhận biết rằng mọi hình ảnh và mọi tư tưởng về Thiên Chúa đều lu mờ so với thực tại. Giờ đây, con tim chúng ta có thể đi vào trong thế giới, vì chúng ta bắt đầu gặp thấy Thiên Chúa đang hoạt động trong thế giới, và nhìn thấy Chúa nơi anh chị em chúng ta.
Kết thúc: nói một cách chính xác, phương thế cầu nguyện này không hề chấm dứt, nhưng vào cuối thời gian cầu nguyện, lại giúp chúng ta cầu nguyện chậm rãi với Thiên Chúa là Cha chúng ta. | |
|