TUYÊN KHẤN LUẬT DÒNG PSTT
CHÚNG TÔI HIẾN THÂN PHỤC VỤ NƯỚC CHÚA
Stjepan Lice, SFO
Linh đạo Phan Sinh Tại ThếLinh đạo Phan Sinh Tại Thế không phải là một linh đạo xa rời thế giới, một linh đạo phi xã hội hoặc dấu kín nhưng đúng hơn, đó là một linh đạo được trưng bày ra cho thế giới, một linh đạo liên hệ tới thế giới. Chiều kích nền tảng linh đạo Phan Sinh Tại Thế rõ ràng mang tính tại thế, với trách nhiệm thực tiễn đối với thế giới; một trách nhiệm bắt đầu bằng việc chăm sóc đời sống gia đình và dấn thân xây dựng bầu khí gia đình trong thế giới và trong Giáo hội, bao gồm cả việc tiến hành cuộc đối thoại mang tính đại kết và đối thoại giữa các niềm tin khác biệt nhau trong bầu khí gia đình.
Linh đạo Phan Sinh Tại Thế là một trong nhiều con đường tốt đẹp dẫn đưa tới Thiên Chúa và tới nhân loại, đã để lại dấu ấn xuyên qua lịch sử Kitô giáo và Giáo hội. Tuy nhiên, Linh đạo Phan Sinh Tại Thế không dừng lại bên trong Giáo hội, mà còn đi tới khắp thế giới, để sao cho một con đường như thế cần phải luôn tiếp tục để lại được dấu ấn trong thời gian và không gian, nhất là bằng cách cá nhân lẫn cộng đoàn sống dấn thân toàn diện. Thậm chí nếu cộng đoàn chưa dấn thân cho đủ, thì vẫn không thể bỏ qua việc cá nhân mỗi người phải dấn thân, vì Phúc âm mời gọi mỗi người trong anh/chị chúng ta hiến thân phục vụ Nước Chúa.
Linh đạo Phan Sinh Tại Thế là một linh đạo Phúc âm. Linh đạo Phan Sinh Tại Thế giống như một linh đạo sống Phúc âm sát theo từng chữ, vì Phúc âm không dành riêng cho thời điểm hoặc cho tình huống đặc biệt nào. Chúng ta phải sống Phúc âm một cách trọn vẹn và thực sâu sát. Nếu lấy làm hài lòng chỉ sống một phần Phúc âm thôi thì có nghĩa là lừa dối Phúc âm. Một đời sống tầm thường theo Phúc âm là một đời sống phi Phúc âm. Ở đâu có sự lạnh nhạt, ở đó không sống linh đạo Phan Sinh Tại Thế, vì linh đạo Phan Sinh Tại Thế giả thiết phải có niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa, một sự hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa. Linh đạo Phan Sinh Tại Thế chỉ có thể được sống một cách nhiệt thành. Chỉ tâm hồn nhiệt thành, tinh thần hăng hái mới có thể hiểu được và mới có thể hưởng được niềm vui linh đạo Phan Sinh Tại Thế.
Cá nhân và gia đình khám phá Linh đạo Phan Sinh Tại ThếQuay lùi về những năm thập niên 80, khi tôi với bà xã là Ruzica bắt đầu biết đến linh đạo Phan sinh – tôi không dám nói cường điệu, chứ thực ra rất là hồ hởi – tôi ngạc nhiên về ý nghĩa của việc tuyên khấn sống Phúc âm, vì tôi luôn dấn thân hết sức có thể để sống thánh Phúc âm, kể từ ngày có trí khôn.
Chẳng bao lâu tôi khám phá ra rằng: dấn thân sống Phúc âm là một chuyện, còn việc tuyên khấn lối sống Phúc âm lại là một chuyện khác. Linh đạo Phan Sinh Tại Thế đã giúp tôi thấy rõ hơn rằng: Phúc âm là sống với tha nhân, sống với Thiên Chúa và với những người nam người nữ. Tôi hiểu rằng tuyên khấn sống Phúc âm trước mặt những người khác và trước mặt Thiên Chúa không phải là một hành vi mang tính hình thức, nhưng là một hành vi cốt thiết làm nên nền tảng căn tính người Phan Sinh Tại Thế.
Ngay cả cho dù tôi đã luôn là một kitô hữu, thì thực sự chính tính chất Phan sinh mới làm cho tư cách Kitô hữu của tôi được mọi người nhận ra, bằng cách thêm vào đời sống chiều kích Phan sinh, và Thiên Chúa đã trở nên rõ ràng hơn đối với tôi cũng như tôi nhìn thấy mình rõ ràng hơn. Đây là một chiều kích không thể thiếu để tôi có thể sống. Tôi đã có may mắn, một may mắn Chúa ban, vì tôi đã gia nhập vào thế giới Phan sinh, vào linh đạo Phan sinh, cùng với bà xã Ruzica. Và do đó, linh đạo Phan sinh đã trở thành linh đạo của gia đình chúng tôi.
Có lẽ việc tôi tuyên khấn sống Phúc âm cùng với bà xã và hai mươi anh chị khác, phần đông họ đều còn trẻ, trong thời buổi ít có ai khấn sống Phúc âm trong Dòng Phan Sinh Tại Thế qua một thời gian dài tại đất nước tôi, đã làm cho việc tuyên khấn càng trở nên cảm động hơn và đòi hỏi hơn đối với tất cả mọi người chúng tôi. Tôi nhớ lại chúng tôi đã cảm thấy rạo rực biết bao, khi đọc lên những lời: tuyên khấn trong Dòng (Ordo).
Thời gian trôi qua, tôi hiểu hơn và tiếp tục hiểu rõ hơn nữa sự cao quý trong hành vi tuyên khấn. Sau này, trong tư cách là Phụ trách công tác huấn luyện khởi đầu, tôi lại khám phá những lời lẽ đơn sơ trong Luật Dòng Phan Sinh Tại Thế chứa đựng biết bao nhiêu là nội dung phong phú và niềm khích lệ.
Bà xã Ruzica và tôi đã nhiệt thành dấn thân sống tư cách Kitô hữu, dẫu trước đó cũng không mấy dễ dàng. Hầu như chúng tôi phải luôn luôn chứng tỏ tư cách Kitô hữu ra nơi mình và cho những người khác (ngay cả đôi khi ngược lại với những người khác). Tính chất Phan sinh cốt yếu giúp chúng tôi sống tư cách Kitô hữu một cách trong sáng hơn, một cách gắn bó hơn, cho dẫu không đòi phải liên tục lượng giá, nhưng phải chú tâm sống và tin tưởng rằng Chúa sẽ bù đắp những giới hạn của mình.
Việc ấy đã xảy ra khi cộng sản nắm quyền tại Croatia và do đó, đức tin và lòng trung thành bị đặt thành vấn đề, bị xem thường và bị nghi ngờ. Nhưng đối với tôi và bà xã, sống đức tin còn quan trọng hơn bất cứ một thuận lợi nào mà cuộc sống lúc đó có thể mang lại. Những khó khăn khác lại xuất hiện, vì trong thực tế cả hai chúng tôi đều làm việc – và hiện nay vẫn còn đang làm việc – trong nghề giáo và trong công tác huấn luyện. Bà xã Ruzica của tôi là một giáo viên nhà trẻ. Còn tôi làm thư ký trong trường Đại học. Đôi lúc, vợ tôi bị xem y như là một kẻ hàm hồ; thực vậy, vào thời điểm đó, có người nghĩ rằng không thể nào cùng một lúc vừa là một nhà giáo lại vừa là một người có đạo. Còn tôi, từ lúc còn ở trường cấp II, tôi đã đăng những bài báo liên quan tới đạo, với chữ ký tên mình bên dưới, trong các tạp chí nhà đạo. Tôi cũng đã gặp một số vấn đề và thậm chí bị từ chối một số cơ hội. Tuy nhiên, bà xã luôn luôn ủng hộ tôi ...
Khi đã trở nên thành viên trong Gia đình Phan sinh, chúng tôi càng dấn thân hơn nữa. Chúng tôi đã và vẫn đang còn tham gia vào nhiều sáng kiến của Gia đình Phan sinh và của Giáo hội. Khi chị Manuela Mattioli, sau này là TPV Dòng Phan Sinh Tại Thế, đến Croatia vào năm 1986 và ghé thăm Bosnia và Herzegovina, chị đã cùng với một số anh chị em Phan Sinh Tại Thế chúng tôi chớp một tấm ảnh, tấm ảnh này đã được đưa lên tờ Phan sinh “Brother Francis” của chúng tôi. Trong Phân khoa nơi tôi làm việc có người đã hỏi xem tôi có thể làm việc ở đó không, vì tôi là thành viên của một tổ chức tôn giáo hoặc một giáo phái. Tuy cũng bị liên lụy trong mức độ nào đó, nhưng tôi đã luôn cố gắng sống Phúc âm, không nói nhiều mà cứ thế làm việc. Dù vậy, người ta cũng không đem ra bàn cãi việc tôi có mặt trong trường Đại học.
Sau khi nước Cộng hòa Croatia được thành lập, vì nhận thấy cần phải bồi dưỡng thêm đức tin, nên bà xã Ruzica của tôi đã theo học thần học và giáo lý tại Phân khoa Thần học ở Zagreb và sau đó, cô đã thi hành tác vụ trong tư cách là một giáo lý viên tại trường sơ cấp, hiện nay cô vẫn làm việc tại đây và bắt đầu giúp người lớn chuẩn bị lãnh nhận các bí tích và sống đời sống đức tin của họ trong Giáo hội. Còn tôi đã cộng tác với Bộ Văn hóa và Thể thao của Chính phủ Croatia từ năm 1994 đến đầu năm 1998. Thêm vào đó, năm 1994, tôi cũng đã bắt đầu làm cho chương trình Spiritual Thought của đài truyền thanh.
Chúng tôi có 3 người con. Chúng tôi chẳng bao giờ tìm cách ép con cái gia nhập Giới Trẻ Phan Sinh. Dẫu vậy, đứa con gái cũng đã là một thành viên Giới Trẻ Phan Sinh và năm ngoái đã tuyên khấn sống Phúc âm trong Dòng Phan Sinh Tại Thế (tôi là Phụ trách huấn luyện của con gái mình). Một đứa con trai đã lập gia đình với một đứa nó gặp trong Giới Trẻ Phan Sinh và hai đứa đã có được 2 cháu. Đứa con trai trẻ nhất thì đang chuẩn bị lập gia đình với một cô bé nữa gặp nhau trong Giới Trẻ Phan Sinh.
Linh đạo Phan Sinh Tại Thế và lòng can đảm Phúc âmĐôi lúc tôi tự hỏi điều gì làm cho việc sống Phúc âm, nghĩa là sống theo linh đạo Phan sinh, trở nên khó khăn? Phải chăng đó có lẽ là sự bắt chẹt và những đe dọa như dưới thời cộng sản, hoặc đó là sự dửng dưng và lý thuyết tương đối do chủ nghĩa tư bản gợi lên? Tôi cho rằng chỉ có một câu trả lời duy nhất. Mỗi thời đại đều có những thách đố và nạn nhân của nó, thậm chí khi thì rõ ràng khi thì lại kín đáo. Về cách thức có thay đổi, nhưng bản chất vẫn thế. Trong bất kỳ trường hợp nào, thông thường nguy cơ lớn nhất vẫn là về phía gia đình và chính đương sự.
Do đó, trong mọi thời đại, điều giúp sống Phúc âm tốt nhất, đó là lòng can đảm. Phúc âm góp phần làm cho con người được lớn lên trong tuổi tác, trong khôn ngoan và ân sủng. Và trong thực tế, gia đình – trên bình diện vật chất cũng như tâm linh – vẫn là cái nôi của nhân cách, là chốn an toàn nhất để con người được lớn lên. Vì thế, tất cả những gì đe dọa và phá hoại gia đình thì cũng đe dọa và phá hoại con người. Trong một thế giới nơi mà sự che mặt giấu tên thắng thế, thì không có chỗ cho gặp gỡ, cho sự sống vì tha nhân và cho đời sống hiệp thông. Trong một thế giới không tôn trọng phẩm giá con người, thì Phúc âm trở thành một câu chuyện đẹp, nhưng chẳng đem lại ảnh hưởng gì trên cuộc sống.
Do đó, anh chị em Phan Sinh Tại Thế được kêu gọi dấn thân sống đời sống Phúc âm trong thế giới theo một cung cách đặc biệt. Sống Phúc âm có nghĩa là bước đi trên những lộ trình khác xa với những nẻo đường của thế giới. Vì vậy, thành công theo nghĩa Phúc âm khác xa với thành công theo nghĩa thế gian. Đôi khi, hai chuyện có thể trùng hợp. Tuy nhiên, thông thường hai lối lý luận này (the two logics) chẳng hề gặp nhau. Bất cứ ai sống Phúc âm và lên kế hoạch đời mình theo lý tưởng Phúc âm sẽ không được thế gian “tán thưởng”, nhưng dẫu sao kết cuộc đời sống của người ấy sẽ được Thiên Chúa chúc phúc.
Khi tuyên khấn Luật Dòng Phan Sinh Tại Thế, anh chị em Phan Sinh Tại Thế biết rằng: họ được kêu gọi, trong tư cách cá nhân cũng như là một huynh đệ đoàn, cổ võ cho công lý một cách thực tiễn, nhất là trong đời sống chung, nhờ đời sống chứng tá của anh chị em và qua những sáng kiến can đảm. Anh chị em sẽ chỉ thực sự trở nên như thế, nếu như anh chị em làm hết mọi sự sao cho phù hợp với tinh thần Phúc âm và với đoàn sủng Thánh Phanxicô Átxidi; nếu như anh chị em ra đi đến gặp gỡ cuộc sống và làm cho phẩm giá từng người được thăng tiến; nếu như anh chị em không ngăn cản mình để lên tiếng tố cáo các lỗi phạm và thiếu sót nơi những người khác, qua việc cá nhân và cộng đồng dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, bất kỳ một sự thoái thác nào về phía cộng đồng cũng không thể biện mình cho một sự thoái thác về phía cá nhân mỗi người.
Là người Phan Sinh Tại Thế, nếu anh/chị thực sự đi theo Đức Giêsu Kitô noi gương Thánh Phanxicô Átxidi, nếu anh/ chị thực sự sống Phúc âm, thì anh/chị đều biết rằng: sống là để phục vụ, phục vụ cho tình yêu. Điều đó không có nghĩa là chấp nhận làm người bé mọn, nhưng là quyết định làm một điều gì đó hơn nữa, một điều gì đòi hỏi hơn và cao quý hơn: đó là diễn giải Tin Mừng vào trong mọi hoàn cảnh sống. Cho dẫu luôn ý thức những giới hạn và sự mỏng dòn trong các nỗ lực của chúng ta, nhưng Phục vụ Nước Chúa có nghĩa là làm cho Phúc âm băng ngang qua các nẻo đường thế giới và chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới, nghĩa là bằng cách kế thừa, tiếp tục sống Phúc âm mỗi ngày trong đời sống chúng ta.
Gợi ý suy nghĩ :
Đâu là bằng chứng cho thấy anh/chị và Huynh đệ đoàn đã và đang thực sự cố gắng dấn thân sống Phúc âm như lời tuyên khấn? Thí dụ như: Dành thời gian để đọc, để học hỏi, suy gẫm và chia sẻ Lời Chúa chung với nhau; hoặc kiểm điểm đời sống, hoặc cùng nhau thực hiện một việc thiện dưới ánh sáng Lời Chúa thôi thúc ...vv.
(Konoinia 59; 07.11.2008 – Chiều ofm chuyển ngữ)