Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmTHÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ Th_thong-tin-1THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ Th_gioi-tre-1THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ Th_chia-se-1THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ

Go down 
Tác giảThông điệp
kthoa




Tổng số bài gửi : 64
Join date : 05/04/2012

THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ Empty
Bài gửiTiêu đề: THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ   THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ EmptyMon Oct 15, 2012 3:41 am

THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG
MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ

(Br. Iduraya Samy, OFMCap)

THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ Bai20Hinh94

I. Dẫn nhập :

Năm Thánh Thể được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khai mạc vào tháng 10/2004 và Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI kết thúc trong tháng 10.2005 này, là cao điểm của một hành trình đã được bắt đầu trong suốt ba năm chuẩn bị Đại Năm Thánh 2000. Đây là một hành trình, mà tiếp sau đó là những sự kiện lớn và các cuộc gặp gỡ được cử hành vào lúc khởi đầu ngàn năm mới và đã để lại dấu ấn nhờ những văn kiện quan trọng, chẳng hạn như các văn kiện Dies Domini, Novo Millennio Ineunte và Ecclesia de Eucharistia.

Đó là một hành trình mang tính mục vụ, đánh dấu lịch sử Giáo hội trong giai đoạn thập niên cuối và theo như ý định của Đức Gioan Phaolô II đáng kính và thân yêu, hành trình mang tính mục vụ đó có Con người Đức Kitô cũng như Sự Hiện diện vững chắc và bảo đảm của Người ngay tại trung tâm: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Trong Tông thư Novo Millennio Ineunte, Đức Gioan Phaolô II yêu cầu chúng ta, với tinh thần thật tươi mới, hãy tin tưởng dấn thân hơn nữa vào việc đặt Chúa Kitô tại trung tâm đời sống: vì Người là ân sủng. Thật vậy, chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng: những kết quả và thành công tùy thuộc vào hoạt động mục vụ của chúng ta, vào khả năng hành động và lên kế hoạch của chúng ta. Song ngược lại, chính việc cầu nguyện mới làm chúng ta sống và nhắc chúng ta nhớ lại quyền tối thượng thường hằng của Chúa Kitô, cũng như trong tương quan với Người, nhắc nhớ lại giá trị ưu việt của đời sống nội tâm và sự thánh thiện.

Thánh Thể, Lời Cầu nguyện Vĩ đại của Giáo hội, là trái tim của Giáo hội, Chúa Kitô, Đấng làm cho chúng ta được đồng hóa trong Người: Kẻ ăn thịt tôi sống trong tôi!

Lời kêu gọi thực mãnh liệt, đồng thời cũng đích thực và táo bạo. Duc in altum, bắt đầu lên đường, hãy làm rồi nói, đồng thời kêu gọi chúng ta tiến vào trung tâm đời sống hoạt động của chính Giáo hội: đó là bày tỏ mầu nhiệm sự hiện diện của Chúa Kitô dưới tấm màn che là bí tích Thánh Thể. Chính chung quanh Chúa Kitô, Người hiện diện nơi Thánh Thể, mà chúng ta được mời gọi đến tìm gặp chính mình, tìm gặp các tương quan trong huynh đệ đoàn chúng ta, tìm gặp ảnh hưởng của chúng ta trên xã hội và trong thế giới.

Làm sao chúng ta không nhớ lại và lặp lại những lời mà thánh Phanxicô Átxidi đã để lại cho chúng ta trong Huấn ngôn đầu tiên của ngài:

“Này đây hằng ngày Người hạ mình xuống như xưa Người rời ngai vàng mà đến trong lòng Đức Trinh Nữ. Hằng ngày Người đến với chúng ta một cách khiêm nhường. Hằng ngày Người rời cung lòng Chúa Cha để ngự xuống trên bàn thờ, trong tay linh mục. Xưa kia Người tỏ mình ra cho các thánh Tông đồ trong một thân xác đích thực thế nào, thì ngày nay, Người cũng tỏ mình ra cho chúng ta trong Bánh thánh như thế. Và như xưa, con mắt xác thịt của các thánh Tông đồ chỉ trông thấy thân xác của Người, nhưng các ngài tin rằng Người là Thiên Chúa, vì các ngài chiêm ngắm Người với con mắt được Thánh Khí soi dẫn. Ngày nay cũng thế, khi con mắt xác thịt của chúng ta trông thấy bánh và rượu, chúng ta hãy biết nhìn ra và tin vững đó là Mình và Máu cực thánh, hằng sống và chân thật của Người”. (1)

II. Sự Hiện diện Nhiệm mầu

Sự hiện diện đích thực và liên tục, cụ thể và hiện thực, khiêm hạ, đồng thời cũng duy nhất, cho phép chúng ta được ở lại trong Sự Sống, được sống hết sức có thể cuộc đời chỉ sống một lần. Điều kinh ngạc luôn luôn là Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, Đấng trở nên hiện diện, cụ thể và sống động và duy nhất. Tưởng niệm sự Hiện diện đó không chỉ có nghĩa là cứ lặp đi lặp lại cử chỉ của Chúa Giêsu, là Đấng mà khi các môn đệ tụ họp lại với nhau trong căn phòng trên lầu, đã bẻ bánh nói lên sự hiệp thông và đã đổ máu nói lên sự hiệp nhất, bằng cách trao dâng chính Người làm hy lễ để cứu chuộc mọi người, nhưng cũng còn là sống chính mầu nhiệm Cứu Chuộc ấy.

Những lời đầu tiên trong Tông huấn Ecclesia de Eucharistia thực sâu sắc và chỉ cho thấy con đường duy nhất mở ra cho người Kitô hữu: “Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể. ... nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa, Giáo Hội được vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ duy nhất” (2). Việc khám phá ra quà tặng, khám phá ra Thiên Chúa là Đấng đã đến ngay trước mặt chúng ta và đã chuẩn bị sẵn bàn tiệc cho mọi người, đang đổ đầy vào lòng chúng ta niềm vui và sự kỳ diệu. Sự khám phá ấy làm tuôn tràn “những lời tạ ơn” nơi chúng ta, làm cho cử chỉ duy nhất còn lại là tâm tình tạ ơn và thờ lạy.

Những lời tạ ơn dâng lên, ngoài việc là một dấu chỉ lịch sự nơi tâm hồn con người trước dấu chỉ Thánh Thể, còn là một sự nhìn nhận tính nhưng không. Việc cử hành Thánh Thể không đơn giản giống như một nghi thức, nhưng đó làviệc Chúa Kitô Hiện diện, Đấng đã sinh ra và bỏ mình vì chúng ta, việc cử hành đó là khả năng thờ lạy mầu nhiệm trở nên xác phàm. Đó là nhận ra Chúa ngự đến, Người đang đến gặp gỡ chúng ta với hành vi tạ ơn của chính Người; đó là nhận ra rằng: Người đã đặt giao ước mới vào đôi bàn tay chúng ta, hành vi tạ ơn của Người, Thánh Thể Người, với giao ước mới ấy mà chúng ta mới có thể xứng đáng dâng lời tạ ơn lên Đấng là Tác Giả mọi quà tặng, mọi Sự Thiện. Chỉ phát xuất từ đó, mới có thể làm nảy sinh tâm tình thờ lạy: “Chớ gì mọi người hãy kính sợ, toàn thế giới hãy run rẩy và các tầng trời hãy reo vui khi Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống ngự trên bàn thờ trong tay linh mục”. (3)

Đồng thời, Thánh Thể là Lời Cầu nguyện của Giáo hội, một Hành vi Tạ ơn và một Mầu nhiệm về Sự Hiện diện. Đây là một nghi thức cử hành và tưởng niệm giao ước mới giữa Thiên Chúa với nhân loại, tưởng niệm một Thiên Chúa, Đấng đã muốn tự ràng buộc Ngài với nhân loại, với từng người và mọi người, mãi mãi. Và đối với chúng ta, Thánh Thể trở nên lương thực mang lại niềm hy vọng cho chúng ta trong một thế giới bị xé rách bởi mối bất hòa và những cuộc xung đột giữa anh em với nhau, là những kẻ đang giết chết và gây bạo lực chống lại nhau trong những cuộc chiến tranh vô lý, hầu đạt cho được quyền lực phù du; Thánh Thể là tin rằng: việc Ngôi Lời nhập thể để cứu rỗi nhân loại là điều thiết thực, ơn cứu chuộc đã được tuôn tràn, Vương quốc Thiên Chúa đang lớn mạnh đạt tới sự viên mãn của Nước ấy.

Việc mỗi ngày cử hành Thánh Thể không phải là một việc cử hành tách rời khỏi cuộc sống thường ngày hoặc khỏi các sự kiện đang diễn ra trên thế giới, nhưng là hội nhập sâu sa vào trong thế giới và chúng ta có thể nói một cách chính xác rằng: việc cử hành Thánh Thể mỗi ngày là nguồn mạch việc cử hành cuộc sống, là nguồn mạch của phụng tự sự sống được cứu chuộc, sự sống mà chúng ta biết đã được nuôi dưỡng trong bánh được bẻ ra và trong máu được đổ ra, trong một thân mình được cho đi và trong chén được trao tặng. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời(Ga 6, 54).

Đời sống và Phụng tự.

Và rồi việc cử hành Thánh Thể hằng ngày, đối với mỗi một huynh đệ đoàn chúng ta, phải là một tâm tình cảm tạ vì hồng ân được biết dâng lên lời tạ ơn và đồng thời làm chỗi dậy một nhân loại mới để ảnh hưởng lại vào trong thế giới. Tự bản chất, không được xao lãng nghi thức đó, không được biến nghi thức đó trở thành một cử chỉ thiếu suy nghĩ hoặc cử hành theo thói quen, hoặc trong trường hợp xấu hơn nữa, biến nghi thức đó chỉ đơn giản là một nghi lễ, nhưng đúng hơn phải là việc tưởng niệm hết mọi sự Thiên Chúa đã thực hiện để giải cứu chúng ta thoát ra khỏi những bi kịch trong đời sống, thoát ra khỏi sự cô đơn. Nghi thức đó là một cuộc tưởng niệm tình bạn của Chúa và tưởng niệm về giao ước mới (Tân Ước), có giá trị đem lại ơn cứu độ cho hết mọi người, ơn cứu độ một lần nữa tìm lại được con đường đến với Thiên Chúa và do đó, đến với nhân loại.

Các huynh đệ đoàn chúng ta sẽ có thể cử hành Thánh Thể như thế nào? Không đơn giản chỉ là một nghi thức, chắc chắn nghi thức đó cần phải được cử hành và phải được cử hành một cách trang trọng bởi chúng ta và giữa chúng ta, nhưng cũng phải được cử hành trong sự hiệp thông và cùng với Giáo hội địa phương mà chúng ta thuộc về, và trong tư cách là một cuộc cử hành làm cho đời sống mỗi người cũng như mọi ngày được trở nên linh hoạt.

Ở đây, chúng ta cũng xin Thánh Phanxicô giúp đỡ, ngài là đấng với một sức mạnh thật ấn tượng, trong Thư gởi cho Toàn Dòng, đã dò thấu: “Ôi điều cao cả kỳ diệu, một sự hạ mình đáng kinh ngạc! Ôi lòng khiêm hạ thẳm sâu, một điều trọng đại mà thật khiêm tốn! Chúa tể càn khôn, Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa hạ mình xuống đến ẩn náu dưới hình bánh nhỏ mọn để cứu độ chúng ta. Hỡi anh em, hãy nhìn ngắm sự khiêm nhường của Thiên Chúa và trước mặt Người hãy tuôn đổ cõi lòng. Anh em hãy hạ mình xuống để Người nâng anh em lên. Vậy anh em đừng giữ lại cho mình bất cứ điều gì, để Chúa là Đấng đã hiến trọn thân mình cho anh em, cũng sẽ nhận lấy toàn thân anh em!”.(4)

“Vậy anh em đừng giữ lại cho mình bất cứ điều gì ...”. Mọi sự, đó là sự thật và thực sâu sắc, đều phải được dâng trả. Đó là lời giảng dạy vĩ đại về Thánh Thể, lời giảng dạy âm thầm, lời giảng dạy khiêm hạ, khiêm hạ giống như sự hiện diện của Chúa là vị Thiên Chúa đã tự hạ, đã tự chuốc lấy ô nhục “cho đến chết và chết trên thánh giá” (Pl 2, Cool, một lời giảng dạy nhắc tới một ngôn từ khiêm nhu độc nhất đem lại sự sống: đó là ngôn từ thánh giá. Thái độ không giữ lại bất cứ điều gì cho mình, thái độ dâng trả mọi sự cho Thiên Chúa trong Thánh Thể, Thánh Thể được cử hành qua nghi thức và qua đời sống, có nghĩa là hết sức kiến tạo mối hiệp thông giữa con người với nhau. Thái độ trao dâng cuộc đời mình vì mọi người, noi gương bắt chước Chúa, làm cho những người nam người nữ trở thành Thánh Thể, họ là những người trao dâng chính mình trong hành vi dâng hiến của Chúa là Thánh Thể.

Đức Maria, Người Mẹ là mẫu gương cho thái độ dâng trả đó, mẫu gương của việc không giữ lại bất cứ điều gì cho Mẹ, mẫu gương của việc không có bất cứ ý định nào khác ngoại trừ ý định được sống trong Mầu nhiệm. Bất cứ ai giữ lại mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Con Người, thì sẽ tìm lại được mạng sống ấy và tìm được sự sống vĩnh cửu.

Huynh đệ đoàn và sự Hiệp thông

Rõ ràng việc kiến tạo sự hiệp thông, việc làm nảy sinh tình huynh đệ, bắt nguồn từ Thánh Thể, Thánh Thể là sự tham dự thân mật và thực sự vào hiến tế duy nhất của Chúa Kitô, chứ không phải chỉ là một bữa tiệc ăn uống vui vẻ với nhau.

Việc tham dự bằng cách để cho Chúa Kitô đi ngang qua giữa mọi người, không kết án tội lỗi nơi họ, nhưng bảo đảm nhờ việc nhận ra tội lỗi nơi mình mà họ nhận được ơn tha thứ, ơn cứu độ phát xuất tự nơi Người, một sự tham dự như thế là sự dâng trả quà tặng vĩ đại nhất. Huynh đệ đoàn được xây dựng trong Lô-gích Thánh Thể đó. Chúa đi ngang qua làm điều thiện, cứu rỗi con người, không đợi con người hiểu biết mọi sự Người đang thực hiện, mà vẫn hoàn thành việc cứu rỗi. Tôi không nói điều này giống như một bài học dạy luân lý, nhưng với một tâm hồn cởi mở rằng: Khi các huynh đệ đoàn chúng ta không để cho Lô-gích Thánh Thể khuôn đúc huynh đệ đoàn mình, thì chúng ta sẽ không múc lấy được sức sống từ nơi Thánh Thể, đời sống chúng ta sẽ không được tháp nhập vào sự sống của Thiên Chúa.

Đối với những ai thuộc về Dòng Phan Sinh Tại Thế, nghĩa là chọn lựa sống theo đoàn sủng thánh Phanxicô, thì Kitô giáo không khoe khoang, không cần nhiều lời, nhưng Kitô giáo được sống một cách khiêm hạ, không xem thường bất cứ ai chưa đón nhận lời cứu độ, bất cứ ai phản bội lại lời cứu độ. Quyền lực duy nhất, đó là sức mạnh của tình yêu! Huynh đệ đoàn là sức mạnh tình yêu, vì Thánh Thể là quyền lực yêu thương, một huynh đệ đoàn được bắt nguồn từ những vết thương của tình yêu, là dấu chỉ cuộc khổ nạn trên thánh giá, là bánh được bẻ ra làm của ăn đích thực và là thịt đích thực trên bàn ăn nơi căn phòng trên lầu: huynh đệ đoàn ấy làm nên Giáo hội, làm nên huynh đệ đoàn và nhân loại mới!

Việc huynh đệ đoàn hình thành giữa chúng ta được cột chặt vào Chúa Kitô, là nơi chốn duy nhất có thể kiến tạo nên tình huynh đệ với tất cả mọi người. Nếu các huynh đệ đoàn chúng ta không thể có được khoảng trống dành cho quyền lực duy nhất ấy, là quyền lực yêu thương, và không muốn dành một khoảng trống nhỏ bé lại cho nhau, thì làm sao chúng ta có thể sử dụng chữ “huynh đệ đoàn” trong thế giới được?

Việc sống thực sâu đậm Thánh Thể, việc dự phần vào Mình và Máu Chúa Giêsu, nhìn từ quan điểm ân sủng và sự trưởng thành thiêng liêng, là một thời khắc quan trọng đối với mỗi người trong chúng ta. Đó là thời khắc vĩ đại nhất trong ngày chúng ta sống, trong đó Chúa Giêsu muốn làm mới lại mùi vị sự thật và các giá trị Phúc âm trong chúng ta, làm cho chúng ta xác tín vào tình yêu của Người, hiệp nhất chúng ta lại với anh chị em, bằng cách cắt đứt sự thù oán và những thành kiến cũ mới, ban cho chúng ta lòng can đảm để đương đầu trong cuộc chiến đấu ngõ hầu sống trung thành, cũng như hân hoan trả giá cho sự trưởng thành trên bình diện tâm linh và tông đồ.

Sự Hiệp nhất và Tương quan Mới

Như thế, tình huynh đệ được thể hiện ra chung quanh Thánh Thể, Thánh Thể đã được Người Con tuôn đổ và thực hiện qua phép lạ Người trao ban chính mình cho con người là những kẻ tự nguyện đáp trả lại bằng một tiếng có, song đồng thời đó cũng là sự biểu dương mối hiệp nhất sâu sa nơi chính Ba Ngôi. “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17, 23). Thánh Thể lôi kéo chúng ta và đưa dẫn chúng ta vào trong sự sống của Ba Ngôi, vào trong mối tương quan yêu thương và hiệp nhất hoàn hảo với cuộc sống của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, sự hiệp nhất đòi phải có những cử chỉ và những cách biểu lộ cụ thể. Một huynh đệ đoàn không tỏ ra cho thấy một cách nào đó sức sống mới mẻ và tương quan mới mẻ với Người, Đấng là Tình yêu, một Tình yêu được cử hành trong Thánh Thể, thì huynh đệ đoàn ấy sẽ làm cho người ta hoài nghi về sự liên kết thật sự của huynh đệ đoàn ấy với Chúa Kitô. Được kêu gọi để quy tụ hết mọi người trong một gia đình duy nhất, chúng ta không thể phản bội lại phần việc đã được giao phó này và những cử chỉ cụ thể phải tỏ cho thấy những hoa trái thật sự nơi chúng ta, thậm chí dù không thể trông mong tất cả mọi người đều sẽ chấp nhận những hành động của chúng ta. Chúng ta được yêu cầu phải đưa ra những cử chỉ cụ thể, phải làm công việc của chúng ta, phải dùng các năng lực của chúng ta một cách cụ thể, chúng ta không bị đòi buộc phải nghĩ rằng: việc chúng ta làm sẽ thành công, phải tức khắc đạt được thành công.

Hành động vì sự hiệp nhất trong các huynh đệ đoàn chúng ta, phải đưa ra được những cử chỉ cụ thể, đó là một nhiệm vụ khẩn cấp đối với chúng ta hôm nay: sự hiệp nhất không chỉ là ước mong người khác được hạnh phúc, đó mới chỉ là một bước cần thiết để có thể tiến lên. Một huynh đệ đoàn chỉ quy tụ chung quanh Thánh Thể cho có hình thức sẽ không bao giờ có thể tiến bộ được, vì huynh đệ đoàn ấy đã đóng kín cửa trước tác động của Thần Khí, Người là Đấng tác động nhờ ân sủng. Chính huynh đệ đoàn không để cho Thánh Thể hoặc giáo huấn của Chúa uốn nắn mình, thì huynh đệ đoàn ấy đang giữ quà tặng lại cho mình. Một huynh đệ đoàn chỉ biết tuyên xưng một tình yêu siêu vượt tự nhiên bằng những lời lẽ tươi đẹp, thì rất có thể huynh đệ đoàn ấy cũng chẳng có tình yêu và các thành viên trong huynh đệ đoàn ấy cũng chẳng yêu thương nhau. Người ta có thể quan sát thấy rằng: sự hiệp nhất là ánh sáng được phản chiếu lại từ tình yêu Ba Ngôi, là tình yêu mà Chúa Thánh Thần mang tới cho chúng ta và trong Chúa Kitô, tình yêu ấy được trao dâng làm lương thực nuôi sống và nâng đỡ chúng ta. Sự hiệp nhất ấy làm thay đổi các mối tương quan và tạo ra một ảnh hưởng, bằng cách khuấy động, bằng cách dẫn đưa mỗi người và mọi người tới chỗ biết sống chân thực với con người mình.

Chúng ta cũng không bao giờ được quên một vài yếu tố cụ thể mà Tân Ước đã cung cấp nhằm giúp hiểu được mối tương quan giữa Thánh Thể và sự hiệp nhất huynh đệ. Trên hết, tôi quy chiếu hai hình ảnh có rất nhiều ý nghĩa: một hình ảnh được bắt gặp trong đoạn Luca tường thuật về Bữa Ăn Cuối, đó là hình ảnh phục vụ bàn ăn (Lc 22, 22-27; 12, 37); và một hình ảnh khác trong Tin Mừng thứ bốn khi thiết lập bí tích Thánh Thể, đó là việc rửa chân (Ga 13, 3tt). Dường như Chúa Giêsu nghĩ không thể nào ngồi vào bàn được và do đó, cũng là ngồi vào bàn tiệc Thánh Thể, mà lại không diễn tả cảnh tượng Người khoác vào mình tấm áo của một kẻ phục vụ hầu hạ, của một kẻ là sự diễn tả tình yêu thương sống động và là sự phục vụ hỗ tương qua những cử chỉ thật sự khiêm hạ và hèn mọn. Mối liên kết giữa việc cử hành Thánh Thể và đạo đức Kitô giáo, một cách cụ thể, đó là bổn phận phục vụ mà không tính toán vì thiện ích cho con người và cho nhân loại, mối liên kết đó nhắc chúng ta nhớ lại cử chỉ cao thượng của Chúa Giêsu, Đấng đã tặng ban tình yêu, bằng cách trao ban Mình và Máu Người, đem lại sự sống phục vụ hết thảy mọi người.

“Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể ...” (1Cr 10, 16). Thân mình bí tích của Chúa Giêsu là trung tâm và là nền tảng sự hiệp nhất trong Giáo hội, đó là cách thức thích đáng giữa chúng ta với nhau, để chúng ta có thể sống thân mật và tham dự vào sự sống làm nên sự hiệp nhất đích thực trong mọi huynh đệ đoàn Kitô hữu.

Thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ rằng: nhờ Thánh Thể, người Kitô hữu trực tiếp thông hiệp với Chúa Kitô (1Cr 10, 17). Việc “bẻ bánh” làm nổi bật lên thực chất tính cách xã hội và tính cách cộng đồng nơi Thánh Thể. Sự hiệp thông của các môn đệ với Chúa Kitô trở nên sự hiệp thông giữa họ với nhau. Phát xuất từ sự hiệp thông ấy với Chúa Kitô, mà Thánh Thể là bí tích tuyệt hảo. Tiếp đến, Giáo hội và mỗi cộng đồng Kitô hữu đích thực lại múc lấy được sức sống từ nơi Thánh Thể, từ nơi Thánh Thể đồng thời cũng là bí tích của hy tế, bí tích của sự hiệp thông và bí tích của sự hiện diện. Thân thể Chúa Kitô, đó là Giáo hội, được thiết lập nên nhờ việc tham dự vào Thánh Thể là thân mình Chúa Kitô và được linh hoạt nhờ sức sống Chúa Thánh Thần.

“Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này” (1Cr 11, 27), nghĩa là theo như ý Chúa Giêsu muốn, người ấy nhận biết là mình được hiệp nhất trọn vẹn vào trong tình yêu đích thực đối với anh chị em chúng ta. Do đó, lời cầu nguyện của các Kitô hữu và của anh chị em Phan sinh phải là: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng đã liên kết trong một thân thể duy nhất tất cả những ai được Chúa là Bánh và Máu sự sống dưỡng nuôi, xin hãy làm cho mối hiệp nhất, sự tâm đồng ý hiệp và bình an trong các cộng đồng chúng con, cũng như các giá trị mà những anh chị em của Chúa đồng thuận với nhau, được gia tăng thêm nữa.

IV. Kết luận

Nguồn mạch tình huynh đệ và sự hiệp nhất là ở nơi Thánh Thể, là sự tham dự trọn vẹn quà tặng của Chúa Kitô, Đấng thậm chí không từ chối ban cho chúng ta sự sống thân mật giữa Người với Chúa Cha. Cùng với thánh Phanxicô Átxidi, mỗi ngày chúng ta hãy học tập cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày, đó là Đức Giêsu Kitô, Con Cha yêu dấu và là Chúa chúng con, để tưởng nhớ, thấu hiểu và suy tôn tình yêu của Người đối với chúng con, cũng như mọi lời Người nói, mọi việc Người làm và mọi khổ đau Người đã chịu vì chúng con”. (5)

(Koinonia, 2005-3, No 41. – Chiều ofm chuyển ngữ)


(1) Thánh Phanxicô Átxidi, HN 1, 16 – 21.
(2) Gioan Phaolô II, GH tại Á Châu, 1.
(3) Thánh Phanxicô Átxidi, T Td 26.
(4) Thánh Phanxicô Átxidi, Thư Td, 27-29.
(5) Phanxicô Átxidi, Kinh Lạy Cha quảng diễn.
Về Đầu Trang Go down
 
THÁNH THỂ, NGUỒN MẠCH VÀ SỰ BIỂU DƯƠNG MỐI HIỆP NHẤT HUYNH ĐỆ
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» THÁNH THỂ, NGUỒN ÁNH SÁNG CHÚNG TA CỐNG HIẾN CHO THẾ GIỚI
» TÌNH HUYNH ĐỆ CHÂN THÀNH
» SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ CHÂN THÀNH
» TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG PHAN SINH
» Cách thích thú nhất để vươn tới TC

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: PHAN SINH TẠI THẾ :: LINH ĐẠO-
Chuyển đến