Liên tiếp trong mấy ngày qua, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã hai lần đề cập tới chủ đề thẩm mỹ, như phương cách thích thú nhất để vươn tới Thiên Chúa. Lần đầu là ngày 18 tháng 11, ngài nói tới vẻ đẹp của các nhà thờ chính tòa Âu Châu Trung Cổ, xây theo hai lối kiến trúc Rôman và Gôtích.
Nhiệt tình nghệ thuật của Kitô Giáo Trung CổTheo Đức Thánh Cha, thời Trung Cổ, “đức tin Kitô Giáo không những chỉ khai sinh ra các kiệt tác về thần học, tư duy và đức tin, nó còn gợi hứng cho một trong những sáng tạo nghệ thuật cao cả nhất của nền văn minh phổ quát, tức các nhà thờ chánh toà, vinh quang thực sự của Kitô Giáo Trung Cổ. Thực thế, trong gần 3 thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ 11, Âu Châu đã được chứng kiến một nhiệt tình nghệ thuật phi thường. Một nhà biên niên sử đã mô tả niềm hứng khởi và sự cần cù của thời đó như sau: ‘Việc đã xẩy ra là cả thế giới, nhất là tại Ý và Pháp (Gaul), các nhà thờ bắt đầu được tái thiết, dù nhiều nhà thờ vì còn tốt nên đâu cần phải tái thiết. Dường như các làng đang đua tranh nhau; dường như cả thế giới muốn rũ bỏ các rách rưới của mình để mặc lấy mầu áo trắng tinh của các nhà thờ mới mẻ. Tóm lại, lúc ấy hầu như mọi nhà thờ chánh tòa, đại đa số các nhà thờ đan viện, và ngay những ngôi nhà nguyện ở làng thôn cũng đều được các tín hữu trùng tu tái thiết’” (Rodolfo el Glabro, Historiarum 3,4).
Các yếu tốĐức Thánh Cha nhấn mạnh tới một vài yếu tố góp phần vào việc tái sinh nền kiến trúc tôn giáo nói trên. Trước nhất là các điều kiện lịch sử thuận lợi hơn như nhiều an ninh chính trị hơn, kèm theo gia tăng nhân số liên tục và việc phát triển từ từ các đô thị, trao đổi thương mãi và thịnh vượng. Đàng khác, các kiến trúc sư càng ngày càng khám phá ra nhiều giải pháp kỹ thuật công phu hơn để gia tăng kích thước các tòa nhà, đồng thời bảo đảm độ bền cứng và nét uy nghi của chúng. Tuy nhiên, chính nhờ lòng sốt sắng thiêng liêng cũng như nhiệt tình của phong trào đan viện lúc ấy đang cực thịnh mà các nhà thờ đan viện đã được xây lên, trong đó phụng vụ được cử hành một cách xứng đáng và trang trọng, các tín hữu có thể hiện diện ở đấy để cầu nguyện và thưởng lãm di tích các thánh. Các nhà thờ này trở thành vô số các địa điểm hành hương.
Nhà thờ kiểu Rôman (romanesque)Và thế là nhà thờ kiểu Rôman được khai sinh. Đặc điểm của nó là phát triển theo chiều dọc, dọc theo gian giữa để chứa được nhiều tín hữụ Đây là những nhà thờ vững chắc, với tường dầy, những mái vòm bằng đá và những đường nét đơn giản, có tính chủ yếu.
Đức Thánh Cha cho hay: điều mới lạ trong lối kiến trúc này là việc du nhập các tượng điêu khắc. Vì nhà thờ theo lối Rôman là nơi cho các đan sĩ cầu nguyện và cho tín hữu thờ phượng, nên các tượng điêu khắc không cần phải đạt tới sự hoàn hảo về kỹ thuật, mà nhằm mục đích giáo dục trước nhất. Cho nên điều cần là phải gợi lên trong tâm hồn tín hữu những ấn tượng cũng như xúc cảm mạnh mẽ thúc đẩy họ xa lánh sự ác và sự xấu để thực hành nhân đức, sự thiện. Chủ đề quen thuộc thường diễn tả Chúa Kitô như Quan Tòa Phổ Quát, được các nhân vật trong mạc khải bao quanh. Nói chung, mặt tiền các nhà thờ thường có các bức điêu khắc này để nhấn mạnh rằng Chúa Kitô chính là cửa dẫn người ta vào thiên đàng. Bước qua ngưỡng cửa một tòa nhà thánh thiêng như thế, tín hữu như bước vào một không gian và một thời gian khác hẳn với ngày thường. Người nghệ sĩ hy vọng rằng những ai tin vào Chúa Kitô tối cao, công chính và nhân hậu, khi tiến qua chiếc cửa nhà thờ sẽ dự ứng được niềm hạnh phúc trường cửu lúc cử hành phụng vụ và làm việc đạo đức bên trong nhà thờ ấy.
Nhà thờ GôtíchThế kỷ 12 và thế kỷ 13, bắt đầu tại miền Bắc nước Pháp, đã phát sinh ra lối kiến trúc khác gọi là Gôtích. Kiểu kiến trúc mới này có hai đặc điểm so với kiểu Rôman: lực ép theo chiều thẳng đứng và độ sáng cao (luminosity). Các nhà thờ chính tòa theo kiểu Gôtích cho thấy một tổng hợp giữa đức tin và nghệ thuật được hài hòa phát biểu bằng một ngôn ngữ cái đẹp phổ quát và hết sức thích thú, cho đến tận nay vẫn khiến người ta trầm trồ khen ngợi. Nhờ việc áp dụng các mái vòm nhọn, được những cây cột vững chắc đỡ, người ta đã có thể nâng chiều cao các nhà thờ này lên một cách đáng kể. Cái hướng tiến lên cao ấy, lên cao đến tuyệt đỉnh ấy, chính là lời mời người ta cầu nguyện và đồng thời chính nó cũng là một lời cầu nguyện rồi. Như thế, nhà thờ theo lối Gôtích muốn dùng các đường nét kiến trúc của mình mà diễn tả được các linh hồn đang khao khát gặp Thiên Chúa. Mặt khác, với các giải pháp kỹ thuật mới, các tường chung quanh nhà thờ có thể được chọc thủng và được trang trí bằng những cửa sổ kính mầu đẹp đẽ. Các cửa sổ này, thực tế, đã biến thành những khuôn mặt sáng rực vĩ đại, hết sức thích hợp để dạy dỗ người ta về đức tin. Trên những tấm kính mầu ấy, người ta lần lượt thuật lại cuộc đời các thánh, một dụ ngôn hay một biến cố Thánh Kinh nào đó. Từ những chiếc cửa sổ kính mầu này, cả một nguồn ánh sáng chiếu xuống tín hữu để kể cho họ cả một lịch sử ơn cứu rỗi và mời gọi họ bước vào lịch sử ấy.
Một điểm son nữa của các nhà thờ Gôtích là: trong việc xây dựng và trang trí chúng, cộng đồng Kitô Giáo và cộng đồng dân chính cùng tham dự một cách khác nhau nhưng phối hợp với nhau; người nghèo cũng như người quyền thế, người dốt nát cũng như người học rộng, tất cả cùng góp phần, vì trong ngôi nhà chung này, mọi tín hữu cùng được dạy dỗ về đức tin. Điêu khắc Gôtích còn làm nhà thờ kiểu này thành “cuốn Thánh Kinh bằng đá”, diễn tả các tình tiết khác nhau của Phúc Âm và minh họa các nội dung của Năm Phụng Vụ từ Lễ Giáng Sinh tới lễ Chúa Lên Trời. Cũng trong lối kiến trúc này, người ta còn nhấn mạnh tới nhân tính của Chúa Giêsu và cuộc thương khó của Người, bằng cách mô tả chúng một cách hết sức hiện thực: Đấng Kitô chịu đau khổ (Christus patiens) trở thành hình ảnh được mọi người yêu thích và có khả năng linh hứng lòng đạo đức và lòng thống hối. Cũng không thiếu các nhân vật thuộc Cựu Ước mà tích truyện đã trở thành quen thuộc với tín hữu đến độ họ năng lui tới các nhà thờ này để có dịp được chiêm ngưỡng những con người được họ coi thuộc cùng một lịch sử cứu độ chung. Với các khuôn mặt đầy thẩm mỹ, dịu hiền, thông minh, nền điêu khắc Gôtích của thế kỷ 13 đã cho thấy một lòng đạo đức rất vui tươi hạnh phúc và thanh bình, bắt nguồn từ một lòng sùng kính con thảo đối với Mẹ Thiên Chúa, Đấng đôi lúc được mô tả như một người đàn bà trẻ, tươi cười và đầy tình mẫu tử và chủ yếu được trình bày như Nữ Vương trời và đất, đầy quyền năng và lòng nhân hậu.
Các tín hữu đua nhau tới các nhà thờ chính tòa kiểu Gôtích muốn tìm thấy nơi chúng các biểu thức nghệ thuật có thể nhắc họ nhớ tới các thánh, nghĩa là những gương mẫu cho cuộc sống Kitô Giáo và là những người cầu bầu cho họ trước mặt Thiên Chúa. Ngoài ra cũng có những biểu lộ có tính “thế tục” nữa; bởi thế, mà đó đây, đã có những bức diễn tả việc làm ở ngoài đồng, trong khoa học và cả trong nghệ thuật nữa. Tại nơi cử hành phụng vụ này, quả mọi sự đều được quy hướng về và được dâng lên cho Thiên Chúạ Để hiểu rõ hơn ý nghĩa từng được gán cho các nhà thờ Gôtích, chỉ cần xem xét bản văn khắc trên cửa chính nhà thờ Thánh Denis tại Paris: “Hỡi khách qua đường, người đang muốn ca ngợi vẻ đẹp của chiếc cửa này, bạn đừng nên chóa mắt vì vàng bạc hay nét lộng lẫy của nó, mà là bởi công việc vất vả tạo ra nó. Ở đây sáng lên một công trình danh tiếng, nhưng ước chi các tầng trời cho phép công trình danh tiếng vốn sáng láng này làm cho các tâm trí sáng lên, để nhờ các chân lý sáng láng, họ sẽ tiến bước về phía ánh sáng chân thật, nơi Chúa Kitô mới là cửa thật”.
Hai bài họcTừ những ngôi nhà thờ trên, Đức Thánh Cha rút ra hai bài học. Trước nhất, ngài nói đến gốc gác Kitô Giáo của Âu Châu. Ngài bảo: “Người ta không thể hiểu được các công trình nghệ thuật phát sinh từ Âu Châu trong các thế kỷ trước đây, nếu họ không xem xét tới linh hồn tôn giáo từng linh hứng cho chúng”. Đối với ngài, cuộc gặp gỡ của đức tin với nghệ thuật đem đến một hoà điệu sâu sắc. “Vì cả hai đều có thế và đều muốn ca tụng Thiên Chúa, qua việc làm cho Đấng Vô Hình thành hữu hình”.
Thứ hai, Đức Thánh Cha cho rằng hai kiểu nhà thờ trên chính là “con đường thẩm mỹ, một con đường ưu hạng và thích thú để ta vươn tới Mầu Nhiệm Thiên Chúa”.
Ngài nói: “Cái đẹp là gì khiến các văn sĩ, các thi sĩ, các nhạc sĩ và các họa sĩ phải chiêm ngưỡng và diễn dịch qua ngôn ngữ của họ, nếu không phải là sự phản chiếu ánh quang chói lọi của Lời Vĩnh Cửu đã thành nhục thể”.
Rồi Đức Thánh Cha trích dẫn Thánh Augustinô để quả quyết rằng vẻ đẹp tạo vật hướng tinh thần ta tới chính Đấng Đẹp Đẽ: “Hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, hãy hỏi vẻ đẹp của biển khơi, hãy hỏi vẻ đẹp của không khí dư đầy và tản mác. Hãy hỏi vẻ đẹp của bầu trời, hãy hỏi trật tự các vì sao, hãy hỏi mặt trời đang rạng rỡ chiếu sáng ban ngày; hãy hỏi mặt trăng đang êm dịu soi sáng màn đêm. Hãy hỏi các thú vật đang bơi lội trong nước, đang di chuyển trên đất, đang bay trên trời: linh hồn thì dấu ẩn, thể xác thì trưng bày; thể hữu hình tự để mình được hướng dẫn, thể vô hình giữ vai trò hướng dẫn.
“Hãy hỏi chúng mà xem! Chúng sẽ đồng loạt trả lời bạn rằng: Hãy nhìn vào chúng tôi đây, chúng tôi đẹp xiết bao! Vẻ đẹp của chúng làm chúng được người ta biết tới. Cái vẻ đẹp hay thay đổi ấy, ai tạo nên nó nếu không phải Đấng Hoàn Mỹ Không Bao Giờ Thay Đổỉ” (Sermo CCXLI, 2: PL 38, 1134)
Đức Thánh Cha kết thúc phần trình bày bằng cách cầu xin “Chúa giúp chúng ta tái khám phá con đường của cái đẹp như là một trong những con đường, có lẽ quyến rũ nhất và thích thú nhất, giúp ta có khả năng tìm thấy và yêu mến Thiên Chúa.
Thế giới cần cái đẹpLần thứ hai Đức Thánh Cha đề cập đến chủ đề thẩm mỹ là ngày 21 tháng 11, nhân cuộc gặp gỡ với 250 nghệ sĩ tại Nhà Nguyện Sistine. Nhóm nghệ sĩ này thuộc nhiều quốc gia, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Họ là ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc gia, kịch sĩ và nhà sản xuất phim ảnh, những người được Đức Thánh Cha cho là “không giản lược các chân trời hiện sinh vào các thực tại chỉ có tính vật chất, vào cái nhìn rút gọn và tầm thường hóa”. Ngài quả quyết rằng thế giới đang rất cần cái đẹp chân thực và các nghệ sĩ có trách nhiệm đem cái đẹp ấy đến cho mọi người. Cuộc gặp gỡ này được Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa bảo trợ để kỷ niệm 10 năm việc Đức GH Gioan Phaolô II gửi thư cho các nghệ sĩ, và 45 năm việc Đức GH Phaolô VI gặp gỡ các nghệ sĩ cũng tại Nhà Nguyện Sistine này.
Đức Bênêđíctô XVI quả quyết rằng xưa nay vốn có một “tình thân hữu giữa Giáo Hội với thế giới nghệ thuật, một tình thân hữu ngày càng được củng cố với thời gian. Từ những ngày đầu tiên, Kitô Giáo vốn đã nhìn nhận giá trị của nghệ thuật và đã khôn ngoan sử dụng ngôn ngữ đa dạng của nó để nói lên sứ điệp cứu rỗi bất biến của mình”.
Theo Đức Thánh Cha, lý do của cuộc gặp gỡ này là để giúp cho tình thân hữu kia “được liên tục cổ vũ và hỗ trợ để nó trở nên chân thực và nhiều hiệu quả, biết thích ứng với các giai đoạn khác nhau của lịch sử và biết chú tâm tới các biến đổi xã hội và văn hóa”
Ngài cho rằng: "trong tư cách nghệ sĩ, các bạn biết rõ rằng cảm nghiệm về cái đẹp, cái đẹp chân thực, không hề có tính nhất thời hay giả tạo, không hề là yếu tố phụ thuộc hay đệ nhị đẳng trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc của ta”. Theo ngài, cảm nghiệm cái đẹp không làm ta xa cách thực tại; trái lại, nó dẫn ta tới cuộc gặp gỡ trực tiếp với thực tại hàng ngày của cuộc sống, giải thoát thực tại ấy khỏi bóng tối, hiển dung nó, làm nó rạng rỡ và xinh đẹp.
Giá trị làm ta sửng sốtĐức Thánh Cha cho rằng chức năng chủ yếu của cái đẹp chân thực là mang lại cho con người một sự sửng sốt lành mạnh, lôi kéo con người ra khỏi chính họ, giật mạnh họ ra khỏi nhẫn nhục, không còn hài lòng với sự nhàm chán. Tuy nhiên, nó có thể làm cho con người đau khổ, nó “có thể đâm thâu qua con người như một mũi tên, nhưng nhờ làm thế, nó đã làm con người thức tỉnh, mở mắt trái tim và trí khôn như mới cho con người, mang cánh lại cho con người bay bổng lên cao”.
Ngài quả quyết: “cái đẹp có thể trừng phạt ta trong chốc lát, nhưng nhờ làm thế, nó nhắc ta nhớ tới số phận sau cùng của mình, nó đặt ta trở lại con đường của ta, giúp ta đầy hy vọng mới, cho ta can đảm để sống trọn hồng ân sự sống hết sức độc đáo”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm: “Việc tìm kiếm cái đẹp mà tôi diễn tả ở đây rõ ràng không muốn nói tới việc chạy trốn vào cõi phi lý hay vào chủ nghĩa duy thẩm mỹ. Ấy thế nhưng, cái đẹp đang được áp đặt lên chúng ta rất thường khi lại chỉ có tính ảo giác và lừa đảo, phiến diện và làm mù quáng, khiến con người ra chóa mắt; thay vì đem họ ra khỏi chính họ và mở cho họ các chân trời tự do thực sự nhờ đưa họ lên cao, cái đẹp ấy đã giam hãm họ ngay bên trong họ và nô lệ hóa họ, cướp mất mọi hy vọng và niềm vui của họ. Cái đẹp rù quyến nhưng giả hình là cái đẹp chỉ biết khơi lên dục vọng, khơi lên tham vọng thống trị, tham vọng chiếm hữu và đè bẹp người khác; cái đẹp đó chẳng chóng thì chày sẽ biến thành điều đối nghịch với nó, mang theo sự giả trang của khiếm nhã, của xúc phạm và tự do khiêu khích”.
Ngược lại, theo Đức Thánh Cha, cái đẹp chân thực “giải phóng các khát vọng trong trái tim con người, giải phóng thèm khát sâu sắc được biết, được yêu, được đi tới Đấng Khác, vươn tới Đấng Ở Bên Kia. Nếu ta biết nhìn nhận rằng cái đẹp tác động đến ta một cách thân thiết, làm ta bị thương, mở mắt cho ta, thì ta sẽ tìm lại được niềm vui nhìn thấy, có khả năng nắm được ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời, nắm được Mầu Nhiệm mà chúng ta vốn là thành phần; từ Mầu Nhiệm này, ta sẽ rút được sự viên mãn, niềm hạnh phúc, niềm say mê dấn thân vào nó mỗi ngày”.
Siêu việtĐức Bênêđíctô XVI còn đi xa hơn bằng cách cho rằng: “cái đẹp, bất kể là cái đẹp trong thế giới tự nhiên hay cái đẹp do nghệ thuật mô tả, nhưng chỉ vì đã mở ra và làm rộng các chân trời cho ý thức nhân bản, thẩy đều làm chúng ta hướng ra quá con người của mình, đem chúng ta đối diện với cõi Vô Hạn mênh mông, trở thành đường dẫn tới cõi siêu việt, tới Mầu Nhiệm tối hậu, tới Thiên Chúa”. Như thế, nghệ thuật dưới mọi hình thức, “có thể mặc lấy một phẩm tính tôn giáo, nhờ đó tiến vào được nẻo đường dẫn tới suy tư và linh đạo nội tâm sâu sắc”.
Để kết luận, Đức Thánh Cha khích lệ các nghệ sĩ, gọi họ là “những người gìn giữ cái đẹp. Nhờ tài năng của mình, các bạn có cơ hội nói với trái tim nhân loại, tác động trên sự nhạy cảm cá nhân cũng như tập thể, tạo nên ước mơ và hy vọng, mở rộng các chân trời hiểu biết và dấn thân đầy nhân bản. Như thế, các bạn hãy biết ơn về các khả năng mình đã nhận được và ý thức trọn vẹn được trách nhiệm vĩ đại của mình trong việc thông truyền cái đẹp, thông truyền trong và qua cái đẹp! Qua nghệ thuật của mình, các bạn quả là những sứ giả và chứng nhân hy vọng cho nhân loại”.
Ngài kêu gọi các nghệ sĩ “đừng sợ tiến vào nguồn trước hết và sau cùng của cái đẹp, tiến vào cuộc đối thoại với những người có đức tin, với những ai, như các bạn, tự coi mình như người hành hương trên dương thế và trong lịch sử đang tiến về Cái Đẹp vô hạn! Đức tin không làm thiên tài hay nghệ thuật của các bạn mất bất cứ điều gì. Trái lại, nó nâng cao chúng, nuôi dưỡng chúng, khích lệ chúng vượt qua ngưỡng cửa để say mê và đầy cảm xúc chiêm ngưỡng mục tiêu tối hậu và dứt khoát, mặt trời không bao giờ lặn, mặt trời luôn chiếu sáng giây phút hiện tại và làm nó ra xinh đẹp”.
Phản ứng của các nghệ sĩNói chung, phản ứng của 250 nghệ sĩ quốc tế đối với cuộc gặp mặt trên rất tích cực. Họ coi cuộc gặp gỡ này như một bước tiến nữa của Giáo Hội Công Giáo nhằm tiếp cận thế giới của họ, như nhận định của nhà đạo diễn phim người Ba Lan, Ông Krzysztof Zanussị Ông này cho rằng: các nghệ sĩ kỳ vọng Giáo Hội sẽ làm nhiều hơn nữa để gặp gỡ thế giới giải trí, thế giới nghệ thuật. Tuy nhiên, ông ca ngợi những lời hay ý đẹp của Đức Thánh Cha nhằm khai mở nhiều đối thoại hơn, nhiều cởi mở hơn, nhiều hiểu biết hơn giữa Giáo Hội và thế giới nghệ thuật. Ông cho rằng thái độ của Đức Thánh Cha trong lãnh vực này khá thực tiễn. Bởi thế giới “nghệ thuật ngày nay đang sa sút” vì đã không còn tự hạn chế mình.
Zanussi nhận định rằng Giáo Hội không hạn chế tự do, nhưng nghệ thuật cần linh hứng. Sở dĩ ngày nay nó nghèo nàn là vì nó không được chiều kích thiêng liêng gợi hứng.
Theo Pupi Avati, nhà đạo diễn phim người Ý, cuộc gặp gỡ này đã mang lại kết quả hết sức phi thường. Ông bảo trước đây, giống như ông, nhiều người chỉ dám mong một cuộc gặp gỡ giữa các nghệ sĩ ít nhiều thuộc cùng một tôn giáo, một tín ngưỡng. Không ngờ, nay lại được gặp các nghệ sĩ quốc tế thuộc đủ mọi xu hướng. Các nghệ sĩ này tới đây không hẳn để hợp tác với nhau, nhưng đúng hơn để đối thoạị Điều ấy vượt ngoài kỳ vọng của họ.
Zaha Hadid, kiến trúc sư nổi tiếng thế giới và là người Iraq cũng có cùng một nhận định. Bà nói bà hy vọng đây là bước đầu để đối thoại, đúng lúc để bàn tới những chủ đề do Đức Giáo Hoàng nêu ra.
Văn sĩ người Ý, Susanna Tamaro, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của chiều kích siêu việt mà Đức Bênêđíctô XVI đã dành cho cái đẹp vì “đối với những người không có đức tin, thật khó mà nói về hy vọng trong lúc này”.
Nhà đạo diễn phim người Do Thái, Ông Samuel Maoz, người từng lãnh giải thưởng tại Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế tại Venice nhờ cuốn phim “Lebanon”, đã phát biểu rằng: “Tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng vốn nói rất nhiều chữ ‘không’ đối với hận thù và chiến tranh, và đã nói chữ ‘có’ vĩ đại đối với tình yêu và nghệ thuật”.
Nên biết thêm: trong cuộc triển lãm nghệ thuật hai năm một lần sắp được tổ chức tại Venice năm 2011, lần đầu tiên Tòa Thánh sẽ có một gian hàng ở đó.