Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmLuật Dòng PSTT Th_thong-tin-1Luật Dòng PSTT Th_gioi-tre-1Luật Dòng PSTT Th_chia-se-1Luật Dòng PSTT Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Luật Dòng PSTT

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Luật Dòng PSTT Empty
Bài gửiTiêu đề: Luật Dòng PSTT   Luật Dòng PSTT EmptyWed Apr 18, 2012 1:48 am

DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ


LUẬT
DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ


 LỜI GIỚI THIỆU CỦA BAN NGHIÊN HUẤN VÀ TU THƯ
 TÔNG THƯ PHÊ CHUẨN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI


Lời giới thiệu của Ban Nghiên huấn và Tu thư

Trong những Bút tích do Thánh Phanxicô để lại, ta thấy có một bức thư tựa đề “Thư gửi các tín hữu”. Bức thư này vạch ra những nét đại cương cho một đời sống thiêng liêng chủ yếu dựa trên Thánh Kinh. Ta có thể kể bức thư này như bản sơ thảo Luật Dòng Phan sinh tại thế đầu tiên, trong đó những nét chính yếu về tinh thần đã được vạch ra, nhưng những sinh hoạt cụ thể và những quy định pháp chế chưa được ấn định rõ ràng.
Dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Hugôlinô, Vị Bảo trợ Dòng Anh Em Hèn Mọn, Phanxicô đã soạn và đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Hônôriô III bản Luật 1221 dành cho Dòng Phan sinh tại thế, lúc bấy giờ gọi là Dòng Đền Tội (Ordo de Poenitentia). Bản Luật này được xem là nền tảng cho các bản Luật về sau.
Trong bản Luật này, Phanxicô không nhấn mạnh khía cạnh luật lệ cho bằng chú trọng tới tinh thần và nếp sống cụ thể. Cũng vì thế, thay vì gọi là Luật (Regula), Phanxicô chỉ gọi là Bảng Ghi Nhớ Dự Phóng Đời Sống (Memoriale Propositi).
Năm 1289, Đức Giáo Hoàng Nicôla IV, thuộc Dòng Phan sinh tại thế, đã lập ra một ủy ban để xem xét, sửa chữa bản Luật nói trên. Sau đó, Người phê chuẩn bộ Luật này. Bộ Luật 1289 vẫn giống bộ Luật 1221, chỉ thêm vài khoản như: phải làm hoà, cấm mang vũ khí, thăm viếng bệnh nhân, cầu nguyện cho kẻ qua đời và nhờ anh em Dòng I hướng dẫn về mặt tinh thần.
Năm 1883, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã soạn thảo một bản Luật khác, vừa căn cứ trên các bản Luật năm 1221 và 1289, vừa thích nghi với hoàn cảnh lúc bấy giờ để thống nhất Dòng Phan sinh tại thế và để hướng Dòng về các sinh hoạt xã hội.
Gần đây, năm 1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã phê chuẩn bản Luật Dòng mới do ba Nhánh Dòng I và Dòng III tại viện, hợp tác soạn thảo suốt 10 năm trời. Bản Luật này có cái đặc biệt là lấy Thư gửi các tín hữu (bản gốc I) để làm phần mở đầu, như một ý chính hướng dẫn bản Luật. Cứ theo bức thư này thì người Phan sinh tại thế là người theo đuổi lý tưởng đức ái hoàn hảo, tức là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến anh em như chính mình. Để đạt được lý tưởng đó, người Phan sinh tại thế phải liên tục hoán cải, bắt đầu bằng việc từ bỏ cái tôi tội lỗi, luyện cho mình một lương tâm trong sáng để kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu như anh với em, như vợ với chồng, như mẹ với con, đồng thời tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh để thực hiện ý Cha trên trời. Làm như thế, người Phan sinh tại thế sẽ được Chúa Giêsu chúc lành, thánh hoá và được cùng Ngài hưởng vinh quang trên trời. Ngược lại, nếu không hoán cải, cứ buông theo dục vọng trần thế, thì người Phan sinh tại thế là ngừơi mù quáng. Tài năng và quyền thế, hiểu biết và khôn ngoan tưởng có, tất cả sẽ bị tước mất...
Để dễ nhớ, chúng tôi xin tóm tắt Luật Dòng Phan sinh tại thế năm 1978 như sau :
CHƯƠNG I: Dòng Phan sinh tại thế
Điều 1 : Phan sinh trong Hội thánh.
Điều 2 : Dòng ba giữa Phan sinh.
Điều 3 : Luật Dòng mới ban hành.
CHƯƠNG II: Cách thức sống
Điều 4 : Chọn Tin Mừng làm chuẩn
Điều 5 : Sống Lễ tế Tạ ơn
Điều 6 : Sống bí tích Thánh tẩy
Điều 7 : Sống canh tân hoán cải
Điều 8 : Sống cầu nguyện thiết tha
Điều 9 : Tôn sùng Mẹ Maria
Điều 10 : Đức vâng lời cao cả
Điều 11 : Đức thanh bần khiêm hạ
Điều 12 : Đức trong sạch khiết tịnh
Điều 13 :Tình huynh đệ chân thành
Điều 14 : Làm xã hội hoàn hảo
Điều 15 : Công lý cần nêu cao
Điều 16 : Sống lao động cần cù
Điều 17 : Gia đình quyết chăm lo
Điều 18 : Quý trọng mọi tạo vật
Điều 19 : Là sứ giả hoà bình
CHƯƠNG III: Đời sống trong huynh đệ đoàn
Điều 20 : Sống thành huynh đệ đoàn
Điều 21 : Anh chị phục vụ, Hội đồng
Điều 22 : Huynh đệ đoàn địa phương sinh hoạt
Điều 23 : Điều kiện gia nhập Dòng
Điều 24 : Tình huynh đệ hiệp thông
Điều 25 : Chi phí cùng chia sẻ
Điều 26 : Dòng I giúp tinh thần
Ngoài Luật Dòng, Dòng Phan sinh tại thế còn có Hiến chương, Sách Nghi thức, Nội quy, là những văn bản pháp qui giúp áp dụng sâu sát Luật Dòng vào hoàn cảnh thực tế của các địa phương và của thời đại.
Phúc cho những ai biết học hỏi Luật Dòng và đem ra thực hành.

Ban Nghiên Huấn và Tu Thư



Tông thư phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI “ Seraphicus Patriarcha”
( 24-6-1978 )
PHAOLÔ VI, GIÁO HOÀNG
Để muôn đời tưởng nhớ.
Thánh Phanxicô Átxidi, Tổ Phụ Chí Ái, khi còn sống cũng như sau cái chết vinh hiển, đã khơi dậy nơi nhiều tín hữu ước muốn phục vụ Thiên Chúa trong gia đình tu sĩ do Người đã thành lập. Người cũng đã thu hút một số đông giáo dân dấn thân theo Người, trong mức độ mà đời sống tại thế của họ cho phép. Thật vậy, theo lời Đức Giáo Hoàng Piô XI, Vị tiền nhiệm của chúng tôi, đã nói: “Có lẽ chưa hề có vị thánh nào giống hình ảnh Chúa Kitô và có nếp sống phúc âm sáng ngời hơn là Thánh Phanxicô. Cũng thế, Phanxicô đã xưng mình là “vị Tiền hô của Đức Vua cao cả, Người đã được gọi là một Đức Kitô khác”. Bởi vì, nơi bản thân, Người đã tỏ ra cho người đương thời và cho các thế hệ mai sau một hình ảnh sống động của Chúa Kitô. Do đó, ngày nay Người vẫn còn sống trước mắt chúng ta và sẽ còn sống mãi với các thế hệ mai sau (Thông điệp Rite expiatis ngày 30/4/1926).
Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng đoàn sủng Phan sinh vẫn còn rất sinh động cho lợi ích của Hội thánh và cộng đồng nhân loại, ngay cả ngày hôm nay nữa, nhiều học thuyết dễ dãi xâm nhập khắp nơi và các khuynh hướng làm cho con người xa rời Thiên Chúa cùng các thực tại siêu nhiên đang phát triển mạnh mẽ.
Bốn nhánh Dòng Phan sinh đã làm việc ròng rã chung với nhau trong suốt 10 năm để soạn thảo một bản luật mới cho Dòng Ba Tại Thế. Một công trình như thế đã trở nên cần thiết, một đàng do các biến chuyển hiện nay, đàng khác do Công đồng chung Vat II đã đưa ra những chỉ dẫn và khích lệ trong chiều hướng đó. Làm xong công trình này, các Tổng Phục vụ của bốn nhánh Dòng Phan sinh đã xin chúng tôi phê chuẩn Luật Dòng này. Noi gương các Vị tiền nhiệm của chúng tôi, mà vị sau cùng trong thời gian là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, với thiện ý, chúng tôi quyết định chấp thuận lời thỉnh cầu này.
Do đó chúng tôi đã tham khảo Thánh bộ Tu sĩ và Tu hội đời; Thánh bộ này đã xem xét cẩn thận bản Luật; chính chúng tôi cũng đã cân nhắc cách kỹ lưỡng mọi sự. Chúng tôi tin chắc rằng lối sống mà con người đáng kính phục thành Átxidi đã rao giảng sẽ đón nhận một năng lực mới và sẽ triển nở nhờ một sức sống mới; cũng vậy, sau khi đã thảo luận chín chắn và tìm hiểu tường tận, qua văn thư này, với quyền Tòa thánh, chúng tôi phê chuẩn và xác nhận Luật sống của Dòng Phan sinh tại thế và chúng tôi trao ban ấn dấu phê chuẩn Tông tòa, miễn là bản văn này đúng với bản gốc được lưu trữ tại văn khố của Thánh bộ Tu sĩ và Tu hội đời, mà các chữ đầu tiên là: “Trong số các gia đình thiêng liêng”, và các chữ cuối cùng là: “chiếu theo Hiến Chương”.
Cũng qua văn thư này, do quyền tông đồ của chúng tôi, chúng tôi hủy bỏ Bản Luật trước đây gọi là Dòng Ba Phan Sinh Tại Thế. Và chúng tôi muốn rằng văn kiện hiện tại này có giá trị bền vững và có hoàn toàn hiệu lực bây giờ và sau này, mà không ai có thể làm bất cứ điều gì nghịch lại .
Ban hành tại Rôma, cạnh Đền thờ Thánh Phêrô, với dấu ấn “người đánh cá”, ngày 24 tháng 6 năm 1978, năm thứ 16 triều đại chúng tôi.

Hồng –Y Gioan Villot
Quốc Vụ Khanh


LUẬT DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ

PHẦN MỞ ĐẦU
Lời khuyên bảo của Cha Thánh Phanxicô

Nhân danh Chúa !
I. Những người sống đời hoán cải.
1. Tất cả những ai yêu mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” (Mc 12,30) và yêu mến tha nhân như chính mình (Mt 22,39),
2. lại chê ghét cái tôi ích kỷ, đầy nết xấu và tội lỗi;
3. tiếp rước Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô,
4. và sinh hoa kết quả xứng với lòng hối cải;
5. các anh chị em đó thật hạnh phúc và đáng được chúc tụng biết bao khi họ thực hành và kiên trì như thế,
6. Vì Thánh Khí Chúa sẽ ngự xuống trên họ và biến họ thành ngôi nhà và chốn cư ngụ của Người (Is. 11,2; Ga. 14,23 );
7. Họ là con cái của Cha trên trời (Mt. 5,45), thực hiện công việc của Người, là bạn trăm năm, là anh chị em và là mẹ của Chúa Giêsu Kitô (Mt 12, 50).
8. Chúng ta là bạn trăm năm của Người khi linh hồn đầy đức tin của chúng ta được Chúa Thánh Thần liên kết với Chúa Giêsu Kitô.
9. Chúng ta là anh chị em của Người, khi chúng ta thực hiện ý Cha trên trời (Mt 12,50).
10. Chúng ta là mẹ của Người, khi chúng ta cưu mang Người trong tâm hồn và thể xác (1 Cor 6,20) bằng cách yêu mến Người và gìn giữ lương tâm trong trắng và chân thành; chúng ta sinh Người ra bằng hành vi thánh thiện nhằm nêu gương sáng cho kẻ khác (Mt 5,16).
11. Ôi! thật là điều vinh dự, khi có một Người Cha thánh thiện và vĩ đại trên trời.
12. Ôi thật là điều thánh thiện, khi có Đấng bảo trợ, đẹp đẽ và đáng thán phục làm bạn trăm năm.
13. Ôi thật là điều thánh thiện và đáng quí mến, khi có một người Anh và một người Con hiền lành, khiêm hạ, an hòa, ngọt ngào, đáng mến và đáng ước ao trên hết mọi sự, đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã thí mạng sống mình cho đàn chiên Ga. 10,15) và đã cầu nguyện cùng Chúa Cha:
14. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha (Ga 17,11) các môn đệ mà Cha đã ban cho con ở dưới thế này; họ thuộc về Cha và Cha đã ban cho con (Ga. 17,6).
15. Họ đã tiếp nhận những lời ấy và tin thật rằng, Con đã từ Cha mà đến; họ đã nhận biết rằng: Cha đã sai phái Con (Ga.17,Cool.
16. Con cầu xin cho họ, chứ không cho thế gian (Ga.17,9).
17. Xin Cha chúc lành và thánh hóa họ (Ga. 17,17) và vì họ, Con xin thánh hiến chính mình Con (Ga 17,19).
18. Con không chỉ cầu xin cho họ, nhưng còn cho những ai nhờ lời của họ mà tin vào Con (Ga.17,20), để họ được thánh hoá và nên một (Ga 17,23) như chúng ta (Ga 17,11).
19. Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu, thì họ cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con trong Nước Cha (Mt 20,21; Ga 17,24). Amen.

II. Những người không sống đời hoán cải.
1. Còn tất cả những người, nam cũng như nữ, không sám hối,
2. và không tiếp nhận Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô,
3. nhưng lại sống trong thói hư và tội lỗi, chiều theo các đam mê và ước muốn xấu xa của xác thịt,
4. không tuân giữ những điều đã hứa với Chúa,
5. đem thân làm nô lệ thế gian vì đã chiều theo các ước muốn xác thịt, bận tâm về thế gian và lo lắng cho cuộc sống này:
6. họ bị ma quỉ trói buộc, họ trở thành con cái ma quỉ và thi hành công việc của nó (Ga 8,41).
7. Họ là những kẻ đui mù, vì không nhìn thấy ánh sáng thật là Chúa Giêsu Kitô.
8. Họ không có ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, vì trong lòng họ không có Con Thiên Chúa, Đấng thể hiện sự khôn ngoan chân thật của Chúa Cha.
9. Kinh Thánh nói về họ rằng: “tài ba khôn khéo của họ đã tan biến mất” (Tv 106,27) và: “khốn cho kẻ lìa xa các giới răn Ngài” (Tv 118,21).
10. Họ thấy và nhận ra, biết và làm điều dữ; và như thế, họ để mất linh hồn cách ý thức.
11. Này anh chị em, anh chị em đã trở nên mù quáng, bị những kẻ thù là xác thịt, thế gian và ma quỉ lừa gạt. Đối với con người xác thịt, phạm tội là điều êm dịu, còn phụng sự Thiên Chúa thì thật khó nhọc.
12. Mọi thói hư và tội lỗi đều bắt nguồn và xuất phát từ lòng con người, như Chúa đã nói trong sách Tin Mừng (Mc 7,21).
13. Anh chị em chẳng có của gì ở đời này và đời sau cả.
14. Anh chị em tưởng cứ giữ mãi được các của phù vân đời này, nhưng anh chị em nhầm rồi, vì ngày giờ anh chị em không nghĩ tới và không hay biết sẽ đến: thể xác yếu liệt, giờ chết gần kề và thế là người ta kết liễu cuộc đời một cách thê thảm.
15. Và bất cứ ai, dù ở đâu, dù lúc nào và theo cách nào đi nữa, khi chết mà còn mắc tội trọng, không hối cải và không đền bù, nghĩa là khi còn có thể đền tội được mà không chịu làm, thì ma quỉ giựt linh hồn người ấy ra khỏi thể xác một cách thô bạo và tàn nhẫn. Không ai biết được cực hình ấy thế nào, ngoại trừ kẻ phải nếm chịu.
16. Mọi tài năng, quyền hành, hiểu biết và khôn ngoan mà họ tưởng mình sở hữu, sẽ bị tước đoạt (2 Sb 1,12; Lc 8,18; Mc 4,25).
17. Họ để tài sản lại cho thân bằng quyến thuộc, những kẻ này đã lấy chia nhau rồi lại còn nói: Đồ khốn! Lẽ ra nó đã có thể thu tích cho ta nhiều hơn thế nữa.”.
18. Rồi thể xác bị giòi bọ rúc rỉa. Như thế là họ mất cả xác lẫn hồn trong cuộc sống ngắn ngủi này và phải sa hỏa ngục chịu cực hình vô tận.
19. Nhân danh Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,16), chúng tôi nài xin tất cả những ai nhận được thư này, vì lòng mến Chúa, hãy vui lòng đón nhận những lời thơm tho nói trên của Chúa Giêsu Kitô.
20. Ai không biết đọc, hãy năng nhờ kẻ khác đọc cho nghe;
21. hãy ghi tạc vào lòng và thể hiện ra bằng hành vi thánh thiện cho đến cùng, vì các lời ấy là “thánh khí và sự sống” (Ga. 6,64 ).
22. Ai không làm như thế, thì đến ngày phán xét, phải trả lẽ trước tòa Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.


LUẬT DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ
(theo bản dịch la ngữ)

CHƯƠNG I
DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) [1]

Điều 1:
Trong số các gia đình thiêng liêng đã được Chúa Thánh Linh khơi lên trong Hội Thánh [2], gia đình Phan sinh qui tụ tất cả mọi thành phần dân Thiên Chúa: giáo dân, tu sĩ và linh mục, cảm thấy mình được kêu gọi nối gót Đức Kitô, theo chân Thánh Phanxicô Átxidi [3].
Bằng những cung cách và hình thức khác nhau, nhưng luôn hiệp thông hỗ tương cốt thiết, họ muốn hiện tại hóa đặc sủng của người Cha chung chí ái, trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh [4].
Điều 2:
Trong gia đình phan sinh nói trên, Dòng Phan sinh tại thế có một vị trí riêng biệt. Dòng này biểu hiện như một liên hợp mật thiết gồm tất cả các huynh đệ đoàn công giáo và mở rộng tới các nhóm của mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu, trong đó anh chị em, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh để đạt tới đức ái trọn hảo trong bậc sống tại thế qua lời tuyên khấn tự buộc mình sống Phúc âm theo cách thức Thánh Phanxicô và nhờ sự hỗ trợ của Luật Dòng này đã được Hội Thánh phê chuẩn [5].
Điều 3:
Sau bản ghi nhớ “Dự phóng đời sống” (Memoriale Propositi , năm 1221) và sau các bản Luật đã được các Đức Giáo Hoàng Nicôla IV và Lê-ô XIII phê chuẩn, bản Luật hiện tại thích nghi Dòng phan sinh tại thế với các đòi hỏi và mong mỏi của Hội Thánh trong những hoàn cảnh thay đổi của thời đại. Giải thích Luật này thuộc quyền Tòa Thánh, còn việc áp dụng được Tổng Hiến Chương và Nội qui riêng qui định.

CHƯƠNG II
CÁCH THỨC SỐNG
Điều 4:
Luật và đời sống của anh chị em Phan sinh tại thế là: tuân giữ Phúc âm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo gương Thánh Phanxicô Átxidi, Đấng đã chọn Đức Kitô làm nguồn cảm hứng và trung tâm đời sống của mình trong tương quan với Thiên Chúa và loài người [6].
Đức Kitô, quà tặng tình thương của Chúa Cha, là con đường dẫn tới Chúa Cha, là sự thật mà Chúa Thánh Linh dẫn đưa chúng ta vào, là sự sống mà chính Người đã đến để ban dồi dào cho chúng ta [7].
Trên hết mọi sự, anh chị em Phan sinh tại thế hãy thấm nhuần việc đọc Phúc âm thường xuyên bằng cách đi từ Phúc âm đến cuộc sống và từ cuộc sống đến Phúc âm [8].
Điều 5:
Anh chị em Phan sinh tại thế tìm cách khám phá con người Đức Kitô đang sống và hành động trong tha nhân, trong Kinh Thánh, trong Hội Thánh và trong các lễ nghi phụng tự. Niềm tin đã khiến Thánh Phanxicô viết ra câu: “Trên trần gian này, tôi không thấy gì cụ thể về Người Con rất cao cả của Thiên Chúa ngoài Mình và Máu rất thánh của Người”, niềm tin ấy gợi hứng và hướng dẫn anh chị em sống Bí tích Thánh Thể.
Điều 6:
Được mai táng và sống lại với Đức Kitô trong Bí tích Thánh tẩy là Bí tích làm cho anh chị em trở nên thành phần sống động của Hội Thánh, và được kết hợp mật thiết hơn nữa với Đức Kitô nhờ lời Tuyên khấn, anh chị em cố gắng trở nên chứng nhân và khí cụ thực hiện sứ mạng của Hội Thánh giữa loài người bằng cách dùng đời sống và lời nói loan báo Đức Kitô.
Được Thánh Phanxicô gợi hứng và cùng với Người, được mời gọi canh tân Hội Thánh, anh chị em hãy quyết tâm sống hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục và các Linh mục, sẵn sàng đối thoại cởi mở dựa trên đức tin hầu mang lại lợi ích phong phú cho hoạt động tông đồ [9].
Điều 7:
Với tư cách là “những anh chị em sống đời đền tội” [10] do ơn gọi riêng và cũng do sức mạnh Phúc âm thúc đẩy, anh chị em hãy suy nghĩ và hành động giống như Chúa Kitô suy nghĩ và hành động, nhờ một sự thay đổi nội tâm triệt để và hoàn hảo mà Phúc âm gọi là “hoán cải”, nhưng vì tính mỏng dòn của loài người, sự hoán cải này cần được hoàn thiện mỗi ngày [11]
Trên con đường đổi mới này, Bí Tích Hòa giải là dấu chỉ đặc biệt của lòng thương xót của Chúa Cha và là nguồn mạch ân sủng.[12]
Điều 8:
Như Đức Giêsu là Đấng thờ phượng Chúa Cha cách đích thực, anh chị em hãy làm cho việc cầu nguyện và chiêm niệm trở nên linh hồn cho đời sống và hành động của mình. [13]
Anh chị em hãy tham gia vào đời sống bí tích của Hội thánh, nhất là Bí Tích Thánh Thể, và hãy tham gia Kinh nguyện Phụng vu theo một trong những cách thức được Hội Thánh đề ra. Làm như thế anh chị em làm sống lại các mầu nhiệm của đời sống Đức Kitô.
Điều 9:
Đức Trinh Nữ Maria, nữ tỳ khiêm hạ của Chúa, mau mắn trước Lời Chúa và mọi sự thúc đẩy của Chúa, đã được Thánh Phanxicô sùng kính với một lòng yêu mến khôn tả và đã được tuyên xưng là Đấng Bảo trợ và Trạng sư cho gia đình Người [14]. Anh chị em Phan sinh tại thế hãy tỏ lòng yêu mến nồng nàn đối với Đức Trinh Nữ Maria qua việc noi gương bắt chước thái độ sẵn sàng triệt để của Người và qua việc cầu nguyện đầy ý thức và đầy tin tưởng. [15]
Điều 10:
Thông phần vào sự vâng phục mang lại ơn cứu độ của Đức Giêsu, Đấng đã phó thác ý mình trong tay Chúa Cha, anh chị em hãy trung tín chu toàn các bổn phận riêng của đấng bậc mình trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống [16], và hãy bước theo Đức Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh, vẫn tin tưởng vào Người ngay giữa các khó khăn và bách hại. [17]
Điều 11:
Tin tưởng vào Chúa Cha, Đức Kitô đã chọn cho Người và Mẹ Người một đời sống nghèo khó và khiêm hạ [18], cho dầu Người vẫn tôn trọng và quí mến mọi tạo vật; cũng vậy anh chị em Phan sinh tại thế lúc lựa chọn cũng như lúc sử dụng của cải trần thế, hãy giữ cho tâm hồn mình được công chính khi phải đáp ứng các nhu cầu vật chất của mình; theo Phúc âm, anh chị em ý thức mình là những người quản lý của cải đã nhận được vì lợi ích của các con cái Thiên Chúa.
Như thế, trong tinh thần “Các Mối Phúc” anh chị em cố gắng thanh luyện lòng mình khỏi mọi khuynh hướng, mọi khát vọng chiếm hữu và thống trị, sống như “người lữ hành và khách lạ” trên đường về Nhà Cha. [19]
Điều 12:
Là chứng nhân cho các của cải đời sau và, do ơn gọi mà anh chị em đã đón nhận, anh chị em buộc phải đạt được sự trong sạch của tâm hồn, như thế anh chị em được tự do để kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. [20]
Điều 13:
Như Chúa Cha nhìn thấy nơi bất cứ ai những nét của Con của Người, là Trưởng Tử của một đàn em đông đúc [21], cũng vậy, anh chị em Phan sinh tại thế với tinh thần khiêm tốn và nhân ái hãy đón nhận mọi người như ân huệ của Chúa [22] và như hình ảnh của Đức Kitô.
Sự cảm thức về tình huynh đệ làm cho anh chị em vui vẻ và sẵn sàng bình đẳng với tất cả mọi người, nhất là với những người hèn mọn hơn cả, là những người mà anh chị em tìm cách tạo những điều kiện sống xứng hợp với những tạo vật được Đức Kitô cứu độ [23]
Điều 14:
Cùng với tất cả những người thiện chí, anh chị em được mời gọi xây dựng thế giới huynh đệ hơn và phúc âm hơn hầu làm cho Nước Thiên Chúa trị đến, và ý thức rằng: “Hễ ai đi theo Đức Kitô, con người hoàn hảo, bản thân người ấy cũng trở nên người hơn”, nên anh chị em sẽ thi hành các trách nhiệm của mình với hết khả năng trong tinh thần phục vụ kitô giáo. [24]
Điều 15:
Bằng chứng tá của một đời sống nhân bản và hơn nữa bằng những sáng kiến dũng cảm cá nhân hoặc tập thể, anh chị em luôn có mặt và cố gắng cổ võ cho công lý, nhất là trong phạm vi đời sống công cộng, đồng thời dấn thân bằng những chọn lựa cụ thể phù hợp với đức tin của mình. [25]
Điều 16:
Anh chị em coi trọng lao động như một ân huệ và như một sự tham gia vào công trình tạo dựng, cứu độ và phục vụ cộng đồng nhân loại. [26]
Điều 17:
Trong gia đình, anh chị em hãy sống tinh thần phan sinh là tinh thần hòa thuận, trung tín và tôn trọng sự sống, tìm cách làm cho tinh thần ấy trở thành dấu chứng của một thế giới đã được đổi mới trong Đức Kitô. [27]
Đặc biệt các đôi vợ chồng, khi sống các ân sủng Bí tích hôn nhân, hãy làm chứng trong thế giới về tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh Người. Với một nền giáo dục kitô giáo đơn sơ và cởi mở, quan tâm đến ơn gọi của từng người, anh chị em hãy vui vẻ tiến bước cùng với con cái trong cuộc hành trình nhân bản và thiêng liêng. [28]
Điều 18:
Hơn nữa, anh chị em hãy quý trọng các tạo vật khác, tri giác và vô tri giác, vì “chúng mang dấu tích của Đấng Tối Cao” [29], và anh chị em hãy cố gắng vượt qua cơn cám dỗ lạm dụng chúng để đạt tới một quan niệm phan sinh về tình huynh đệ phổ quát.
Điều 19:
Như những sứ giả bình an và nhớ rằng sự bình an đó phải được xây dựng không ngừng, anh chị em, qua đối thoại, hãy tìm kiếm những đường lối đưa đến hiệp nhất và hòa hợp huynh đệ bằng cách tin tưởng vào sự hiện diện của mầm mống thần linh sẵn có nơi con người và vào sức mạnh biến đổi của tình yêu cũng như lòng tha thứ. [30]
Là sứ giả của niềm vui hoàn hảo, anh chị em hãy ra sức mang niềm vui và niềm hy vọng đến cho người khác trong mọi hoàn cảnh. [31]
Được tháp nhập vào sự Sống lại của Đức Kitô, một sự sống lại mang ý nghĩa đích thực cho Chị Chết, anh chị em hãy thanh thản chờ đợi cuộc gặp gỡ quyết định với Chúa Cha. [32]
CHƯƠNG III
ĐỜI SỐNG TRONG HUYNH ĐỆ ĐOÀN

Điều 20:
Dòng Phan sinh tại thế lan rộng ra thành những huynh đệ đoàn thuộc các cấp khác nhau: địa phương, miền, quốc gia và quốc tế, và mỗi huynh đệ đoàn đều có tư cách pháp nhân riêng trong Hội Thánh [33]. Các huynh đệ đoàn ở các cấp khác nhau ấy được phối hợp và liên kết với nhau theo quy tắc của bản Luật này và của Hiến Chương.
Điều 21:
Ở các cấp khác nhau, mỗi huynh đệ đoàn đều được linh hoạt và hướng dẫn bởi mội Hội đồng và một anh/chị phục vụ (hay A/c Trưởng), được những người đã Tuyên Khấn bầu chọn theo Hiến chương [34].
Việc phục vụ có thời hạn này là nhiệm vụ của một con người mau mắn, sẵn sàng và có tinh thần trách nhiệm đối với từng người và với tập thể.
Trong nội bộ, các huynh đệ đoàn được tổ chức khác nhau theo qui định của Hiến Chương, tuỳ nhu cầu khác biệt của các thành viên và của các miền. Mỗi huynh đệ đoàn được đặt dưới sự điều khiển của một Hội đồng.
Điều 22:
Huynh đệ đoàn địa phương phải được thiết lập theo giáo luật và như thế phải là tế bào cơ bản của toàn Dòng và là dấu chỉ hữu hình của Hội Thánh, là một cộng đoàn yêu thương. Đó phải là nơi thích hợp nhất để phát huy cảm thức về Hội Thánh, về ơn gọi phan sinh và để linh hoạt đời sống tông đồ của các thành viên. [35]
Điều 23:
Việc xin gia nhập Dòng Phan sinh tại thế phải được trình bày với huynh đệ đoàn địa phương và Hội đồng này sẽ quyết định về việc chấp nhận các anh chị em mới [36].
Việc gia nhập huynh đệ đoàn được hướng dẫn qua một thời gian tìm hiểu, một thời gian huấn luyện ít là một năm, và việc Tuyên khấn theo Luật Dòng [37]. Về tiến trình gia nhập ấy, toàn thể huynh đệ đoàn cùng liên đới trách nhiệm, kể cả phong cách sống của mình. Về hạn tuổi để được Tuyên khấn và về nét đặc thù phan sinh [38] thì căn cứ theo Nội qui.
Lời tuyên khấn tự bản chất là một ràng buộc vĩnh viễn [39]
Những thành viên gặp hoàn cảnh khó khăn riêng có thể bàn giải các vấn đề của mình với Hội đồng qua đối thoại huynh đệ. Hội đồng Huynh đệ đoàn này có thẩm quyền cho rút lui hoặc sa thải vĩnh viễn khỏi Dòng nếu cần, dựa theo quy tắc Hiến Chương [40].
Điều 24:
Để cổ võ sự hiệp thông giữa các thành viên, Hội đồng phải lo tổ chức những cuộc họp định kỳ và những cuộc gặp gỡ thường xuyên, cả với những nhóm phan sinh khác, nhất là các nhóm trẻ và sử dụng những phương thế thích hợp nhất để tăng triển trong đời sống phan sinh và đời sống hội thánh, khuyến khích mỗi người hướng về đời sống huynh đệ [41]. Sự hiệp thông đó còn được tiếp nối với những anh chị em đã qua đời bằng lời cầu nguyện cho linh hồn họ [42].
Điều 25:
Về chi phí cần thiết hoặc cho đời sống của Huynh đệ đoàn hoặc cho việc phụng tự, tông đồ và bác ái, tất cả các anh chị em sẽ góp phần của mình tương xứng với khả năng. Các huynh đệ đoàn địa phương còn phải lo góp phần vào những chi phí của Hội đồng các huynh đệ đoàn cấp cao hơn [43].
Điều 26:
Như dấu hiệu cụ thể của sự hiệp thông và đồng trách nhiệm, Hội đồng thuộc các cấp khác nhau sẽ chiếu theo Hiến Chương mà xin những tu sĩ có khả năng và đã được chuẩn bị để trợ giúp tinh thần. Hội đồng xin điều này nơi các Bề trên của bốn Nhánh thuộc Gia đình Phan sinh mà Dòng Phan sinh Tại thế đã từng gắn bó qua nhiều thế kỷ.
Để cổ võ lòng trung thành với đặc sủng và với việc tuân giữ Luật Dòng, cũng như để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho đời sống huynh đệ, anh chị phục vụ hoặc A/c Trưởng , với sự đồng ý của Hội đồng, phải xin các Bề trên tu sĩ có thẩm quyền Kinh Lý Mục Vụ theo định kỳ [44], cũng như xin các anh chị phan sinh tại thế có thẩm quyền ở cấp cao hơn Kinh Lý Huynh Đệ chiếu theo Hiến chương.
LỜI CHÚC PHÚC CỦA CHA THÁNH PHANXICÔ TRONG CHÚC THƯ
“Vậy ai tuân giữ các điều này sẽ được Chúa Cha cao cả trên trời chúc phúc, và ở dưới đất sẽ được Chúa Con yêu quý của Người, cùng với Chúa Thánh Linh, Đấng Bảo trợ, và toàn thể các dũng thần thiên quốc và tất cả các thánh ban phúc lành tràn đầy”.



CHÚ THÍCH:
[1] Còn được gọi là Huynh đệ đoàn PSTT hoặc viết tắt T.O.F. hay Dòng Ba Phanxicô.
[2] Hiến chế tín lý về Giáo Hội (LG số 43).
[3] Piô XII ngày 01-07-1956 , diễn văn cho anh chị em Dòng Ba, I.
[4] Sắc lệnh về tông đồ giáo dân 4,m (Apost.Act.)
[5] GL đ.702, I.
[6] I. Xêlanô 18,115 .( ICel).
[7] Ga 3,16 ; 14,6.
[8] Sắc lệnh về tông đồ giáo dân 30,h (Apost.Act.)
[9] Phaolô VI ngày 19-05-1971 , III diễn văn cho anh chị em Dòng Ba.
[10] I. Luật Dòng Ba (1221)
[11] Hiến chế tín lý về Giáo Hội (LG số Cool ; sắc lệnh về hiệp nhất (Unitatis red) 4 ; Nghi thức sám hối, phần mở đầu.
[12] Sắc lệnh về chức vụ và đời sống Linh mục (Presb. ord., 18,b.)
[13] Sắc lệnh về tông đồ giáo dân 4, a, b, c (Apost.Act.)
[14] II. Xêlanô, 198 (II Cel)
[15] Hiến chế tín lý về Giáo Hội (LG số 67) ; sắc lệnh về tông đồ giáo dân 4, (Apost.Act.)
[16] Hiến chế tín lý về Giáo Hội (LG số 41.)
[17] Hiến chế tín lý về Giáo Hội (LG số 42b.)
[18] I thư của Thánh Phanxicô, 5
[19] Rm 8,17 ; Hiến chế tín lý về Giáo Hội (LG số 7,4)
[20] Huấn ngôn Thánh Phanxicô, 16 ; I thư, 70.
[21] Rm 8,29.
[21] II Xêlanô, 85 ; thư I Thánh Phanxicô 26 ; I luật 7,13.
[23] I Luật 9,3 ; Mt 25,40.
[24] Hiến chế tín lý về Giáo Hội (LG số 31) ; (GS.93)
[25] Sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apost.Act. 14)
[26] Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (GS 67,2) ; I luật thánh Phanxicô 7,4 ; II Luật thánh Phanxicô 5,1.
[27] Luật do ĐGH Lêô XIII ban hành, II,8.
[28] Hiến chế tín lý về Giáo Hội (LG số 41e) ; Sắc lệnh về tông giáo dân 30,b.c.
[29] I Xêlanô 80. (I Cel)
[30] Luật do ĐGH Lêô XIII ban hành, II,9; Truyện ba người bạn 14,58.
[31] Huấn ngôn 21 ; I Luật thánh Phanxicô 7,15.
[32] Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng (GS 78,1-2)
[33] GL 687
[34] GL 697
[35] Piô XII ngày 01-07-1956 , diễn văn cho anh chị em Dòng Ba,3.
[36] GL 694
[37] I luật Dòng Ba 29-30.
[38] I Xêlanô 22( ICel)
[39] I Luật Dòng Ba 31.
[40] GL 696
[41] GL 697
[42] I Luật Dòng Ba 23.
[43] I Luật Dòng Ba 30.
[44] II Luật Dòng Ba 16 (ĐGH Ni-cô-la IV, 1289).

[center]
Về Đầu Trang Go down
 
Luật Dòng PSTT
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Giáo lý về Bản Luật Dòng PSTT
» TUYÊN KHẤN LUẬT DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ
» Tìm hiểu Dòng PSTT
» MỘT KINH NGHIỆM CỦA DÒNG PSTT
» DÒNG PSTT TRÊN THẾ GIỚI

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: PHAN SINH TẠI THẾ :: TÀI LIỆU NGUỒN-
Chuyển đến