Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmThường huấn số 8 - 2012 Th_thong-tin-1Thường huấn số 8 - 2012 Th_gioi-tre-1Thường huấn số 8 - 2012 Th_chia-se-1Thường huấn số 8 - 2012 Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Thường huấn số 8 - 2012

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Thường huấn số 8 - 2012 Empty
Bài gửiTiêu đề: Thường huấn số 8 - 2012   Thường huấn số 8 - 2012 EmptySun Aug 19, 2012 3:58 am

Thường huấn 08-2012
TÍNH ĐẶC BIỆT TRONG ƠN GỌI CHÚNG TA

(Fr. Benedetto Lino OFS – ts Giuse OFM chuyển ngữ)

Thường huấn số 8 - 2012 Formation8-2012f

Từ bài Anh Benedetto Lino trình bày trước Tổng Tu nghị Dòng Phan Sinh Tại Thế năm 2011, đoạn văn được chọn trong tháng này bàn tới ba khía cạnh đặc trưng trong ơn gọi Phan Sinh Tại Thế. Suy tư của tác giả nhấn mạnh nét độc đáo trong ơn gọi của Thánh Phanxicô và trong ơn gọi của mọi anh chị em Phan sinh nối kết với kinh nghiệm nền tảng và bền vững của thánh nhân. Anh Benedetto phát biểu: nếu như có một tính chất đặc biệt đối với ơn gọi chúng ta trong tư cách là anh chị em Phan Sinh Tại Thế, thì đó là lời kêu gọi chúng ta chia sẻ việc trở nên những Kitô hữu toàn diện, như Phanxicô đã từng như thế. Ơn gọi chúng ta chỉ đặc biệt, khi ơn gọi ấy quy chiếu về mẫu gương hoặc mẫu mực, đó là Thánh Phanxicô Átxidi, ngài là người chỉ cho chúng ta thấy cách thức trở nên những Kitô hữu một cách triệt để, toàn diện và bền bỉ. Gương sáng và đời sống Phanxicô đã cuốn hút chúng ta và Thiên Chúa đã sử dụng lợi thế đó để dẫn chúng ta tới thể thức sống mà chúng ta đã dấn bước theo.

TÍNH ĐẶC BIỆT TRONG ƠN GỌI CHÚNG TA DỰA VÀO THÁNH PHANXICÔ

Ơn gọi đặc biệt của chúng ta là Phan sinhtại thế, như vậy ơn gọi đó trực tiếp dựa vào Phanxicô Átxidi và ơn gọi của ngài. Gương sáng và đời sống của thánh nhân lôi cuốn chúng ta. Thiên Chúa đã dùng ngài để dẫn chúng ta tới một thể thức sống đặc biệt. Vì thế, chúng ta phải quay lui và bắt đầu từ Phanxicô, nếu chúng ta muốn hiểu được ơn gọi đặc biệt của chúng ta.

Phanxicô đã không tiến hành một lối sống “đặc biệt” theo nghĩa “chuyên môn” trong một lãnh vực giới hạn. Cho phép tôi giải thích.

Thánh Gioan Bốtcô liên hệ với giới trẻ; Thánh Camillô Lenli, Thánh Gioan Thiên Chúa liên hệ với người bệnh; Chân phước Têrêsa Calcutta với những người nghèo bị bỏ rơi; đó là những con người chiêm ngưỡng Thiên Chúa qua công việc họ làm nhằm hy sinh cho thế gian được sống, bằng lời cầu nguyện chiêm ngưỡng – và cứ tiếp tục như thế.

Thánh Phanxicô lại chẳng “chuyên môn” trong lãnh vực nào hết. Thánh Phanxicô tự đặt mình sẵn sàng phục vụ hết thảy mọi người, ngài đã trở nên tất cả cho tất cả mọi người (1Cr 9, 22 – 23). Phanxicô đã ưu tiên tìm kiếm Thiên Chúa để gặp được chính mình.

Trước hết, ngài tìm cách đáp trả lại điểm nòng cốt căn bản trong ơn gọi chủ yếu của ngài (mọi người đều chung một ơn gọi như thế), ấy là thiết lập một tương quan sống động với Thiên Chúa, để đem lại một ý nghĩa trọn vẹn cho đời sống của ngài. Qua thời gian dài chìm trong cầu nguyện và chiêm ngưỡng, Phanxicô đã đạt tới chỗ lĩnh hội được yếu tính sâu sa nhất của Thiên Chúa trong tư cách là một người Cha, Abba. Một Thiên Chúa đã tự hạ mình xuống gần gũi với chúng ta trong Con Ngài, qua việc Nhập Thể, Sống, Chết và Phục Sinh của Con Ngài, qua động tác hoàn toàn và vĩnh viễn trao ban chính bản thân Ngài. Một Người Con, đến lượt mình, Người lại dẫn chúng ta tới Cha, là Đấng ban cho chúng ta sự sống và làm cho chúng ta nên thánh nhờ Thần Khí của Ngài.

Điều đó đã khơi dậy nơi Phanxicô một khao khát là để cho Chúa Thánh Thần hoàn toàn biến đổi ngài, ngõ hầu làm cho ngài được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, Con Chúa, và để đáp trả lại ơn gọi nền tảng của ngài phát xuất từ Thiên Chúa, bằng cách chia sẻ đời sống vô cùng vô tận của Thiên Chúa Ba Ngôi. (1)

Trong cuộc đời mình, Phanxicô không muốn điều gì khác hơn là được sống nhờ Chúa Kitô, sống trong Chúa Kitô, sống trọn vẹn Phúc âm. Tắt một lời, ngài ước muốn chỉ trở nên và nên người Kitô hữu toàn diện, không gì khác hơn nữa. Phanxicô đã không miễn khỏi phải đáp trả lại một cách đầy đủ những gì Chúa Giêsu Kitô đã yêu cầu và luôn luôn tìm kiếm nơi từng người và nơi mọi người trong chúng ta, không phân biệt một ai.

ƠN GỌI CHÚNG TA LÀ: SỐNG CHÚA KITÔ, SỐNG PHÚC ÂM

Thiên Chúa đã gầy dựng Phanxicô và gia đình gồm 3 nhánh của ngài cho Giáo hội và cho thế giới, để cả Giáo hội lẫn thế giới tin rằng việc sống Phúc âm, không chú giải, là điều có thể, và cụ thể là có thể trở nên một Kitô hữu trọn vẹn, không thêm gì đặc biệt hơn nữa. (2) Phanxicô đã sống như thế. Và chúng ta, những môn đệ của ngài, chúng ta cũng long trọng tuyên hứa điều ấy: “ ... Tôi tuyên khấn sống Phúc âm Đức Giêsu Kitô trong Dòng Phan Sinh Tại Thế ở bậc giáo dân suốt đời tôi” (x. Công thức khấn, Dòng Phan Sinh Tại Thế).

Luật Dòng chúng ta đầy dẫy những lời khuyên bảo thôi thúc đặt Chúa Kitô làm trung tâm đời sống chúng ta, thôi thúc sống Phúc âm là Chúa Kitô, như Phanxicô, nhận ra mối tình Cha của Thiên Chúa mà chúng ta phải hết sức quy hướng về đó và là Mối tình Phụ tử mà chúng ta sẽ phải thể hiện (Luật 4, 5, 6, 7, 10; THC 9, 10, 11, 12). Đó là trái tim của Luật Dòng chúng ta.

Chúng ta không có những lệnh truyền đặc thù hoặc đặc biệt nào, nhưng trái lại, đúng hơn: đó là “Linh đạo của anh chị em Phan Sinh Tại Thế là một dự phóng đời sống tập trung vào con người Đức Kitô, bằng cách đi theo vết chân Người, hơn là một chương trình chi tiết để thực hiện” THC 9. 1).

Vì thế, tôi xác tín rằng: ơn gọi của Phanxicô và ơn gọi của chúng ta, đơn giản và duy chỉ một điều là trở nên Kitô hữu một cách trọn vẹn, tôi nghĩ có lẽ Phanxicô không tỏ ra quá sung sướng, khi chúng ta gọi mình là “Phan sinh”. Tôi tin rằng: ngài sẽ vui thích hơn, khi chúng ta gọi mình đơn giản là “những Kitô hữu”. Thánh nhân đã chọn một tên gọi cho các môn đệ của ngài, một tên gọi không kéo sự chú ý ra khỏi Đức Kitô, nhưng thay vào đó là một tên gọi nhằm định nghĩa những nét độc đáo trong việc họ đi theo Chúa: danh xưng “Anh Em Hèn mọn” – nghĩa là sống tình anh em và nghĩa hèn mọn cùng vâng phục hết thảy mọi người; danh xưng “Anh Chị Em Đền tội” – nghĩa là sống huynh đệ và thường xuyên hoán cải; danh xưng “Chị Em Nghèo” – nghĩa là sống Đức nghèo khó, như một dấu chỉ cụ thể của việc toàn hiến bản thân, cho thế gian được sống.

Tuy nhiên ngày nay, chung chung không gặp được “những người Phan sinh”, vì hầu như việc “là người Phan sinh” của họ quan trọng hơn việc là người Kitô hữu! Tôi tin rằng nếu như còn có thể nói với chúng ta hôm nay, thì Phanxicô sẽ nói: “Anh chị em rất thân mến, để trở nên những môn đệ đích thực và trung tín của tôi, anh chị em chỉ cần là những Kitô hữu, những Kitô hữu toàn diện. Anh chị em phải trở nên người Kitô hữu hoàn hảo, đúng như Thiên Chúa tốt lành đã ban cho tôi sống như thế, chỉ do ân sủng của Ngài”.

TÍNH ĐẶC BIỆT TRONG ƠN GỌI CHÚNG TA: ĐÓ LÀ TRỞ NÊN NHỮNG KITÔ HỮU TOÀN DIỆN, NHƯ PHANXICÔ

Chắc chắn, ơn gọi chúng ta là đặc biệt, không chỉ vì chúng ta được kêu gọi sống cuộc đời của chúng ta trong tình trạng tại thế, trong những hoàn cảnh bình thường của thế gian, ở bậc giáo dân hoặc có chức thánh, độc thân hoặc có gia đình. Ơn gọi ở bậc sống này là ơn gọi của đại đa số các tín hữu. Nhưng ơn gọi chúng ta là đặc biệt, chỉ vì ơn gọi chúng ta quy chiếu về một mẫu gương, một mẫu mực, một cách thức duy nhất để đi theo: đó là theo Phanxicô Átxidi.

Đây mới thực sự là và là yếu tố đặc biệt duy nhất trong ơn gọi chúng ta, điều phân biệt chúng ta và nối kết chúng ta lại làm một: đó là trở nên những Kitô hữu toàn diện, tương tự như Phanxicô.

Ngoài điều ấy ra, chẳng còn gì đặc biệt. Hơn nữa, trái lại, tôi dám nói rằng: ơn gọi chúng ta cũng giống như ơn gọi của Phanxicô, nghĩa là không có gì đặc biệt. Cho phép tôi giải thích.

Những điều Phanxicô đã thực hiện lại không phải chỉ là những điều mà Phúc âm, những điều mà Chúa Giêsu yêu cầu mọi tín hữu phải sống sao? Phanxicô đã không làm gì khác hơn là hoàn toàn chăm chú vào hết thảy mọi điều Chúa Giêsu yêu cầu hết mọi người phải sống. Phanxicô khiêm nhường ư? Chúa Giêsu đòi hỏi hết thảy mọi kẻ tin đều phải khiêm tốn. Phanxicô nghèo khó ư? Chúa Giêsu nói với mọi người: “Phúc cho những người nghèo khó”. Phanxicô trong sạch ư? Đức trong sạch buộc hết thảy mọi kẻ tin. Phanxicô hiền lành ư? Chúa Giêsu truyền mọi người đều phải sống hiền lành. Phanxicô đã sống huynh đệ ư? Chẳng phải các thầy dòng và các tu sĩ nói chung, cũng như hết tất cả mọi Kitô hữu đều đang sống (hoặc ít nhất đều phải sống) tình huynh đệ giữa họ với nhau đó sao?

Chúng ta có thể cứ tiếp tục suy nghĩ theo cách này về hết mọi sự và chúng ta sẽ thấy rằng: thực ra Phanxicô đã làm những gì Chúa Giêsu đòi hỏi ở hết thảy mọi tín hữu. Phanxicô không có một đoàn sủng và một sứ vụ bị giới hạn một cách ngẫu nhiên vào một lãnh vực hạn hẹp và đặc biệt nào. Đoàn sủng, ơn gọi và sứ vụ của ngài không có gì đặc biệt theo nghĩa chúng tương đồng với những gì thuộc Giáo hội trong mọi thời đại, Giáo hội của Chúa Kitô trong tình trạng toàn vẹn và thuần khiết nhất. Đoàn sủng, ơn gọi và sứ vụ của ngài được đâm rễ một cách sâu sa trong cốt tủy đời sống Kitô hữu và không có gì đặc biệt hơn nữa. Lối sống của ngài không dành riêng cho một số hạn chế những người được tuyển chọn, nhưng là cho hết thảy mọi người!

Thư gởi các Tín hữu, (3) bản văn quy chiếu của Lý tưởng Phan Sinh Tại Thế (secular Franciscanism) và được đặt làm Phần Mở đầu cho Bản Luật hiện nay của chúng ta, là bằng chứng rõ ràng nhất về điều ấy. Phanxicô viết gởi cho “các tín hữu sống đời đền tội” (de illis qui faciunt poenitentiam- 4 ), do đó là cho hết thảy mọi người trong chúng ta, vả lại theo ngài, hết thảy mọi người đều phải tiến hành con đường đền tội-hoán cải. Phanxicô đã khám phá Sự Thiện Tuyệt đối và say mê khích lệ hết thảy mọi người khám phá ra rằng: đây là con đường độc nhất để đạt tới sự sống, sự sống duy nhất đích thực: đó là hoán cải để được hiệp thông với ngài và với Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, với ngài và với Cha chúng ta, Đấng ở trên trời. Lý tưởng Phan sinh trùng khớp với ơn gọi của hết thảy mọi Kitô Hữu (chứ không chỉ có những người giáo dân).

Vì thế, ơn gọi đặc biệt của chúng ta là: trở nên Kitô hữu, như Phanxicô. Nét đặc trưng lớn lao và duy nhất của chúng ta có thể được tóm kết lại trong hai chữ: như Phanxicô. Tuy nhiên, chữ “như” ấy tạo nên một thế giới khác biệt, bởi vì nếu đích thực là Chúa Kitô đòi hỏi mọi người đều phải thực hiện những điều Phanxicô đã làm, thì cũng đích thực là Phanxicô đã thực hiện những điều ấy cho tới cùng. Sự khác biệt không chỉ nằm ở chỗ làm những điều đặc biệt, nhưng ở chỗ những điều ấy đã được làm với cường độ mãnh liệt. Cường độ mãnh liệt đó đã làm nên nét đặc sắc nơi Phanxicô và đó là khuôn mẫu và là quy luật cho hết thảy mọi người trong chúng ta là những anh chị em Phan sinh trên mọi nẻo đường đời.

“Sự kiện đầu tiên liên quan tới việc triển nở ơn gọi nơi Phanxicô ... đó là kinh nghiệm của ngài tương quan với Đức Giêsu Kitô, một mối tương quan đậm dấu ấn của TÍNH TRIỆT ĐỂ, TÍNH TOÀN DIỆN VÀ SỰ BỂN BỈ”. (5)

Ơn gọi của chúng ta: đó là “trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, con người hoàn hảo. Và tính cách đặc biệt của chúng ta hệ tại nơi việc sống sự đồng hình đồng dạng đó với cùng cường độ mãnh liệt như Phanxicô đã sống, cũng một cách toàn diện như ngài đã tự nguyện bắt chước hoàn toàn Đức Kitô, cũng một cách triệt để như ngài với dấu ấn khắc ghi tận sâu thẳm đời sống là việc ngài đã được biến đối-nên đồng hình đồng dạng, và cũng một cách bền bỉ như ngài đã sống những điều ấy.

Phanxicô, “con người thực sự thấm nhuần tinh thần Kitô giáo nhiều hơn tất cả mọi người, con người đã nỗ lực noi gương cách hoàn hảo, để khi sống thì giống như Đức Kitô sống, khi hấp hối thì giống Đức Kitô hấp hối, khi chết thì giống Đức Kitô chết, ngài thật đáng được mang trên mình huy hiệu biểu trưng nét tương đồng rõ rệt” (Đại Truyện, XIV, 4). Như thánh Bônaventura nhấn mạnh, Phanxicô là con người thấm nhuần tinh thần Kitô giáo nhiều nhất. Đó là nét đặc trưng của ngài, là tính cách đặc biệt của ngài: trọn vẹn và hoàn toàn trở nên hình ảnh Đức Kitô, trở nên một người thấm nhuần tinh thần Kitô giáo nhiều nhất, không giữ lại điều gì và cũng không hề giới hạn. (6)

Phanxicô, được tán dương như một Đức Kitô khác, đã xuất hiện một cách khiêm nhường và cao thượng, như một người đã tìm cách đồng hóa với Chúa của ngài trong hết thảy mọi sự. Cởi mở tiếp nhận ân sủng và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, ngài đã có thể trở nên một mẫu mực tới mức nêu gương cho toàn thể Giáo hội trong mọi thời đại và xuyên suốt khắp nơi trên toàn thế giới.

“Ước nguyện cao cả nhất, mong muốn mãnh liệt và ý hướng lớn lao nhất của ngài là tuân giữ Thánh Phúc âm trong mọi sự và mọi hoàn cảnh, sống theo lời dạy, và đi theo vết chân của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cách trọn vẹn với tất cả nỗ lực, tất cả chú tâm, tất cả sự khao khát của tâm trí và nhiệt tình của trái tim. Ngài tưởng nhớ đến các Lời Chúa dạy qua siêng năng suy gẫm, ôn lại các việc Chúa làm bằng chiêm nghiệm rất tinh tế. Đặc biệt sự khiêm nhường Chúa tỏ bày trong việc Nhập Thể và tình yêu Chúa tỏ bày trong cuộc Khổ Nạn thường chiếm tâm hồn ngài cách trọn vẹn đến mức khiến ngài hầu như không muốn nghĩ đến chuyện nào khác”. (7)

Tuy nhiên ..., phải chăng đây không phải là con đường mà hết mọi vị thánh phải đi? Vâng, chắc chắn như thế. Hết thảy mọi vị thánh đều như thế cả, nhưng dường như Đấng Tối cao đã muốn Phanxicô hiện thân cho việc đồng hóa nên hoàn toàn giống với Đức Kitô, tới một mức còn bao trùm lên tất cả, hữu hình hơn và còn hơn cả một khuôn mẫu từ trước tới nay chưa từng thấy bao giờ. (Cool Ngài đã trở nên một Kitô hữu tuyệt vời.

Vì thế, Thiên Chúa đã giao phó cho ngài sứ vụ đặc biệt nhất là trở nên một dấu chỉ trường tồn cho toàn thể Giáo hội, cho hết thảy mọi Kitô hữu, cho toàn thể thế giới. Và Phanxicô, cho dù đã qua đời cách đây hơn 800 năm, song ngài vẫn tiếp tục thực hiện sứ vụ của ngài một cách hết sức đặc biệt!

ĐỂ SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN TRONG HĐĐ

1. Đâu là nét “đặc biệt” trong ơn gọi của Phanxicô Átxidi?
2. Tại sao Phanxicô lại được ca tụng như “một Kitô khác” hoặc như “ người thấm nhuần tinh thần Kitô giáo nhiều hơn tất cả mọi người”?
3. Đâu là nét “đặc biệt” của ơn gọi chúng ta, trong tư cách là anh chị em Phan Sinh Tại Thế?

Chú thích:

(1) Con ơi, cha không cần gì thêm, cha đã biết Đức Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh (2Cel 71, 105). “Cốt tủy linh đạo Phan sinh là ... Đức Kitô. Đức Kitô là điểm trọng tâm của linh đạo này. Chúng ta có thể nói: chỉ Đức Kitô mà thôi, ... rõ ràng tất cả nền văn chương Phan sinh của anh em cho thấy rằng: Thánh Phanxicô đã nỗ lực bắt chước Chúa Giêsu một cách trọn vẹn ... “Với tất cả ý thức, ngài (Phanxicô) đã liên tục muốn sống như Thầy, với Thầy, thuộc về Thầy. Luật của ngài, như ngài đã lĩnh hội, chẳng là gì khác mà là Phúc âm bằng hành động” (Đức Phaolô VI, ngỏ lời với Tổng Tu nghị OFM, ngày 22.06.1967).
(2) “Tuy nhiên ngài (ĐGH Innocent III) vẫn chần chừ, chưa thực hiện điều con người nghèo hèn bé nhỏ của Thiên Chúa xin, vì một vài vị Hồng Y còn coi đấy như một điều mới lạ và vượt quá sức lực loài người. Đức Gioan di San Paolo, Giám mục giáo phận Sabina, nói: “Nếu chúng ta từ chối lời thỉnh cầu của con người nghèo khó này vì cho là mới mẻ hay quá khó khăn, trong khi người ấy chỉ xin được phép sống đời sống Phúc âm, thì chúng ta phải cẩn thận kẻo xúc phạm đến Phúc âm của Chúa Kitô. Ai bảo rằng việc tuân giữ sự trọn lành Phúc âm và ước nguyện của con người này là điều mới mẻ, vô lý hay không thể thực hiện được, người ấy sẽ phạm tội nói lộng ngôn phạm đến Chúa Kitô, tác giả của Phúc âm” (Đại Truyện 3, 9).
(3) Tôi thích quy chiếu cả hai bản văn, Bản có trước, ngắn hơn và là là Phần Mở đầu cho Bản Luật Dòng Phan Sinh Tại Thế, cũng như Bản muộn thời, là một sự quảng giải và làm cho bản văn thứ nhứt được thêm phong phú.
(4) Nhan đề Thư gởi các Tín hữu (Bản có trước) là: “H[a]ec sunt verba vit[a]e et salutis que si quis legerit et fecerit inveniet vitam et [h]auriet salutem a domino de illis qui faciunt penitentiam. – Đây là những lời sự sống và cứu độ, liên quan tới những người sống đời đền tội. Bất cứ ai đọc và làm theo sẽ tìm được sự sống và được Chúa cứu độ . Chữ “bất cứ ai” ở đây không giới hạn mà mở rộng. Bất cứ ai là nhắm tới hết thảy mọi người.
(5) Andrés Stanovnik OFM Cap. Tổng Giám mục Corrientes, Argentina.
(6) Việc đối chiếu Thánh Phaolô với Thánh Phanxicô, hai con người hoán cải vĩ đại, thực sáng tỏ. Cả hai ngài đều sống một đời sống trọn vẹn trong Đức Kitô, vì như Phaolô nói với chúng ta và Phanxicô cũng đã sống một cách đậm đặc là: đối với tôi, sống là Đức Kitô; tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi (Pl 1, 21; Gl 2, 20).
(7) 1Cel XXX, 84.
(Cool “Thậm chí dám nói mạnh hơn nữa, nếu đem các vị khác ra so sánh giữa các bậc anh hùng thánh thiện của trời cao với nhau, là những người đã được Chúa Thánh Thần dành riêng để chu toàn nhiều sứ vụ khác nhau giữa loài người – và những sự so sánh như thế, bắt nguồn từ niềm đam mê mang tính phe phái, đã chẳng đưa lại ích lợi gì cho ai mà lại còn có hại trước mặt Thiên Chúa, Đấng là Tác giả sự Thánh thiện – song, chúng ta có thể khẳng định rằng: không ai trong số các ngài mà hình ảnh Đức Kitô và thể thức sống Phúc âm lại chiếu sáng cách sống động và tương đồng như nơi Phanxicô. Do đó, ngài, kẻ tự gọi mình là “Sứ giả của Đức Vua Vĩ đại”, đáng được ca tụng như là “một Giêsu Kitô khác”, đã tự giới thiệu mình cho dân chúng trong thời đại ngài và hầu như cho các thế kỷ sẽ đến, y như thể Đức Kitô đã chỗi dậy từ kẻ chết; và đó là lý do giải thích tại sao hiện nay ngài vẫn sống và sẽ vẫn tiếp tục sống như thế đối với mọi thế hệ trong tương lai” (ĐGH Piô XI, Tông thư Rite Expiatis, 30.04.1926).
Về Đầu Trang Go down
 
Thường huấn số 8 - 2012
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Bài Thường Huấn số 2-2012
» Thường huấn số 9 - 2012
» Bài Thường huấn số 4-2012
» Thường huấn số 10-2012
» Bài Thường huấn số 5-2012

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: CHIA SẺ :: HUẤN LUYỆN-
Chuyển đến