Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmBài Thường huấn số 6 - 2012 Th_thong-tin-1Bài Thường huấn số 6 - 2012 Th_gioi-tre-1Bài Thường huấn số 6 - 2012 Th_chia-se-1Bài Thường huấn số 6 - 2012 Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Bài Thường huấn số 6 - 2012

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Bài Thường huấn số 6 - 2012 Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài Thường huấn số 6 - 2012   Bài Thường huấn số 6 - 2012 EmptySat Jun 23, 2012 1:29 am

BÀI THƯỜNG HUẤN SỐ 6 - 2012
ĐƯỢC PHÚC ÂM HÓA ĐỂ RA ĐI PHÚC ÂM HÓA

CÁC MỐI PHÚC (PHẦN II)
BẢN VĂN NGUY HIỂM VÀ CÁCH MẠNG NHẤT
TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI
(Fr. Fernando Ventura OFMCap – ts Giuse OFM chuyển ngữ)

Bài Thường huấn số 6 - 2012 Formation2012_6b

Trong tài liệu thường huấn lần này, chúng ta tiếp tục bài suy tư của Anh Fernando về Các Mối Phúc,“Bản Hiến Chương” của Kitô giáo. Bản văn quan trọng này thực sự là bộ mã ẩn tàng của Kinh Thánh và của Sự Sống. Kinh Thánh được sinh ra từ Sự Sống và nếu như chúng ta muốn và thuận theo, thì từ Kinh Thánh cũng có thể sinh ra sự sống. Tuy nhiên, đó sẽ không phải là một “cuộc sống dễ dàng”, nhưng cũng chưa có ai nói sống là dễ dàng ...

“Phúc cho những người than khóc, vì họ sẽ được ủi an”.

Chúng ta chỉ có thể khóc vì hai lý do: chúng ta khóc vì vui, hoặc chúng ta khóc vì buồn, đúng không? Nhưng tôi dám đi xa hơn nữa. Thực ra thì chỉ có một lý do có thể khiến chúng ta khóc ... chúng ta khóc vì chúng ta yêu. Kẻ không yêu thì cũng chẳng khóc. Đấy là lý do duy nhất thực sự khiến cho một người phải khóc.

Mỗi ngày, chúng ta đối diện với những tin tức nói về hàng chục, hàng trăm và thậm chí hàng ngàn người chết. Nhưng, ngay cả trước những con số lớn như thế, có lẽ chúng ta vẫn không khóc. Tuy nhiên, nếu chỉ có một người chúng ta yêu thương qua đời, chắc chắn chúng ta sẽ khóc. Xét về mặt số lượng, thực tế là không thể so sánh. Một đàng thì hàng chục, hàng trăm hoặc hàng ngàn người chết, trong khi đàng khác lại “chỉ” có một kẻ qua đời. Điều duy nhất khác biệt, đó là tương quan; điều duy nhất làm cho ta rơi nước mắt, đó là tình yêu.

Thế đấy ... phúc cho anh chị là những người đang khóc, vì anh chị được phúc biết yêu thương. Phúc cho anh chị là những người đang yêu – những người có thể nhận và tạo ra một mối tương quan với ai đó, những người từ chối vinh vang sống như “những kẻ độc thân”, những người có khả năng yêu thương tha nhân và cuộc sống, những người không sống để trầm ngâm mặc định, nhìn vào lỗ rốn của mình, những người không hài lòng với những nghĩ suy đạo đức và thần bí. Cốt lõi của tình yêu và sự sống là thế đấy. Ngạn ngữ Bồ-đào-nha có câu: “Đã yêu tất khổ”. Chẳng ai nói yêu là dễ dàng; song, không ai trong số những người đã dám sống giống như thế nói rằng không bõ công.

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất làm gia nghiệp”

Trong mối phúc này, chúng ta lại có một khẳng định thách thức chuẩn mực thông thường, và mối phúc này có thể cũng gây nên một ngộ nhận về ý nghĩa của “sự hiền lành”. Muốn xác định ý nghĩa của từ “hiền lành”, chúng ta phải đặt nó trong ngữ cảnh của những điều đã nói trước đây. Một lần nữa, mối phúc này thách đố chúng ta phải có một thái độ mới trong cuộc sống, phải sống khác, phải có một cách sống mới, một cách sống không giống như cách sống của những người lấy bạo lực làm động lực chính của cuộc đời. Người hiền lành là những chuyên gia về “tác động bất bạo động”. Kẻ bạo động không thể nào và sẽ không bao giờ là người chiến thắng cuối cùng nếu như đặt họ đối đầu với những người hiền lành. Nhưng có lẽ chúng ta phải tiến thêm một bước nữa. Trong sâu thẳm của bản thân, “người hiền lành” là người sống quân bình với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa. Cấp thiết cần phải trau dồi đức tính hiền lành đó. Hiền lành không phải là thờ ơ đối với cuộc sống, không phải là thái độ “sao cũng được”. Hiền lành không liên quan tới việc thiếu tự tin ... Thách đố ở đây sâu sa hơn. Đó là thách đố của Mahatma Gandhi, của mẹ Têrêsa Calcutta, của mục sư Martin Luther King – đó là “cuộc chiến của những người bất bạo động”.

“Phúc cho những người đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no thỏa”

Anawimdalim, những người nghèo trông mong sự giải thoát từ nơi Chúa và những người nghèo cùng khốn, liên kết với nhau trong cùng một cuộc đấu tranh và một quyết tâm để lấy lại phẩm giá đã bị tước mất, lấy lại quyền được đối xử như những con người, một quyền bị chà đạp quá thường xuyên bởi các ông lớn trên trái đất này, các ông vua bà chúa của hận thù, của thuốc phiện, của quyền bính và của sự chết. Mối phúc này không dạy quyết tâm làm thay đổi lịch sử chỉ vì muốn đấu tranh, nhưng diễn tả một sự cương quyết muốn đi xa hơn nữa. Mối phúc này rất gần với kinh nghiệm về cái đói và cái khát vì chạm tới bản chất sâu xa của con người chúng ta và sẽ chỉ đạt tới mục đích một khi tâm hồn chúng ta được mãn nguyện.

Sống “thân thiện” thôi không đủ ... xã hội chúng ta đã có quá nhiều những người dễ kết thân. Tập nói cười với nhau theo đúng chuẩn mực chính trị cũng không đủ ... Đức Khổng đã nói: “Đàng sau miệng cười là những cái răng”. Anh chị đã từng bao giờ cảm thấy những người bên ngoài thì cười cười nói nói, nhưng bên trong thực sự muốn cắn xé mình hay chưa? Đã bao giờ anh chị từng cười cười nói nói với một người muốn cắn xé mình hay chưa? Thách thức ở đây nằm ở một mức sâu xa hơn. Rõ ràng lời mời gọi ở đây là hãy biết đồng cảm. “Thân thiện” không thôi vẫn chưa đủ. Anh chị hãy lưu ý tới từ “đồng cảm”. “Đồng cảm” là cùng có một cảm xúc, “cùng đau khổ với một ai đó”. Sự khẩn trương cấp thiết trong hành động mang tính cách mạng của chúng ta dứt khoát thôi thúc chúng ta đi tới chỗ đồng cảm, nghĩa là phải “cùng đau khổ với”, và phải lấy cuộc đấu tranh của những người khác làm cuộc đấu tranh của chính mình ... ngay lúc này, hôm nay, vào thời điểm này, tự bây giờ và mãi mãi.

Như thế, hôm nay không phải là lúc để khoanh tay, ngồi đợi ở khúc quanh của cuộc sống để chờ cho cái vĩnh cửu đến. Đúng hơn, hôm nay là thời điểm để anh chị xắn tay áo lên, không chút sợ hãi và với lòng dũng cảm của những người đã biết mình tin vào Ai.

“Phúc cho những người biết xót thương, vì họ sẽ được thương xót”

Trong Cựu Ước, hai “phẩm tính” trung tâm của Thiên Chúa là lòng thương xót và sự thật (hesed ‘emet). Trong Mối Phúc này, thánh Mát-thêu xem những người có tinh thần nghèo khó, các anawim, như những người sống đúng cảm nhận ấy về Thiên Chúa. Một Thiên Chúa của hesed, một Thiên Chúa của lòng thương xót, theo nghĩa gốc, thì đó là một Thiên Chúa có “lòng dạ ruột gan” hoặc nói một cách thi vị hơn nữa, đó là một Thiên Chúa có “trái tim”, một Thiên Chúa thôi thúc các anawim có cùng một thái độ giống như Người đối với cuộc sống.

Hoàn toàn không thả hồn mơ tưởng theo kiểu các thi sĩ, Mối Phúc này mời gọi chúng ta hãy có một con tim đập cùng nhịp với trái tim của Thiên Chúa – nghĩa là một con tim biết si mê, một con tim không cô độc, một con tim kết hôn với cuộc sống và với thế giới, giống hệt như Thiên Chúa kết hôn với toàn thể tạo thành ... không loại trừ ai. Thiên Chúa kết hôn với hết thảy mọi người ... kể cả với người Công giáo.

“Phúc cho những người có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”

Gắn liền và quyện chặt với thăng trầm của lịch sử nhân loại, con tim ao ước đập cùng một nhịp với con tim Thiên Chúa chắc chắn sẽ tìm được thế quân bình và sẽ có khả năng khôi phục lại được sự trong sáng nguyên thủy của nó. Bất cứ ai có khả năng thực hiện cuộc hành trình thâm sâu này không thể nào lại không gặp được thế quân bình trong chính con người của mình và qua đó đạt tới chặng đầu dẫn tới hạnh phúc – đó là đạt được sự hài hòa với bản thân.

Lúc ấy con người sẽ có khả năng “nhìn thấy Thiên Chúa”. Lúc ấy các cấm kỵ liên quan đến cách chúng ta nhìn cuộc đời sẽ rơi rụng hết. Lúc ấy sẽ có thể hiểu rằng những người “nhìn thấy Chúa” thực sự là những người có khả năng nhìn thấy tha nhân … bời vì Thiên Chúa không ở trên một cõi trời xa thẳm nào, nhưng ở ngay tại đây và lúc này, trong cuộc sống và trong thời gian, một thời gian thấm thoắt nhưng đã là vĩnh cửu đối với chúng ta.

Ở đây cần xác định rõ. Thiên Chúa trong Kinh Thánh, Thiên Chúa của Israel, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, không phải là một vị Thần ở xa tít trên cõi trời. Vị Thần chúng ta tôn thờ là một vị Thần của “trái đất”, một vị Thần “gần gũi”, một vị Thần cùng đi dọc con đường gió bụi, một vị Thần mà chúng ta có thể thưa chuyện trực tiếp và do đó, là một vị Thần của tương quan. Chính vì thế Thiên Chúa cho phép chúng ta được “nhìn thấy” Người, cho phép chúng ta được “chạm” tới Người và Người không e ngại thiết lập tương quan với chúng ta.

“Phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa”

Sau khi trình bày càng lúc càng rõ hơn thế nào là “được chúc phúc”, nay bản văn chép Các Mối Phúc đề cập đến một lớp người mới, có được hết thảy những thuộc tính liệt kê ở trên: đó là những người kiến tạo hòa bình. Ở đây chúng ta đạt tới khái niệm trung tâm của lời kêu gọi hoán cải. Shalom (Hòa bình, trong tiếng Híp-ri) mang nhiều ý nghĩa hơn là việc không có chiến tranh. Shalom tự nó là một khái niệm diễn tả tình trạng toàn vẹn, bao gồm hết thảy mọi chiều kích của cuộc sống, bao gồm các mối tương quan của mỗi người đối với chính mình, đối với tha nhân và đối với Thiên Chúa. Thực chất đó là một khái niệm mang tính không tưởng, một thách thức để xây dựng tương lai, một giấc mơ về vĩnh cửu, dạy cho chúng ta “khát khao hướng về tương lai”, và xây dựng một thiên đàng chưa hề bao giờ có, nhưng bởi ý Chúa, đó là thiên đàng mà hết thảy nhân loại được kêu gọi hãy ước mơ và xây dựng.

Giấc mơ về sự hài hòa toàn vẹn có ở trong tất cả các nền văn hóa, các thời đại, các dân tộc và các nền văn minh. Anh chị có gọi giấc mơ đó là hòa bình, hay shalom, salaam, là morabeza, là niết bàn, hay pankasila, hay hóa kiếp, là shanti hay gì đi nữa, thì nhân loại sẽ vẫn luôn ủ ấp nỗi khát vọng ấy, một khát vọng được ghi sâu trong bộ mã di truyền của nhân loại. Chính đó là nơi kế hoạch của Thiên Chúa đã được khắc ghi. Vấn đề nằm ở chỗ nhân loại không có khả năng đọc cho đúng bộ mã di truyền của chính mình, một bộ mã vừa có tính chất thần linh vừa có tính chất con người, kết hợp và đan quyện vào nhau trong một vòng tròn xoắn ốc đi lên, càng lúc càng phức tạp, càng lúc càng nhiều nhận thức, theo cách nói của Teilhard de Chardin (1). Vì gặp quá nhiều khó khăn để hiểu ra cho được sự hài hòa trong chuyển động của vũ khúc đó, chúng ta đã vội xây dựng một “hòa bình cá nhân”, thực ra là xây dựng “cuộc chiến tập thể” nhân danh Thiên Chúa ... ngõ hầu để xây dựng hòa bình!

Và hậu quả là chúng ta lẫn lộn mọi thứ. Thực buồn cho cảnh ngộ chúng ta. Qua nhiều thời đại, chúng ta đã quá sẵn sàng thiết lập hòa bình thông qua chiến tranh. Các “nền văn minh” vĩ đại luôn có khả năng tìm ra lý lẽ để biện minh cho việc giết chóc nhân danh Thiên Chúa. Ngày nay, chúng ta đang lo sợ trước sự xuất hiện gần đây của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan ...

Metanoia, hoán cải, jihad là những khái niệm tương tự với những ý nghĩa tương tự. Tất cả các từ ấy, theo nguyên nghĩa, hoặc ít nhất là về mặt thần học, đều liên quan tới khái niệm “chiến tranh” hoặc “thánh chiến”. Hơn nữa, một cách chủ yếu và xét theo bản chất, đó là một cuộc chiến tranh mỗi người tiến hành chống lại chính mình, một cuộc đấu tranh nhằm phát triển các khả năng của bản thân trong tương quan với tha nhân và với Thiên Chúa. Để đạt tới sự hài hòa cần phải đấu tranh. Như thế tức là xây dựng hòa bình thông qua chiến tranh; tuy nhiên, ở đây lại là một cuộc chiến tranh trong đó người “chiến binh” không muốn “giết người khác” hoặc tiêu diệt “thần người khác thờ”, nhưng chỉ muốn tiêu diệt các ngụy thần chính mình đang thờ, các ngụy thần ngăn không cho mình tiếp nhận người khác, tiếp nhận cách thức người khác hiều về Thiên Chúa, qua đó kiếm tìm một thế quân bình sẽ “tất yếu” dẫn tới hòa bình.

“Phúc thay những ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế”.

Những điều nói trên xem chừng quá tốt đẹp, không thể tin được. Bản văn Các Mối Phúc đưa người ta trở về lại thế giới thực. Sau khi đem lý tưởng đặt trước khả năng của chúng ta, phần cuối của bản văn đặt người đọc đối diện với “định mệnh” thực tế đang chờ đợi bất cứ ai muốn sống theo các nguyên tắc này và chấp nhận cho đến hệ luận cuối cùng. Bách hại, xỉ nhục, dối trá, vu cáo sẽ trở thành những bạn đồng hành của bất cứ người nào dám đụng tới những thành kiến. Xuyên suốt lịch sử đã có nhiều thời điểm tỏ cho thấy “lời tiên tri” đó đã được ứng nghiệm. Chính vì thế đây là bản văn nguy hiểm nhất, đồng thời cũng mang tính cách mạng nhất trong toàn bộ lịch sử văn chương nhân loại. Cũng vì thế, đây là một bản văn mà ý nghĩa cuối cùng của nó không bao giờ có thể bị che khuất.

"To all of you brothers and sisters in Christ and Francis, agents of active solidarity, I leave a sign of my respect and affection for what you mean to me -- hearts beating in history, hearts that beat to the rhythm of the heart of God."

“Tôi xin được gửi những điều trình bày trên đến tất cả các anh các chị trong Đức Kitô và thánh Phanxicô, những tác nhân tích cực của tình liên đới, như một dấu bày tỏ lòng kính trọng và quí mến của tôi đối với các anh chị – những con tim đang đập trong lịch sử, những con tim đang cùng nhịp đập với con tim của Thiên Chúa”. Fr. Fernando Ventura OFMCap.

Thư mục:

Ventura, Fernando, Roteiro de Leitura da Bíblia, Nhà xuất bản Presença, 2009.
Ventura, Fernando, Do Eu solitário do Nós solidário, Nhà xuất bản Verso de Kapa, 2011

Để suy nghĩ và thảo luận trong huynh đệ đoàn:

Dưới ánh sáng suy tư của Anh Fernando về Các Mối Phúc, huynh đệ đoàn anh chị hãy học tập và thảo luận các bản văn sau đây trong Tổng Hiến Chương Dòng Phan Sinh Tại Thế:

1. “Anh chị em Phan Sinh Tại Thế sẽ cố gắng sống tinh thần Các Mối Phúc, nhất là tinh thần nghèo khó” (THC điều 5.1).
2. “Anh chị em Phan Sinh Tại Thế được mời gọi đem hoà bình vào trong gia đình mình và trong xã hội bằng cách: hãy quan tâm đề ra và quảng bá những tư tưởng và thái độ hiếu hòa; hãy triển khai những sáng kiến riêng và trong tư cách cá nhân hoặc huynh đệ đoàn, hãy hợp tác với các sáng kiến của Đức Giáo Hoàng, của Hội Thánh địa phương và của Gia đình Phan sinh; hãy hợp tác với các phong trào và các tổ chức cổ võ cho hoà bình trong sự tôn trọng các nền tảng chân chính của hoà bình” (THC điều 23.1).
3. “Anh chị em Phan Sinh Tại Thế lúc đầu được gọi là “anh chị em sống đời Đền Tội”, tự nguyện sống tinh thần hoán cải liên tục” (THC điều 13.1).


Chia sẻ: Đọc thêm:
HN 14: “Có lắm người chuyên cần đọc kinh cầu nguyện và ăn chay phạt xác, nhưng khi có ai nói lời gì có vẻ xúc phạm đến họ, hay lấy mất vật gì của họ, thì họ liền nổi giận và mất hết bình tĩnh. Những người như thế không có tinh thần nghèo khó; bởi vì ai thật sự có tinh thần nghèo khó, thì ghét bỏ mình và yêu mến kẻ vả mặt mình” (x. Mt 5,39).
HN 11: “Người tôi tớ Thiên Chúa đừng bực bội về điều gì ngoại trừ tội lỗi. Cho dù khi có ai phạm tội cách nào đi nữa, nếu người tôi tớ Thiên Chúa rối lòng rối trí và bực tức vì một cớ gì ngoài đức mến ra, thì người ấy tích trữ thêm tội lỗi cho mình (x. Rm 2,5). Người tôi tớ nào của Thiên Chúa không bực tức và rối lòng rối trí về một điều gì là người sống chính trực và không có của riêng. Phúc thay người không giữ lại cho mình điều gì, nhưng "của Xêda, trả cho Xêda; của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa" (x. Mt 22,21).
THC 15:
1. ACE PSTT sẽ cố gắng sống tinh thần Các Mối Phúc, nhất là tinh thần nghèo khó. Đức nghèo khó phúc âm biểu lộ sự phó thác vào Chúa Cha, dẫn tới sự tự do nội tâm, và cổ suý cho việc phân phối của cải cách công bằng hơn.
2. Nhờ việc lao động và của cải vật chất, ACE PSTT có một cách thế riêng để sống đức nghèo khó phúc âm khi phải đáp ứng các nhu cầu của gia đình mình và phục vụ xã hội. Để hiểu rõ và sống đức nghèo khó, cần phải có một sự tự dấn thân tích cực và sự giúp đỡ của Huynh đệ đoàn, qua cầu nguyện và đối thoại, qua kiểm điểm chung đời sống, qua lắng nghe giáo huấn Hội Thánh và các yêu cầu của xã hội.
3. ACE PSTT sẽ cố gắng giảm bớt nhu cầu cá nhân để có thể chia sẻ của cải tinh thần và vật chất với ACE mình nhiều hơn, nhất là với những người thiếu thốn hơn cả. ACE hãy cảm tạ Thiên Chúa về của cải đã lãnh nhận, và hãy sử dụng của cải như người quản lý tốt, chứ không như chủ nhân. ACE hãy có lập trường vững chắc chống lại não trạng tiêu thụ và chống lại những ý thức hệ cùng lối sống thực tiễn coi của cải trọng hơn giá trị nhân bản và tôn giáo, đưa tới sự bốc lột con người.
HN 13: "Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa" (x. Mt 5,9). Người tôi tớ Thiên Chúa không thể biết mình kiên nhẫn và khiêm nhường đến mức nào, bao lâu còn được mọi sự như ý. Nhưng đến lúc những kẻ đáng phải làm vừa lòng mình, đều làm ngược lại, bấy giờ người ấy tỏ ra kiên nhẫn và khiêm nhường được chừng nào, thì đó là mức độ nhân đức kẻ ấy có, không thể hơn được”.
HN 15: “Những ai chịu đựng mọi gian khổ trên đời này vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô, mà vẫn giữ được tâm hồn và thân xác bình an, họ mới thật là những người xây dựng hòa bình”.



(1). Teilhard de Chardin đề ra quan niệm vũ trụ vật chất tiến hóa theo hướng từ chỗ đơn giản đến chỗ phức tạp. Tại điểm vật chất có được kết cấu phức tạp cao nhất xuất hiện tư duy của con người. (Chú thích của người dịch).



[center]
Về Đầu Trang Go down
 
Bài Thường huấn số 6 - 2012
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Bài Thường Huấn số 2-2012
» Thường huấn số 9 - 2012
» Bài Thường huấn số 4-2012
» Thường huấn số 10-2012
» Bài Thường huấn số 5-2012

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: CHIA SẺ :: HUẤN LUYỆN-
Chuyển đến