Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmDấu ấn hèn mọn (2) Th_thong-tin-1Dấu ấn hèn mọn (2) Th_gioi-tre-1Dấu ấn hèn mọn (2) Th_chia-se-1Dấu ấn hèn mọn (2) Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Dấu ấn hèn mọn (2)

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Dấu ấn hèn mọn (2) Empty
Bài gửiTiêu đề: Dấu ấn hèn mọn (2)   Dấu ấn hèn mọn (2) EmptyMon Jun 11, 2012 6:52 am

DẤU ẤN MỌN HÈN
CỦA DÒNG PHAN SINH TRÊN ĐẤT VIỆT
(tiếp theo)

4. Một khúc ngoặt mới

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đánh dấu sự thay đổi chế độ chính trị tại miền nam Việt Nam. Rất nhiều người Việt trong đó có không ít linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân công giáo rời quê hương đến tị nạn tại một số nước Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng anh em Phan sinh Việt Nam đã quyết định ở lại, thành lập những cộng đoàn nhỏ ở các miền quê, sống gần gũi với dân chúng, dùng lao động tay chân làm kế sinh nhai, và phục vụ Dân Chúa bằng công tác mục vụ. Mười năm đầu tiên đối với chúng tôi là một giai đoạn thử thách khắc nghiệt, nhưng giai đoạn này lại làm cho chúng tôi thêm trưởng thành hơn. Bằng chứng cụ thể là chúng tôi đã trở thành một Tỉnh dòng tự trị vào năm 1984. Tất cả mọi tu sĩ nam nữ cùng với những thành phần khác của Dân Chúa trên đất nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam này đã thích ứng khá tốt với hoàn cảnh mới và Giáo hội ngày càng phát triển về sức sống cũng như số lượng. Các nhà thờ giáo xứ luôn đông đảo giáo dân. Các chủng viện cũng như các tu viện và đan viện không đủ khả năng (và đôi khi không được phép) để tiếp nhận tất cả các ứng sinh đăng ký gia nhập. Sau năm 1986, với chính sách Đổi mới, chính quyền đã tỏ ra nhẹ nhàng và cởi mở hơn với thế giới bên ngoài. Nhờ chính sách tôn giáo thông thoáng hơn, chúng tôi đã có thể thực hiện được nhiều công trình mới: Các chị em FMM thành lập một cộng đoàn mới tại miền Bắc vào năm 2000; năm 2004, các chị em Clara Thủ Đức thành lập một nhà con ở Xuân Sơn, Bà Rịa; năm 2005, anh em Phan sinh chúng tôi thành lập một huynh đệ đoàn truyền giáo tại Tây nguyên (giáo phận Kontum) để phục vụ bà con dân tộc thiểu số; đồng thời gửi một số thừa sai đầu tiên ra hải ngoại; và năm 2008, bốn anh em đã trở về Vinh sau 54 năm vắng bóng. Còn một hiện tượng đáng chú ý khác nữa đó là: sau năm 1954, dòng Ba Phan sinh ở miền Bắc chỉ có một huynh đệ đoàn tại Hà Nội (nơi có ba vị hồng y liên tiếp gia nhập dòng Ba: đó là các Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê, Trịnh Văn Căn và Phạm Đìng Tụng). Nhưng sau chính sánh “Đổi mới”, hiện nay có 10 huynh đệ đoàn Dòng Ba ( nay gọi là Dòng Phan sinh tại thế) tại Hà Nội và 27 huynh đệ đoàn tại giáo phận Vinh. Và một điều hoàn toàn mới lạ và đáng ngạc nhiên là con số 2.200 thành viên của Giới trẻ Phan sinh tại miền Bắc, một thực thể vừa được thành lập nhưng lại rất năng động. Trong số đó, hầu hết các thành viên đều thuộc giáo phận Vinh. Con số này chiếm một nửa tổng số giới trẻ Phan sinh toàn quốc. Cũng trong giai đoạn này, tất cả các giáo phận cũng như các dòng tu và tu hội đều xây cất nhiều nhà thờ và tu viện mới, với con số ơn gọi tu sĩ, linh mục ngày càng tăng.

5. Viễn cảnh tương lai:

Ngày bốn tháng Mười năm 2008, ngày kính thánh Phanxicô Assisi, chúng tôi đã trọng thể khai mạc Năm Thánh Phan sinh với những cử hành phụng vụ và văn hoá trong suốt một năm để kỷ niệm 80 năm thành lập Tỉnh dòng (1929-2009) trong khung cảnh Đại Năm Thánh mừng 800 năm thành lập Dòng Anh em Hèn mọn (1209-2009). Chúng tôi đã dâng lên Thiên Chúa, Chủ tể của Lịch Sử, đời sống chúng tôi như những bó hoa thiêng liêng:
- Tỉnh dòng Thánh Phanxicô Việt Nam gồm 17 cộng đoàn và hai nhà con, với 139 tu sĩ khấn trọng (trong đó có: 88 linh mục, 6 phó tế, 9 tu sĩ định hướng linh mục và 36 anh em không linh mục), 52 tu sĩ khấn tạm, 9 tập sinh, 14 thỉnh sinh và 99 tìm hiểu. Chúng tôi hiện đang coi sóc 19 giáo xứ lớn nhỏ, trong đó có 6 giáo xứ ở thành phố và 13 giáo xứ ở những vùng nông thôn, với tổng số giáo dân là 29.900, bao gồm 25.300 giáo dân người Kinh và 4.600 giáo dân thuộc 5 nhóm dân tộc thiểu số khác nhau. Mỗi giáo xứ đều có “Kế hoạch Phúc âm hoá” riêng, kết hợp hài hoà với những hoạt động của dòng Phan sinh tại thế và Giới trẻ Phan sinh cũng như công tác mục vụ ơn gọi. Trong lãnh vực y tế, chúng tôi điều hành 3 phòng khám, một ở Saigon và 2 ở miền quê. Một anh em không linh mục đang tình nguyện chăm sóc các bệnh nhân AIDS, hai anh em khác chăm lo cho người phong và con cái của họ. Mỗi Chúa nhật, anh em sinh viên Triết – Thần Học viện Thủ Đức đến thăm và giúp đỡ những bệnh nhân tâm thần, tắm rửa cho họ và làm vệ sinh phòng ốc.
- Tỉnh dòng của các chị FMM cũng cùng một hoàn cảnh như chúng tôi. Với những số liệu xấp xỉ ngang nhau về: các cộng đoàn, thành viên và những ứng sinh mới. Các chị em dấn thân phục vụ người khuyết tật, đau ốm, người dân tộc thiểu số; tham gia công tác giáo dục trẻ em (nhà trẻ và các lớp mẫu giáo) cũng như công tác mục vụ giáo xứ. 14 chị em đang thực hiện công tác truyền giáo tại một số nước Châu Á, Châu Phi và Châu Âu.
- Các chị em Clara, một cách thầm lặng nhưng hiệu quả, đang thực hiện việc huấn luyện các ứng sinh với hy vọng sớm có đủ số nữ đan sĩ khấn trọng để đưa nhà con trở thành một đan viện thực thụ.
- Dòng Phan sinh tại thế (gồm 5.500 thành viên) và Giới trẻ Phan sinh (4.400 thành viên) vẫn đang phát triển đều đặn tại miền Nam và khá mạnh mẽ ở miền Bắc, góp phần đáng kể trong việc nâng cao sức sống của đoàn sủng Phan sinh tại một trong bốn quốc gia xã hội chủ nghĩa cuối cùng trên thế giới.

Thay lời kết

Sau những năm tháng sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bị hạn chế, nay gia đình Phan sinh Việt Nam – cũng như các Dòng tu khác -- đang từng bước “mở rộng lều”. Tuy nhiên, nếu quả thật Giáo Hội “thực hiện cuộc lữ hành giữa những cơn bách hại do thế gian gây ra và trong niềm an ủi do Thiên Chúa ban tặng” (x. Thánh Âu tinh, Châu thành của Thiên Chúa, XVIII, 51, 2, trích dẫn trong GH số 8d), điều đã thực sự xảy ra trong cả hai giai đoạn hiện diện của anh em Phan sinh trên đất Việt như vừa trình bày trên đây, thì chúng tôi tin, nghĩa là thấy bằng cách nhìn trong ánh sáng đức tin rằng: một liều lượng bách hại và nghèo khó nào đó phải được kể như ân huệ do Thiên Chúa gửi đến nhằm mưu ích cho chính Giáo Hội (x. hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 44), trước tiên vì hoàn cảnh đó tạo sự tỉnh táo cho Dân Chúa để cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ…(x. Mc 14,38) – mà cám dỗ thì luôn đa dạng và mãnh liệt: giàu có, hưởng thụ, danh vọng, quyền lực…,v.v….; và tỉnh táo để dấn thân xây dựng những giá trị Phúc Âm cơ bản, như Công lý, Hoà bình, tôn trọng Sự thật và Nhân phẩm...; còn đối với anh em Phan sinh, ân huệ ấy tạo nên thứ đất mùn màu nâu được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận dấu ấn đặc thù của đoàn sủng Phan sinh là sống thân phận lữ hành trong tinh thần hèn mọn. Dường như đó là con đường thánh Phanxicô đã chọn – mà trước ngài, chính Chúa Kitô cũng đã chọn -- để làm máng chuyển phúc lành và niềm an ủi của Thiên Chúa, Chúa tể của Lịch sử, đến cho Giáo Hội và thế giới.

Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm
Học Viện Phanxicô Thủ Đức ngày 09-09-2009

(Bài này chủ yếu dựa trên bộ sách gồm 3 tập của LM Antôn-Maria TRẦN PHỔ, ofm, Tỉnh Dòng Anh em hèn mọn Việt Nam, lược khảo lịch sử. Sàigòn 1996. Lưu hành nội bộ).


Về Đầu Trang Go down
 
Dấu ấn hèn mọn (2)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: PHAN SINH TẠI THẾ :: LỊCH SỬ-
Chuyển đến