Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmBài Thường Huấn số 1-2012 Th_thong-tin-1Bài Thường Huấn số 1-2012 Th_gioi-tre-1Bài Thường Huấn số 1-2012 Th_chia-se-1Bài Thường Huấn số 1-2012 Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Bài Thường Huấn số 1-2012

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Bài Thường Huấn số 1-2012 Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài Thường Huấn số 1-2012   Bài Thường Huấn số 1-2012 EmptyWed Apr 18, 2012 3:05 am

BÀI THƯỜNG HUẤN 01 – 2012
ĐƯỢC PHÚC ÂM HÓA ĐỂ RA ĐI PHÚC ÂM HÓA

(Fr. Fernando Ventura OFMCap – ts. Giuse ofm chuyển ngữ)

Nhóm Thường Huấn Ban Chấp Hành PSTT/QT biên soạn
Ewald Kreuzer OFS, Điều phối viên
Fr. Amando Trujillo Cano, TOR
Doug Clorey, OFS
GIỚI THIỆU


Tổng Tu nghị Dòng PSTT lần thứ XIII đã được tổ chức từ ngày 22 – 29.10.2011 tại Sao Paolo, Bra-xin. Trong Tu nghị này, anh chị em PSTT đến từ khắp nơi trên thế giới đã suy tư chủ đề “Được Phúc âm hóa để ra đi Phúc âm hóa”. Thuyết trình viên chính là Anh Fernando Ventura OFMCap, một người thuyết trình đầy tài năng, đã thách các anh chị Đại biểu sống ơn gọi và đảm nhận các trách nhiệm của mình trong Giáo hội và trong Gia đình Phan sinh.

NGƯỜI TRÌNH BÀY

Fernando Ventura là một anh em Phan sinh nhánh Capucino, sinh năm 1959. Anh là một nhà thần học và học giả về Kinh Thánh, anh dạy môn Nghiên cứu về các Tôn giáo tại Học viện cao cấp Ciências Religiosas de Aveiro (ISCRA) ở Bồ-đào-nha. Anh đã làm thông dịch viên cho Ủy ban Thần học Quốc tế của Tòa Thánh và đang cộng tác với nhiều tổ chức quốc tế khác, với Dòng OFMCap của anh, với Dòng PSTT và Liên hiệp Kinh Thánh Thế giới. Anh cộng tác với tạp chí “Bible” (Kinh Thánh), và đóng góp nhiều bài viết rất sâu sắc về thần học. Anh là tác giả của công trình đầu tiên nghiên cứu về Đức Maria trong thế giới Hồi giáo. Một trong những cuốn sách của anh là cuốn "Roteiro de Leitura da Biblia" (Hướng dẫn đọc Kinh Thánh). Trong công việc của mình, anh chu du khắp thế giới với tư cách là một thông dịch viên trực tiếp trong các cuộc tĩnh tâm, các buổi hội nghị v.v… Anh Fernando luôn là một người bạn tốt của Dòng PSTT và anh đã làm việc trong tư cách là một nhà phiên dịch trực tiếp của Ban Chấp Hành Dòng PSTT Quốc tế và cho tất cả các Tổng Tu nghị Dòng PSTT kể từ năm 1987. Mới đây, anh đã viết một cuốn sách có tựa “Từ cái tôi cô đơn đến cái chúng ta liên đới” (From my being solitary, to us being in solidarity).

BỐI CẢNH

Từ tháng Giêng tới tháng Sáu năm 2012, chúng tôi sẽ có 6 bài học tập, giới thiệu tài liệu anh Fernando trình bày cho Tổng Tu nghị 2012. Các bài học đó sẽ hình thành cơ sở cho Chương trình Thường Huấn của 6 tháng đầu năm 2012. Sau đây là phần tóm tắt các đề tài sẽ được trình bày trong 6 bài:

1. Phúc âm hóa là gì:
Bài này sẽ trình bày một số yếu tố căn bản của công cuộc Phúc âm hóa và của niềm tin Kitô giáo trong bối cảnh nền văn hóa đương đại.
2. Thời Em-mau
Tác giả giải thích lý do tại sao đây lại là thời gian để quay trở về Em-mau và tái khám phá hai người môn đệ trên đường đi Em-mau, và suy nghĩ về kinh nghiệm hai môn đệ khi bỏ trung tâm là đức tin và đức cậy mà đi ra vùng ngoại biên, đi tới sự thất vọng.
3. Chúa theo đạo nào?
Bài này bắt đầu bằng cách đặt ra một số câu hỏi có tính khiêu khích như: Chúa theo đạo nào? Những người Công giáo nghĩ Chúa theo đạo Công giáo; những người Tin Lành nghĩ Chúa theo đạo Tin Lành, những người Hồi giáo nghĩ Chúa theo Hồi giáo; những người Do Thái nghĩ Chúa theo Do Thái giáo. Bởi vậy, chúng ta chém giết nhau qua hàng thế kỷ.
4. Biến cố Xuất hành – chìa khóa để đọc Kinh Thánh
Câu chuyện Xuất Hành trở thành chìa khóa quan trọng để tái khám phá Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo ra ký ức lịch sử. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần mở đầu của sách Xuất Hành. Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác, của Gia-cóp, của Đức Giêsu Kitô, không phải là một Thiên Chúa xa tít trên trời, nhưng là một Thiên Chúa ở đây và lúc này.
5+6. Các Mối Phúc thật: bản văn nguy hiểm nhất trong toàn bộ các Sách Thánh.
Cuối cùng, chúng ta sẽ suy tư bản văn nguy hiểm nhất trong toàn bộ Sách Thánh và là bản văn cách mạng nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Anh Fernando trình bày bản hiến chương của Kitô giáo, bản văn giải thích lý do tại sao chúng ta đang ở đây, bản văn trong đó chúng ta khám phá ra được sứ vụ chúng ta, mà nếu không có bản văn đó, chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra được ý nghĩa cuộc sống chúng ta.
Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi hy vọng anh chị em sẽ đọc và nghiên cứu bài trình bày của Anh Fernando, và dùng thời gian để thảo luận bài trình bày này với các anh chị em trong huynh đệ đoàn.

PHÚC ÂM HÓA LÀ GÌ?

Anh Fernando đã bắt đầu bài trình bày của anh về chủ đề chính trong Tổng Tu nghị Dòng PSTT, bằng cách đưa ra cho các Đại biểu một số câu hỏi mang tính thăm dò. Các Đại biểu đã mau chóng ý thức được rằng: bài trình bày của anh là một “cảm nghiệm cá nhân” hơn là một bài thuyết trình mang tính học thuật. Thật vậy, những lời anh nói thúc đẩy người nghe phải suy nghĩ, khi đề cập tới một số yếu tố căn bản của việc Phúc âm hóa và của niềm tin Kitô giáo trong bối cảnh nền văn hóa đương đại. Anh thách thức hết thảy anh chị em PSTT hãy xem xét kỹ những điều hàm chứa trong ngôn từ và cảm nghĩ.

Ngôn từ và cảm nghĩ

Chúng ta có can đảm nói với người bên cạnh chúng ta là “tôi yêu bạn” không? Nói không đùa giỡn và nhìn thẳng vào mắt họ ... Chúng ta có thể nói câu ấy với người đang đứng sát bên cạnh chúng ta lúc này không? Việc này không dễ, đúng không? Có thực là chúng ta không sợ lời nói? Phải chăng các ngôn từ đã bị bức tử? Phải chăng chúng ta đã giết chết các cảm nghĩ? Những lời nói kiểu đó đang làm chúng ta sợ hãi! Đàng khác, khi nói với một ai đó “tôi yêu bạn” có nghĩa là bạn nói rằng: anh/chị ấy là người “tôi cần phải yêu thương để được hạnh phúc”. Ngôn từ có thể đưa chúng ta đến mức ấy. Nhưng câu nói “tôi yêu bạn” còn có thể có nghĩa khác. Khi nói “tôi yêu bạn”, ta có thể đang nói với ai đó: “tôi không thể nào cảm thấy hạnh phúc nếu không có bạn”. Bạn có thấy sự khác biệt không? Nói “tôi cần có bạn để được hạnh phúc” là một chuyện. Nhưng nói “tôi không thể nào sống hạnh phúc nếu không có bạn” lại là một chuyện hoàn toàn khác. Câu sau này có tiềm năng hủy hoại chúng ta. Nó buộc chúng ta phải ra khỏi cái tôi hợm hĩnh; ra khỏi cái thói ngông cuồng cho rằng mình là trung tâm của thế giới.
Nếu chúng ta hiểu Phúc âm hóa là gì, chúng ta sẽ hiểu được mọi sự ...
Thưa các anh các chị, Phúc âm hóa là như thế đó. Nếu chúng ta hiểu được điều ấy, chúng ta mới có thể hiểu được mọi thứ chúng ta đang làm ở đây. Nếu chúng ta không hiểu được điều ấy, chúng ta sẽ tiếp tục là những đứa con bất hạnh nhất của loài người ... những người đang sống mối tương quan phu thê với Thiên Chúa, nhưng tách biệt khỏi cuộc đời ... những người đang sống đời vợ chồng với Thiên Chúa vì chẳng có ma nào chịu kết hôn với họ ... những lão độc thân và những gái già của lịch sử ... những con người cay đắng ... những con người chỉ biết sống trong tương quan quyền lực. Và như thế là chúng ta làm hỏng hết mọi sự. Chúng ta đang sống trong các huynh đệ đoàn ... trong các tu viện ... và trong các đan viện ... và ở mọi cấp chúng ta đang sống dưới sự áp bức của những người chỉ hiểu việc phục vụ như là thi hành quyền bính. Tương quan với tha nhân, họ chỉ thấy đó là cơ hội để đề cao bản thân. Những người như thế, chẳng có ai nâng đỡ họ. Chúng ta đã quá mệt mỏi vì những lão độc thân và gái già của lịch sử. Chúng ta đã quá mệt mỏi vì những con người lịch thiệp. Đây không phải là thời của thông cảm. Đây là thời của đồng cảm, thấu cảm. Người lịch thiệp nhiều lắm sẽ mỉm cười với bạn. (Tôi luôn nhớ câu Khổng Tử nói: “hãy coi chừng, đàng sau cái miệng cười là những cái răng”).

Đây là lúc ...

Đây là lúc phải đi xa hơn. Đây là lúc phải xoay lại bàn ghế (hoặc như người Tây-ban-nha nói : lật lại món trứng chiên). Đây là lúc phải nhìn nhận rằng chúng ta không có quyền nói chúng ta có một tôn giáo, vì đây là lúc phải hiểu rằng tôn giáo gọi là của chúng ta thực ra là tôn giáo chiếm hữu chúng ta. Không thể nào chịu nổi những người cho mình có tôn giáo. Những người sống đầy một bụng Thiên Chúa và nói ra toàn là Chúa, không là gì khác hơn là những cơn gió thoảng mang tính huyền bí, chẳng đụng chạm tới cuộc sống của ai. Nghe rồi chúng ta vẫn tiếp tục đi theo những tín hiệu sai lầm. Chúng ta vẫn tiếp tục đối xử tồi tệ với nhau. Tôi xin anh chị em, những người PSTT thuộc thế giới thứ nhứt, thứ hai, thứ ba và thứ tư hãy thử giải thích cho các giám mục ở đất nước anh chị em, các linh mục ở đất nước anh chị em, các anh em tu sĩ ở đất nước anh chị em và các nữ tu ở đất nước anh chị em về chuyện chiếc áo dòng không thể nào lại là một biểu hiệu của quyền lực xem thế nào. Thử giải thích rằng điều quan trọng nhất là đời sống cộng đồng và chiếc áo dòng trước tiên là một lối sống. Và tại nhiều nơi trên thế giới, chúng ta đang chứng kiến một giáo hội sắp xếp tử trên xuống dưới dựa trên quyền lực, một giáo hội đang hổng chân đứng, vì không còn sống phục vụ ... vì không còn là một dấu chỉ. Giáo hội đó đã bán mình cho quyền lực chính trị. Tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, giáo hội đã bán mình cho quyền lực có thể ban phát tiền bạc. Tôi đã tận mắt nhìn thấy điều đó ở mọi lục địa.

Các anh chị cần quyết định

Các anh chị cần quyết định trở nên một dấu gây mâu thuẫn. Nhiệm vụ của anh chị em là mang cuộc cách mạng Phan sinh trở lại thế giới. Thánh Phanxicô trở lại và đi tìm Giáo hội nơi vùng ngoại thành Átxidi với những người phung cùi, (khi) Giáo hội của ngài đang lún sâu trong quyền lực, khi Giáo hội của ngài đang đi giữa mây mù quyền lực. Và tại nhiều nơi, những người nam người nữ có đạo thích đi ngủ với các vị ông bà chúa nắm giữ quyền lực. Còn những người nghèo và những kẻ phung cùi vẫn mãi sống lẻ loi.

Cuộc mạo hiểm đã bắt đầu ...

Và vì thế cuộc mạo hiểm đã bắt đầu, cuộc mạo hiểm của vị Thiên Chúa một ngày kia đã quyết định tạo nên thế giới. Kinh Thánh được sinh ra từ ngôi làng đã cố gắng đáp trả lại sáng kiến này của Thiên Chúa. Hơn một cuốn sách, Kinh Thánh là cả một thư viện. Hơn cả một thư viện, Kinh Thánh là một cuộc sống bao gồm tất cả những gì làm nên cuộc sống – mộng ước, đau khổ, hy vọng và vui sướng – tất cả những điều có trong kinh nghiệm sống của chúng ta. Đó là tất cả những thứ chúng ta định sử dụng để lấp đầy những lỗ hổng trong cuộc sống của chúng ta. Và từ sách Khởi nguyên tới sách Khải huyền đều như thế. Nhưng đâu là sợi chỉ xuyên suốt? Điều gì mang lại ý nghĩa cho công trình của bộ Kinh Thánh? Điều gì mang lại ý nghĩa cho toàn bộ cuộc mạo hiểm trong đó Thiên Chúa thông truyền và kết thân với con người, và con người với Thiên Chúa? Theo các anh chị, đâu là từ then chốt trong Kinh Thánh? Đó là GIAO ƯỚC (nghĩa là hôn ước hoặc hiệp ước). Đó là điều Phanxicô – người duy nhất, cho tới bây giờ - đã có thể hiểu được.

Khát vọng của tất cả chúng ta

Và chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh tới một sai lầm. Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh đến cái gọi là tội gốc trong chúng ta. Tôi không nói tới thứ tội gọi là original sin , bởi vì có quá nhiều người đã phạm tội trong quá nhiều năm tháng, nên rất khó mà có tội nào có thể gọi là độc đáo. Tôi đang nói tới cái nguồn làm phát sinh ra tội, thứ tội nằm ở nguồn cội. Gốc rễ của tội đó nằm ở chỗ mong muốn vươn lên bằng Thiên Chúa ... ước muốn trở nên Thiên Chúa ... ước muốn kiểm soát được sự hiểu biết cái thiện cái ác ... ước muốn mà tất cả chúng ta đều có là làm chủ được sự sống và sự chết ... ước muốn thâm nhập vào được thế giới của Thiên Chúa, chạm tới thế giới của Thiên Chúa. Và chúng ta không nhận ra rằng chỉ có thể có một KHỞI NGUYÊN; chỉ có thể có một giấc mơ Khởi nguyên, vì chỉ có một Tận Cùng, vì chỉ có một chương 21 trong sách Khải huyền ... chương nói về thế giới từ nơi Thiên Chúa mà đến, đó là Giêrusalem mới đến thay thế cho thế giới loài người.
Vì trong cuộc thảo luận này, trong chủ đề hoán cải này, tất cả chúng ta đều đang chiến đấu và đang đập đầu vào tường để xem có thể thực hiện việc hoán cải hay không. Chúng ta không nhận ra rằng điều Thánh Phanxicô mang lại là điều hết sức mới mẻ. Thánh Phanxicô là người đầu tiên và duy nhất hiểu ra rằng: nếu một người nào đó quay trở lại với anh chị em mình, thì chính là Thiên Chúa đang quay trở lại với chúng ta. Đây là lúc phải đảo ngược lại mọi sự (phải lật món trứng chiên sắp cháy một bên ).

Giáng sinh – thời khắc vĩ đại nhất trong lịch sử

Thánh Phanxicô là người duy nhất đã thấu hiểu được việc Thiên Chúa quay trở lại với lịch sử. Chính vì thế, ngài đã nhận thức được (tầm quan trọng của) lễ Giáng sinh, và cũng chính vì thế, đối với Phanxicô, Giáng sinh là thời khắc vĩ đại nhất. Lúc ấy, Thiên Chúa chạm tới lịch sử. Lúc ấy, Thiên Chúa trở nên một người trong chúng ta. Lúc ấy, Thiên Chúa quay trở về với chúng ta. Lúc ấy, chúng ta dứt khoát cử hành giao ước (hôn ước/khế ước). Và lúc này đây, chúng ta phải quay trở về với Đấng Em-ma-nu-el, vì lúc này không những là thời của những ngôn từ bị bức tử, mà còn là thời của những người đã đánh mất những tình cảm trìu mến, những người không còn cảm xúc .

Câu hỏi gợi ý suy nghĩ và thảo luận trong huynh đệ đoàn

1. Tại sao việc hiểu cho đúng ý nghĩa của phúc âm hóa lại quan trọng đối với anh chị em PSTT chúng ta?
2. Giao ước, “từ then chốt” trong Kinh Thánh có ý nghĩa gì đối với anh chị em?
3. Tại sao, đối với Thánh Phanxicô, Giáng sinh lại là thời khắc vĩ đại nhất trong lịch sử?

CHIA SẺ

1. Theo ACE, đâu là ý nghĩa của Phúc âm hóa?
 Phúc âm hóa là loan báo: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 16). Tự ban đầu, vì thương yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và ban cho họ được ơn làm con cái Thiên Chúa, được sống trong hạnh phúc; nhưng con người đã nghe lời satan xúi giục phạm tội phản nghịch lại Thiên Chúa và phải sống trong đau khổ và sự chết (câu chuyện vườn địa đàng). Thế rồi cũng vì yêu thương, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trầm luân đời đời, nhưng hứa ban Đấng Cứu Thế. Theo dòng lịch sử, Ngài lại ký kết những giao ước với Dân Chúa qua các tổ phụ và sai phái nhiều ngôn sứ đến để cảnh tỉnh con người quay về lại với Ngài. Nhưng rủi thay, tự sức con người vẫn không thể gượng đứng dậy được và nhiều lần giao ước bị đổ vỡ. Cho tới thời cuối cùng, Thiên Chúa đã sai phái chính Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến (mầu nhiệm Nhập Thể) để thiết lập Giao ước mới trong máu Người (mầu nhiệm Vượt Qua) tha tội và cứu chuộc loài người. Ai tin vào Chúa Kitô sẽ được sống đời đời. Các Kitô hữu tin và làm chứng cho niềm tin đó, làm chứng Thiên Chúa là tình yêu, bằng cách tuân giữ Lời Chúa, nhất là giới luật yêu thương.
 Phúc âm hóa là sống yêu thương và phục vụ anh chị em như Thiên Chúa yêu thương và phục vụ con người. Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã trao ban trọn vẹn chính Ngài cho chúng ta.
 Yêu thương thực sự không chỉ là nói với người bên cạnh “tôi cần có bạn để được hạnh phúc”, mà còn là thú nhận “tôi không thể nào sống hạnh phúc nếu không có bạn”. Bạn cần thiết cho tôi hơn là tôi cần cho bạn. Chỉ khi nào bạn hạnh phúc, tôi mới cảm nghiệm được hạnh phúc của tôi. Hạnh phúc của tôi tùy thuộc vào hạnh phúc của bạn. Tôi sống nhờ bạn hơn là bạn sống nhờ tôi. Trước mặt bạn, tôi chỉ là một con số zêrô, tôi chẳng là gì.
2. Thiên Chúa yêu thương như thế nào?
 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16);
 “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1. 14);
 “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13);
 “Anh em là bạn hữu của Thầy ... Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa ... Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu ...” (Ga 15, 14-15);
 “Tôi chính là Mục tử nhân lành, Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11);
 “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28); ...
3. Theo ACE, đâu là kinh nghiệm của Thánh Phanxicô?
 “Chúa đã ban cho tôi, tu sĩ Phanxicô, ơn bắt đầu cuộc đời hoán cải như thế này: khi còn sống trong tội lỗi, mỗi lần trông thấy người phung, tôi lấy làm ghê tởm lắm. Nhưng chính Chúa đã dẫn tôi đến với họ và tôi đã tỏ lòng thương xót họ. Khi xa cách họ, điều trước kia đối với tôi là ghê tởm đã trở thành ngọt ngào cho tôi trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác ...” (Di Chúc 1-3). Cho tới lúc này, Phanxicô mới ngộ ra rằng: từ bấy lâu nay ngài chỉ yêu bản thân hơn là yêu Chúa, hơn là yêu anh chị em.
 “Sau khi Chúa đã ban cho tôi một số anh em, không ai chỉ bảo cho tôi phải làm gì, nhưng chính Đấng tối cao đã mạc khải cho tôi biết phải sống theo mẫu mực thánh Phúc âm” (DC 14). Đối với Phanxicô, Chúa Kitô chính là PÂ và sống PÂ là bắt chước đời sống Chúa Kitô.
 “Tôi ao ước diễn lại kỷ niệm về hài nhi sinh ra ở Bêlem và lấy đôi mắt trần của tôi nhìn xem đến mức tối đa các nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ, cảnh em bé nằm trong máng cỏ, ngủ trên cỏ khô, giữa một con bò và một con lừa” (1Cêl 84). Phanxicô không sống lãng mạn, mộng mơ; nhưng rất thực tế và muốn để cho tình yêu Thiên Chúa lại được tiếp tục lên tiếng trong ngài và với mọi người trong thời đại của ngài.
4. Giáng sinh là thời khắc vĩ đại nhất?
 Đây là lúc Thiên Chúa quay trở về với chúng ta; và chúng ta phải quay trở về với Thiên Chúa.
 Thánh Phanxicô là người đầu tiên và duy nhất hiểu ra rằng: nếu một người nào đó quay trở lại với anh chị em mình, thì chính là Thiên Chúa đang quay trở lại với chúng ta.
5. Nhiệm vụ của anh chị em PSTT: Nhiệm vụ của anh chị em là mang cuộc cách mạng Phan sinh trở lại thế giới, bằng cách:
 “... anh chị em hãy suy nghĩ và hành động giống như Chúa Kitô suy nghĩ và hành động, nhờ một sự thay đổi nội tâm triệt để và hoàn hảo mà Phúc âm gọi là ‘hoán cải’ ...” (L PSTT 7).
 “Như Chúa Cha nhìn thấy nơi bất cứ ai những nét của Con của Người, ... cũng vậy, ACE PSTT với tinh thần khiêm tốn và nhân ái hãy đón nhận mọi người như ân huệ của Chúa và như hình ảnh của Đức Kitô. ... nhất là với những người hèn mọn hơn cả, là những người ACE tìm cách tạo điều kiện sống xứng hợp ... ” (L PSTT 13).
 “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu mến người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).


Về Đầu Trang Go down
 
Bài Thường Huấn số 1-2012
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Thường huấn số 8 - 2012
» Bài Thường huấn số 6 - 2012
» Bài Thường huấn số 7 - 2012
» Bài Thường Huấn số 3-2012
» Bài Thường Huấn số 2-2012

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: CHIA SẺ :: HUẤN LUYỆN-
Chuyển đến