Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmBài Thường huấn số 5-2012 Th_thong-tin-1Bài Thường huấn số 5-2012 Th_gioi-tre-1Bài Thường huấn số 5-2012 Th_chia-se-1Bài Thường huấn số 5-2012 Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Bài Thường huấn số 5-2012

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Bài Thường huấn số 5-2012 Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài Thường huấn số 5-2012   Bài Thường huấn số 5-2012 EmptyWed May 23, 2012 1:28 am

Thường Huấn số 5 – 2012

CÁC MỐI PHÚC THẬT (PHẦN I)
BẢN VĂN NGUY HIỂM VÀ CÁCH MẠNG NHẤT
TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

(Fr. Fernando Ventura OFMCap – ts Giuse OFM chuyển ngữ)
Bài Thường huấn số 5-2012 Formation5-2012b
Trong các bài Thường huấn tháng 5 và tháng 6, chúng ta sẽ suy nghĩ về bản văn nguy hiểm và mang tính cách mạng nhất trong lịch sử nhân loại. Trong phần trình bày của mình, Anh Fernando giới thiệu bản “Hiến Chương”của Kitô giáo, bản văn giải thích lý do tại sao chúng ta lại có mặt ở đây, bản văn trong đó chúng ta có thể khám phá sứ vụ của chúng ta và nếu không có bản văn đó, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Điều đáng tiếc là chúng ta đã có thể biến bản văn chép các mối phúc thật thành một lời khuyên đạo đức, nhắc nhủ người ta cam chịu ... một thứ thuốc gây mê ... làm cho cá nhân mất đi khả năng hành động. Con người không còn cá tính và mọi sự đều được cho là do ý Thiên Chúa muốn: tình trạng những nhu cầu thiết thân về tình cảm và vật chất không được đáp ứng, – và ngay cả tình trạng phẩm giá con người không được nhìn nhận, tất cả đều được cho là do ý Chúa muốn. Cá nhân bị bỏ mặc tại cửa “âm ti”, trông chờ một sự giải thoát không bao đến và điều này dẫn tới tội “dời niềm hy vọng lại đến đời sau”.

Mối nguy của thái độ cam chịu

Anh chị đang chịu đau khổ ư? Quyền lợi của anh chị đang bị xâm phạm chăng? Anh chị đang đói ư? Anh chị có được cái tối thiểu để sống đúng nhân phẩm không? Anh chị đang cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi ư?

Vậy, anh chị hãy gắng kiên nhẫn chịu đựng, vì đó là ý Thiên Chúa muốn ... đời sau anh chị sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu (!)

Việc dời lại niềm hy vọng, để người ta chờ đến mai sau là một việc làm có tội, là thuốc phiện, là triệu chứng loạn thần kinh, là việc làm ngớ ngẩn. Và bất hạnh thay thái độ ấy vẫn còn rất phổ biến trong lối nói của một số “vị trí thức đạo đức trong giới chúng ta”. Những điều quái gở ấy tuy không nói ra minh bạch nhưng vẫn ở trong tâm trí. Chúng tạo nên một nếp nghĩ và một lối tư duy thúc đẩy người ta thực hành một hình thức bác ái sai lệch, không bao giờ dẫn tới sự liên đới mang tính cách mạng, mà đấy mới là điều thời đại chúng ta đang cần.

“Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó ...” (Mt 5, 3)
Vì đây là quyển đầu tiên trong bộ Tin Mừng, chúng ta hãy bắt đầu công việc tìm hiểu bằng sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Trước hết, phải nói: dẫu chúng ta có nói một ngôn ngữ nước ngoài lưu loát thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng không thể ngừng suy nghĩ theo ngôn ngữ chúng ta. Đó chính là điều xảy ra đối với Mát-thêu. Tác giả viết các bản văn của ngài bằng tiếng Hy-lạp, nhưng tiếng mẹ đẻ của ngài lại là tiếng A-ram hoặc tiếng Do thái. Khi viết câu then chốt của toàn bộ bản văn về các mối phúc thật: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”, chìa khóa thứ nhất để mở cánh cửa chính dẫn vào ý nghĩa hàm ẩn trong Kinh Thánh, thánh Mát-thêu cảm thấy rằng ngôn ngữ Hy-lạp không thể diễn đạt chính xác ý niệm ngài đang cố gắng thông truyền.

Khó khăn về mặt ngôn ngữ: thế nào là “nghèo”?

Thật vậy, tất cả vấn đề xoay quanh hạn từ “nghèo”. Đó thực sự là chìa khóa để đọc và hiểu toàn bộ bản văn. Trong tiếng mẹ đẻ của ngài, thánh Mát-thêu có tới 2 từ để nói về 2 loại người nghèo khác nhau. Từ Dalim và từ Anawim (1) được dùng để nói về 2 loại người khác nhau, phân biệt không chỉ dựa trên tình trạng xã hội của họ, nhưng trên hết, dựa trên thái độ của họ trước cuộc sống.

Tiếng Hy-lạp, tương tự như đa số các ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng ngày nay, không có nhiều từ để mô tả “người nghèo” và các từ có sẵn luôn mô tả người nghèo là những người đang thiếu cái tối thiểu để sống cho xứng đáng. Chúng ta lấy tiếng Bồ-đào-nha làm thí dụ: “người nghèo”, “người thiếu thốn”, “người cơ cực”, “người vô gia cư”, “người ăn mày”, vv…, tất cả các từ đó đều mô tả một hạng người mà nhìn khách quan, chúng ta không thể nói rằng họ đang sống “hạnh phúc”, lại càng không thể nói: họ đang ở trong hoàn cảnh như thế bởi vì đó là ý Chúa muốn và họ sẽ được hạnh phúc tràn trề trong cuộc sống vĩnh cửu ...

Với kiểu suy nghĩ như thế, có thể là chúng ta đang tiến hành một thứ “chủ nghĩa khủng bố tôn giáo” và đang góp thêm lý lẽ cho Marx và Freud khi họ chủ trương rằng tôn giáo được sử dụng để xúc phạm tới Thiên Chúa và người nghèo, qua việc phạm thứ tội “dời niềm hy vọng đến đời sau”. Chúng ta không thể nào lại trở thành những kẻ đẩy người ta đến chỗ vô vọng. Chúng ta không thể nhân danh Thiên Chúa để xúc phạm tới người nghèo. Chúng ta lại càng không thể làm như thế trong khi chúng ta sống trong cảnh dư dật, nhưng lại mô tả cảnh khốn cùng của người khác như là do ý Chúa định và coi đó như là một điều kiện tuyệt đối cần thiết để có được hạnh phúc vĩnh cửu trong tương lai. Nói như thế là lăng mạ. Nói như thế là chủ nghĩa khủng bố. Nhưng bất hạnh thay, điều ấy vẫn đang xảy ra ...

Khi nào thì vĩnh cửu bắt đầu?

Một trong những chứng bệnh gây tác hại lớn lao cho cách suy nghĩ của chúng ta là việc ít nhiều chúng ta đều tin rằng: vĩnh cửu bắt đầu vào lúc chúng ta chết. Lại một sai lầm cả thể khác nữa! Sự thật là vĩnh cửu đã bắt đầu vào lúc chúng ta được thụ thai. Vậy nếu sự việc là như thế, thì thời gian, không gian và trái đất nơi chúng ta đang sống đã thấm nhuần vĩnh cửu rồi. Nếu sự việc là như thế, thì chúng ta đang trải nghiệm vĩnh cửu rồi và giờ chết trở thành đỉnh cao cuộc đời. Nếu sự việc là như thế, thì lúc chết sẽ là thời khắc quyết định cuộc hội ngộ với Thiên Chúa ... lúc chết sẽ là lúc sống lại! Tôi tin rằng, cho tới nay, Thánh Phanxicô Átxidi là người duy nhất có khả năng thấu hiểu một cách hợp lý đến tận cùng tất cả những điều này và do đó, ngài đã có thể gọi sự chết là “chị chết”.

Nơi khởi đầu cuộc cách mạng

Chúng ta hãy quay trở lại với khó khăn về mặt ngôn ngữ mà thánh Mát-thêu gặp phải, khi không tìm ra được từ ngữ trong tiếng Hy-lạp để nói lên điều ngài muốn diễn tả trong ngôn ngữ và văn hóa Do-thái của ngài. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó ... những ai nghèo khó trong tinh thần ... những ai được thần khí thúc đẩy để sống nghèo khó ... những người nghèo được thần khí dẫn dắt hoặc hướng dẫn ... đấy là những cách có thể dùng để dịch cụm từ bằng tiếng Hy lạp mà thánh Mát-thêu buộc phải dùng để bổ nghĩa cho hạn từ “người nghèo”, nhằm bảo toàn phẩm giá cho người nghèo, đồng thời cũng bảo toàn phẩm giá cho cách chúng ta nói và nghĩ về Thiên Chúa, về “bản chất” và “hành động” của Ngài đối với chúng ta, và nhất là hành động của Ngài qua chúng ta. Cuộc cách mạng khởi đầu ở chính chỗ này.

Và cũng chính ở chỗ này mà “bộ mã ẩn” được làm sáng tỏ. Chính bởi vì ẩn quá kỹ, nên cũng được mạnh dạn đưa ra ánh sáng. Đây không phải là bộ mật mã để che giấu những điều không thể nói ra, nhưng là một “bộ mã” chứa đựng những qui định cho người ta biết làm thế nào để đứng về phía Thiên Chúa và đứng về phía tha nhân, hoặc đúng hơn nữa, làm thế nào để đứng về phía Thiên Chúa trong lúc đứng về phía người khác. Ở chỗ này có thể phát sinh thứ chủ nghĩa khủng bố tôn giáo muốn trì hoãn lòng trông cậy, đẩy lùi niềm hy vọng vào đời sau. Cũng từ chỗ này, chúng ta có thể được đưa vào những chiều kích sâu thẳm nhất của hiện hữu và hành động mang tính nhân loại. Ngược lại, còn hơn cả một bản văn nói về “hành động của Thiên Chúa”. Các Mối Phúc Thật là một bản văn nói về đường lối “hành động của Thiên Chúa”, nhưng đồng thời cũng là Bản Luật Cơ Bản qui định hoạt động của con người dưới ánh sáng của TC, một Bản Hiến Chương mà tất cả những ai đã dám theo con đường của Đức Giêsu Kitô đứng về phía Thiên Chúa và tha nhân đều phải tuân theo. Đấy là những người, gồm cả nam lẫn nữ, dám đứng về phía Thiên Chúatha nhân. Ý tưởng đó đang được nhắc lại ... và may ra một ngày nào đó, nó sẽ thấm.

Bộ mã để đọc Kinh Thánh

Từ chỗ này, chúng ta có thể bắt đầu đọc bản văn và cuộc sống chúng ta mà không sợ hãi hoặc bị cản trở. Chính tại chỗ này, chúng ta mới thực sự tìm ra được một bộ mã để đọc Kinh Thánh. Đây không phải là bộ mã bí mật, được giấu kín trong những kệ sách thâm sâu của vĩnh cửu, rồi để cho mốc meo hủy hoại, nhưng đây là một thách đố gây hoang mang và xáo trộn, khiến tôi phải đi ra khỏi chính mình, bứng tôi ra khỏi những nơi chốn tiện nghi và ném tôi vào hoạt động. Điều đó không cho phép tôi sử dụng phấn son để che giấu những nếp nhăn nheo trong niềm tin của tôi, nhưng đẩy tôi ra ngoài trời, khiến tôi có thể bị nắng cháy da. Nhưng đó lại là nơi duy nhất tôi có thể có được một màu da “sạm nắng lâu bền”. Thách đố cuối cùng vẫn là một ... nó thách thức, gây xáo trộn, làm hoang mang, thúc đẩy tôi vượt thắng cho được căn bệnh tâm thần phân liệt đang dẫn chúng ta tới chỗ muốn đứng về phía Thiên Chúa mà lại không muốn đứng về phía tha nhân, sống như những kẻ đã ly dị cuộc sống để kết hôn giả với Thiên Chúa, ... một cuộc hôn nhân với những “nhát đâm” liên tục và càng ngày càng sâu hơn.

Quy chiếu về người nghèo

Từ then chốt, ý niệm trung tâm mang lại ý nghĩa cho toàn bản văn là việc quy chiếu về người nghèo. Nếu tách biệt 2 loại người nghèo cơ bản mà ngôn ngữ Do-thái không cho phép lẫn lộn, chúng ta sẽ gặp được một vị Thiên Chúa không cần tới một dân tộc cùng khốn, rách rưới, nhếch nhác, ngồi chờ một thứ hạnh phúc chắc chắn sẽ đến ở đời sau, nhưng là một vị Thiên Chúa đưa ra cho con người một thách đố không thể trốn tránh. Những người được tuyên bố là có phúc không phải là những người không có được cái tối thiểu để sống cho xứng với nhân phẩm, nhưng là những người nhận ra rằng mọi thứ họ có đều từ Thiên Chúa mà đến và do đó, họ mở lòng ra với những người khác một cách vô điều kiện. Họ là những người đem tất cả “tài sản” mình có, thuộc bất cứ loại nào, để phục vụ những người khác. Nước Trời thuộc về những người như thế, vì chính những người đó được giao cho công việc xây dựng một thế giới ngược với “qui định”, ngược với thái độ “mặc kệ chúng”, ngược với hình ảnh và kiểu nói của Cain. Khi Thiên Chúa hỏi: “Này Cain, ngươi đã làm gì cho em ngươi?”, anh ta đã trả lời: “Con đâu chịu trách nhiệm về em con”. Đã hơn 2.500 năm lịch sử, câu nói đó vẫn còn mang tính thời sự biết là chừng nào!

Sự nghèo khó Thiên Chúa ưa thích

Sự nghèo khó mà Thiên Chúa ưa thích, sự nghèo khó mà Thiên Chúa đưa ra như một thách thức trong các Mối Phúc Thật, không có chút liên hệ gì với tình trạng nghèo túng của những người “không có” của cải vật chất hoặc những thứ vật dụng nào khác. Thách thức sống nghèo Thiên Chúa đề ra, tối thiểu là tất cả chúng ta phải tránh ước muốn hoang tưởng cho rằng chúng ta sở hữu thế giới, chúng ta là trung tâm lịch sử, chúng ta là những kẻ nắm giữ các chân lý tuyệt đối liên quan tới sự sống, sự chết và vĩnh cửu; đó là những thứ của cải đang khiến biết bao người sống với một cái bụng chứa đầy Thiên Chúa, đầy đến mức họ chỉ có thể xả ra ngoài một vài làn hơi thần bí để người khác hưởng nhờ, vì khoảng không gian để cho họ hoán cải đã bị choán hết chỗ và cái bụng của họ đã phình ra tới mức khi bước đi, họ không nhìn thấy sàn nhà... Sự nghèo khó mà Thiên Chúa ưa thích đi theo hướng nghịch lại. Và hết sức cần phải nêu rõ điểm này. Tôi có thể rất giàu khi chỉ có một chiếc xe cà tàng nhưng không sử dụng để phục vụ cho ai, giàu hơn khi tôi có một chiếc xe mới, nhưng đem phục vụ cho hết thảy mọi người và tốt hơn nữa, khi tự mình làm tài xế ...

Chìa khóa để đọc các Mối Phúc Thật

Đây là chìa khóa để đọc các Mối Phúc Thật. Như chúng ta đã nói, đây là một bản văn hết sức nguy hiểm, mang tính cách mạng cao nhất trong lịch sử nhân loại. Không chỉ là một bản văn nói về Thiên Chúa, trước hết, đây là một bản văn trong đó TC nói cho chúng ta. Khó khăn chính là ở chỗ này... chấp nhận rằng Thiên Chúa đang lên tiếng ... hơn nữa, chấp nhận rằng Thiên Chúa đang thôi thúc tôi phải thay đổi, chấp nhận có thể mất tất cả mọi tiện nghi, mọi an toàn, mọi thành kiến, mọi kiểu “thiếu suy nghĩ” của tôi. Làm được tất cả những điều ấy thật là khó. Việc làm ấy sẽ khiến chúng ta bị tổn thương, việc làm ấy sẽ khiến chúng ta liên lụy, việc làm ấy sẽ làm cho cả chuồng gà náo động ở nơi tôi đi qua. Ít nhất con hải âu Jonathan Livingston nhờ đó mà học được niềm vui bay lên cao ... (2).

Nhưng sức mạnh của một tôn giáo được kiểm chứng là chính ở chỗ này. Chính tại chỗ này, người ta có thể lượng giá mức độ dấn thân của một con người qua cách người ấy nhìn đời và hiểu Thiên Chúa. Bản chất đích thực của môt tôn giáo thể hiện ở chỗ này ... một thách đố tìm đến tự do, một “cú đấm vào bao tử” của thói lười biếng khiến tôi không chịu suy nghĩ, vì cho rằng mọi sự đã có người khác nói và suy nghĩ ... và tôi chỉ có việc làm theo những gì tôi vẫn được dạy từ trước đến giờ, vì sự việc là thế và chỉ có vậy thôi. Thực buồn chán! Loại tôn giáo như thế là thuốc phiện và là chứng loạn thần kinh, như Marx và Freud đã nói. Trên phương diện đó, chúng ta cần phải nghe những lời Giáo sư Agostinho da Silva nói: “Tôn giáo không thuộc về tôi; tôi thuộc về tôn giáo. Tôi không có đạo; đạo có tôi”.

Sống đúng với phẩm giá

Giờ đây, chúng ta mới có thể đọc phần còn lại của bản văn mà không sợ hãi. Người nghèo khó và đau khổ sẽ không còn cảm thấy phẩm giá của mình bị xúc phạm và ngay cả những ai không có được điều tối thiểu để sống cho xứng với phẩm giá (tức người nghèo Dalim trong tiếng Do-thái), cuối cùng rồi có thể cảm thấy hạnh phúc. Được hạnh phúc như thế, không phải vì sau khi chết, họ có thể vui hưởng tất cả những gì họ đã bị từ chối khi còn sống, nhưng bởi vì càng ngày họ càng trở nên anawim hơn, tức những người can thiệp vào đời sống của kẻ khác, để làm cho họ có quyền được làm người và được sống. Khi ấy những người dalim, tức những người không có quyền được sống làm người, sẽ không còn tồn tại nữa.

Câu hỏi gợi ý thảo luận trong huynh đệ đoàn

1. Tại sao các Mối Phúc Thật lại là một bản văn nguy hiểm và mang tính cách mạng?
2. Đâu là loại nghèo khó mà Thiên Chúa ưa thích?
3. Đâu là chìa khóa để đọc các Mối Phúc Thật?

Chia sẻ:

1. Tại sao các Mối Phúc Thật lại là một bản văn nguy hiểm và mang tính cách mạng?
- Vì các Mối Phúc Thật không phải là một lời khuyên đạo đức, cổ võ một thái độ sống cam chịu, cho rằng: tất cả mọi sự đều là do ý Chúa muốn, dạy con người cứ kiên nhẫn chịu đựng, thụ động ngồi đó đợi chờ một sự giải thoát sẽ không bao giờ đến và “dời niềm hy vọng lại đến đời sau”.
- Nhưng các Mối Phúc Thật là một bản văn nói về đường lối “hành động của Thiên Chúa”, đồng thời cũng là Bản Luật Cơ Bản qui định hoạt động của con người dưới ánh sáng của Thiên Chúa – Thiên Chúa hành động qua chúng ta. Các Mối Phúc Thật thách đố chúng ta dám đứng về phía Thiên Chúa, cũng phải dám đứng về phía tha nhân; nghĩa là ngay từ hôm nay và ngay tại trần thế này, với ơn Chúa giúp, phải dấn thân sống liên đới và hành động để tránh đẩy người khác đến chỗ vô vọng.
2. Đâu là “người nghèo” được Thiên Chúa chúc phúc?
Những người được tuyên bố là có phúc không phải là những người không có được cái tối thiểu để sống cho xứng với nhân phẩm, nhưng là những người nhận ra rằng mọi thứ họ có đều từ Thiên Chúa mà đến và do đó, họ mở lòng ra với những người khác một cách vô điều kiện. Họ là những người đem tất cả “tài sản” mình có, thuộc bất cứ loại nào, để phục vụ những người khác. Họ biết Thiên Chúa giao cho họ sứ vụ xây dựng một thế giới huynh đệ và ý thức trách nhiệm đối với người khác, họ dám quên mình vì hạnh phúc của anh chị em.
3. Anh Chị và HĐĐ đã làm gì cụ thể để thể hiện tình liên đới với ACE trong HĐĐ và với những người nghèo và bé mọn tại nơi chúng ta đang sống?(x. Mt 25,40; LPSTT 13).
4. Tại nơi chúng ta đang sống, đối với ACE đồng đạo hoặc khác đạo, Anh Chị và HĐĐ có bao giờ làm cho ai cảm thấy thất vọng hoặc bị tổn thương không? (x. THC 19.2). Nếu có, chúng ta sẽ làm gì để sửa sai?



(1). Theo ngữ cảnh, có thể hiểu Dalim là hạng người rách rưới, bần hàn, sống lây lất. Anawim, những người sống trong cảnh nghèo nhưng hướng lòng về Chúa.
(2). Jonathan Livingston Seagull là tên một tác phẩm do Richard Bach sáng tác. Đây là một ngụ ngôn viết theo dạng truyện ngắn, nói về một con hải âu tên là Jonathan Livingston học bay và học ý nghĩa cuộc sống.
Về Đầu Trang Go down
 
Bài Thường huấn số 5-2012
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Thường huấn số 8 - 2012
» Bài Thường huấn số 6 - 2012
» Bài Thường huấn số 7 - 2012
» Bài Thường Huấn số 3-2012
» Bài Thường Huấn số 1-2012

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: CHIA SẺ :: HUẤN LUYỆN-
Chuyển đến