Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmDấu ấn mọn hèn Th_thong-tin-1Dấu ấn mọn hèn Th_gioi-tre-1Dấu ấn mọn hèn Th_chia-se-1Dấu ấn mọn hèn Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Dấu ấn mọn hèn

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Dấu ấn mọn hèn Empty
Bài gửiTiêu đề: Dấu ấn mọn hèn   Dấu ấn mọn hèn EmptySun May 06, 2012 2:17 pm

DẤU ẤN MỌN HÈN
CỦA DÒNG PHAN SINH TRÊN ĐẤT VIỆT

Dấu ấn mọn hèn Assisi-300x217


I. BỐI CẢNH

1. Huynh đệ đoàn Phan sinh, tự ơn gọi và bản chất, là một Hội dòng thừa sai. Ngay sau khi Thánh Phanxicô Assisi (1181-1226), vị sáng lập, vừa qua đời chưa bao lâu, thì đã có nhiều chuyến đi của anh em hèn mọn vươn tới Viễn Đông. Đó là bối cảnh xa của đề tài trình bày trong bài này.
• Năm 1245, Đức Giáo hoàng Innocent IV (1243-1254) sai anh Giovanni di Pian del Carpine và một anh em Phan sinh khác đi theo “con đường tơ lụa”, thực hiện những cuộc tiếp xúc đầu tiên với Quốc vương Mông Cổ tại Karakorum. Chưa đạt thành quả nào về truyền giáo, nhưng anh đã mang về châu Âu nhiều thông tin quý giá do anh phổ biến trong quyển sách “Lịch sử Dân Mông Cổ”.
• Năm 1253, vua thánh Louis IX (1214-1270) của nước Pháp, thuộc Dòng Ba Phan sinh, với tầm nhìn xa và rộng, đã gửi anh Guillaume de Rubruck sang tiếp xúc lần nữa với quốc vương Mông Cổ. Thánh vương Louis nghĩ rằng: nếu đưa được dân tộc hùng mạnh này theo đạo Công giáo, thì đà bành trướng của khối Hồi giáo ở Trung Đông sẽ bị ngăn chặn từ hai phía bởi hai khối Kitô giáoViễn Tây và Viễn Đông. Phái bộ này cũng không đạt thành quả truyền giáo nào, nhưng đã mở ra được những kênh ngoại giao và thương mại giữa Đông, Tây.
• Theo ghi nhận của anh John di Pian del Carpine, dân tộc Mông Cổ có tâm hồn cởi mở với các tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Hồi giáo, và cả giáo phái Can-đê xuất phát từ lạc giáo Nes-to-ri-ô gốc Kitô giáo nữa. Ít lâu sau khi anh Guillaume de Rubruck rời Mông Cổ, đến lượt quốc vương Hốt Tất Liệt (Kubilai Khan) gửi thư, qua trung gian hai anh em thương gia Nicolo và Matteo POLO là cha và chú ruột của nhà thám hiểm lừng danh Marco POLO, sang Roma, yêu cầu ĐGH Grêgôriô X (1271-1276) cử thừa sai Công giáo đến vương quốc của mình. Vào thập niên 1270 quốc vương lại sai một giám mục của giáo phái Can-đê sang Roma với mục đích tương tự. Và Roma đã đáp ứng.
• Năm 1277, thừa lệnh Đức Giáo hoàng Nicholas III (1277-1280), bốn anh em Phan sinh lên đường tới Trung Hoa qua ngả Tây Tạng, nhưng đã bị thất lạc trên đường đi và không trở về được.
• Năm 1289, anh Giovanni di Monte Corvino cùng với một số anh em nữa được Đức Giáo hoàng Nicholas IV (1288-1292) phái đến Trung Hoa, bấy giờ vẫn đang bị đế chế Mông Cổ thống trị. Vào khoảng năm 1305, họ rửa tội cho 6.000 người và xây dựng được một ngôi thánh đường tại Kambalik (tức Bắc Kinh). Năm 1307, Đức Giáo hoàng Clement V đặt anh John di Monte Corvino làm Tổng Giám mục giáo phận Bắc Kinh, một giáo phận vô địch về diện tích trong lịch sử Giáo hội, vì nó bao gồm toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa mênh mông bao la. Vị Tổng giám mục Phan sinh này đã có công phiên dịch sách Tân Ước và sách Thánh Vịnh sang tiếng Mông Cổ.
• Vào năm 1314, anh Odorico di Pordenone (1265-1331) khởi hành nhắm đến Trung Hoa theo đường biển, đã dừng chân tại Bình Định vào khoảng năm 1320 (bấy giờ miền đất này còn thuộc vương quốc Champa, nhưng sau trở thành một phần lãnh thổ của Đại Việt ). Rồi anh đi tiếp sang Hoa lục để cộng tác với Tổng giám mục Bắc Kinh John di Monte Corvino trong vòng ba năm. Sau đó, anh băng qua Tây Tạng và Siberia, trở về Châu Âu để đệ trình bản báo cáo lên Đức Giáo hoàng. Anh đã viết một quyển ký sự nhan đề: “Con đường viễn du.”
• Những thành quả đầy hứa hẹn do các thừa sai Phan sinh gặt hái được tại Tổng giáo phận Bắc Kinh, đã bị phá huỷ hầu hết bởi chế độ Nhà Minh, sau khi những người chủ mới này lật đổ đế chế Mông Cổ vào năm 1368 và cai trị vương quốc Trung Hoa đến năm 1644, với chính sách “bế quan toả cảng” đối với mọi ảnh hưởng ngoại lai. Trong lúc đó, các bộ lạc gốc Thổ nhĩ kỳ tại Trung Á đều quyết định theo Hồi giáo, và như thế họ cắt đứt con đường tơ lụa khiến người châu Âu không thể đến Trung Hoa bằng được bộ nữa. 1

2. Tất cả những sự kiện lịch sử vừa nêu đều có liên quan đặc biệt với Dòng Phan sinh, và đã mở ra một con đường rất cụ thể cho công cuộc truyền giáo tại Viễn Đông, trong đó có Việt Nam. Mà Việt Nam là một đất nước đã từng sống dưới chế độ Bắc thuộc suốt hàng ngàn năm (từ 111 trước Công nguyên đến 939 thuộc Công nguyên, cộng thêm 13 năm Bắc thuộc ác liệt cuối cùng thời Nhà Minh từ 1414 đến 1427). Cuộc đấu tranh dai dẳng dành độc lập đã nắn đúc nên cá tính Việt nam với khả năng tự khẳng định mình, dành quyền tự trị, nhưng đồng thời tự phong phú hoá bằng cách tiếp thu những giá trị tốt đẹp của những thế lực từng là kẻ thù, biến những kẻ đối đầu thành bạn đối thoại và đối tác để cùng tồn tại trong hoà bình. Thái độ cởi mở này được thể hiện rõ nét trong đời sống văn hoá (ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật…), nhất là trong đời sống tôn giáo. Sự đồng hiện hữu lâu đời của ba tôn giáo lớn có nguồn gốc ngoại lai: Khổng, Lão, Phật giáo trên nền chung là tôn giáo dân gian bản địa thờ kính Ông Bà Tổ Tiên, là một bằng chứng hùng hồn. Thái độ cởi mở “bẩm sinh” đó của dân tộc Việt nam có thể được xem như một “sự chuẩn bị xa xa để đón nhận Phúc Âm” (x. GH số16).
Có bốn yếu tố mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình truyền giáo tại Việt Nam mà chúng ta cần phải lưu tâm:
2.1. Bối cảnh gần: Việc giới thiệu Tin Mừng cho dân tộc Việt diễn ra trong bối cảnh chia rẽ nội bộ với những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đẫm máu: 150 năm nội chiến tại Đàng Ngoài giữa triều Lê và nhà Mạc (1527-1677); 166 năm Trịnh-Nguyễn phân tranh, Đàng Ngoài và Đàng Trong bị chia cách bởi dòng Linh Giang tức sông Gianh (1620-1786). Đồng thời với cuộc nội chiến thứ hai này là những cuộc Nam tiến ồ ạt của người Việt. Chúng ta sẽ thấy rằng cộng đồng Công giáo cũng tự phát triển theo hướng nam tiến ấy.
2.2. Công cuộc truyền giáo có phương pháp và hệ thống đầu tiên đã được các thừa sai Dòng Tên triển khai trong khuôn khổ chế độ Bảo trợ của vua Bồ Đào Nha: họ đến Đàng Trong vào năm 1615 và Đàng Ngoài năm 1627. Nhưng sau đó, vào năm 1659, theo quyết định của Toà Thánh, sự ra đời của các Địa phận Đại diện Tông Toà được đặt dưới quyền các giám mục và thừa sai Pháp, đã thay thế chế độ bảo trợ truyền giáo của Bồ đào nha. Các thừa sai khác thuộc một số Dòng tu như Đa minh, Phan sinh, Sylvestrin, Âu tinh, Bácnabit, …sẽ cùng cộng tác với các Đại diện Tông toà trong công việc truyền giáo hoặc được đặt dưới sự chỉ đạo của các ngài 2 . Riêng các thừa sai Đa minh Tây ban nha tại Philippin được các Đại diên Tông toà thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) mời sang hợp tác truyền giáo tại Đông Đàng Ngoài, nên họ đã hoạt động song song với các thừa sai Pháp và cuối cùng được Toà Thánh ký thác cho họ địa phận Đại diện Tông toà Đông Đàng Ngoài, ngang hàng với Hội MEP.
2.3. Quá trình thuộc địa hoá Việt Nam do nước Pháp thực hiện trong giai đoạn 1858-1945 (ngót một thế kỷ) đã làm gia tăng những mâu thuẫn hoặc lẫn lộn giữa truyền giáo với chính trị, tạo ra những hiểu lầm đáng tiếc.
2.4. Và cuối cùng, sự thâu tóm quyền lực chính trị của Đảng Cộng Sản tại miền Bắc vào năm 1954 và miền Nam năm 1975 đã đặt Giáo hội Công giáo Việt Nam vào một tình thế đặc biệt.

II. SỰ HIỆN DIỆN PHAN SINH TRÊN ĐẤT VIỆT

Sự hiện diện của Anh em Hèn mọn trên đất Việt được đánh dấu bởi hai giai đoạn:
- Giai đoạn hoạt động truyền giáo từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XIX
- Giai đoạn hình thành một đơn vị mới của dòng Anh em Hèn mọn ở thế kỷ XX.

A. Giai đoạn thứ nhất: 250 năm “Lịch sử Huy hoàng”

1. Trước công cuộc truyền giáo có tính hệ thống và phương pháp của các thừa sai dòng Tên, là những người đã có công khai sinh các giáo đoàn ở Đàng Trong và Đàng Ngoài (1615-1663), thì các thừa sai Phan sinh chỉ đóng vai trò những người tiên phong mở đường.
- Sử liệu của triều Nguyễn có nhắc tới sự hiện diện và hoạt động tại vùng đất hiện nay là giáo phận Bùi Chu (Bắc bộ) từ năm 1533 đến năm 1535 của một thừa sai Châu Âu đầu tiên tên là “Inikhu”. Theo ý kiến của nhiều sử gia, dường như “I-ni-khu” chính là từ “Inigo” của tiếng Bồ Đào Nha, được phát âm theo kiểu người Việt, nên có lẽ là tên gọi của một thừa sai gốc Bồ Đào Nha. Nhưng ông là ai, và thuộc tổ chức hoặc hội dòng nào? -- Linh mục sử gia Bùi Đức Sinh, OP đã phản bác một cách thuyết phục ý kiến của một số tác giả đã biến Inikhu thành một thừa sai Dòng Tên, đơn giản bởi lẽ vào năm 1533 (LM họ Bùi ghi là năm 1532!) chưa có Dòng Tên. Dòng này chỉ được thành lập vào năm 1534 và đến năm 1540 mới được Toà Thánh công nhận là một “Hội Dòng có lời khấn trọng thể”. Sau khi tìm mọi cách chứng minh xem có phải là một thừa sai dòng Đa minh không, sử gia họ Bùi đi đến kết luận: “Rất có thể cha I Ni Khu là một linh mục Dòng Phan sinh Bồ Đào Nha” 3 . Chúng tôi thiển nghĩ: nên để cho Inikhu tiếp tục ở lại sau bức màn“huyền bí” trong “bộ nhớ” của Lịch Sử, phần nào tương tự như tư tế Menkixêđê, “…không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc…” (x. Dt 7,3). Inikhu tiêu biểu cho vô số thừa sai “vô danh”, không được Lịch Sử ghi lại thành tích gì nổi bật. Họ âm thầm đến, âm thầm hoạt động cho Nước Trời, và cũng âm thầm kết thúc cuộc đời dâng hiến cho Chúa và Giáo Hội. Cũng thế, hạt giống Nước Trời do họ gieo vãi, đã nẩy mầm và mọc lên bằng cách nào thì không ai biết…(x. Mc 4,26-27). Dù sao đi nữa, năm 1533 vẫn được coi là “cột mốc đầu tiên” của lịch sử Giáo hội tại Việt Nam gắn liền với nhà thừa sai Inikhu đầy bí ẩn. 4
- Vào năm 1580, anh Pedro de Alfaro, một linh mục Phan sinh Tây Ban Nha, sau khi bị chính quyền Bồ Đào Nha tại Macao trục xuất, đã cùng với một anh em Phan sinh Bồ Đào Nha tên Rodriguez de Lisboa đón tàu đi Goa để phản đối sự đối xử bất công mà anh phải hứng chịu. Con tàu bị bão đánh dạt vào bờ biển phía nam của Đại Việt cũ. Người bạn đồng hành của anh may mắn thoát chết nhưng anh thì không. Thi hài của anh đã được cư dân địa phương hoả táng cách trọng thể ở đâu đó (có lẽ là Bình Định) dọc bờ biển Champa, nơi trước đó khoảng 260 năm, một anh em Phan sinh Italia là Ordorico di Pordenone đã từng dừng chân trên đường tới Bắc Kinh.
- Những thừa sai Phan sinh đầu tiên tiếp xúc với người Việt là những anh em Tây Ban Nha làm việc tại Philippin, nơi họ đã đặt chân đến vào năm 1578. Trong số đó, tên tuổi của các anh Juan Baptista Lucarelli ( biệt danh Da Pesaro) và Bartolomé Ruiz được nhắc đến nhiều nhất. Anh Lucarelli đã có công đào tạo một Thầy giảng và một tu sĩ Phan sinh người Việt có tên Antôn ở Macao. Sau đó, anh đã cho họ trở về Đàng Ngoài. Tại đây, họ có sáng kiến tuyệt vời làm lái đò giúp đưa người ta qua một con sông nguy hiểm. Lịch Sử chỉ ghi lại bấy nhiêu thôi, nhưng ngôi trường đào tạo Thầy giảng do anh thành lập ở Macao vào năm 1580 dành cho thanh niên đến từ các nước Á Châu, đã đi trước cả nửa thế kỷ sáng kiến của thừa sai Đắc Lộ Dòng Tên sẽ thành lập hội Thầy Giảng tại Đàng Ngoài (1630), rồi tại Đàng Trong (1643). Hội này có thể được ví như một trụ cột vững chắc chống đỡ toà nhà Giáo hội Việt nam.-- Anh Lucarelli cũng có sáng kiến vẽ bức tranh mô tả cuộc phán xét để làm hình ảnh cụ thể trợ giúp trong việc dạy giáo lý. Thậm chí, anh còn gửi một vài bức đến vua Đàng Ngoài, với lời đề nghị đức vua cho phép các anh em Phan sinh đến rao giảng Tin Mừng tại đó. Nhưng anh chưa bao giờ có cơ hội đặt chân tới Việt Nam.
- Vào năm 1583, một nhóm gồm tám anh em Phan sinh dưới sự hướng dẫn của anh Diego de Oropesa từ Philippin vượt biển đến Đàng Ngoài. Thế nhưng một trận bão lớn đã cản trở cuộc hành trình. Trong đoàn người ấy, chỉ một mình anh Bartolomé Ruiz đến được Đàng Ngoài vào năm 1584 để gặp Mạc Mậu Hợp, vị vua soán ngôi tại Thăng Long. Anh là nhà thừa sai Châu Âu đầu tiên rao giảng Tin Mừng ngay tại thủ đô Đàng Ngoài. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức cần thiết về ngôn ngữ bản địa nên anh đã phải sử dụng những hình ảnh và tranh vẽ để hỗ trợ cho việc giảng dạy. Anh được cho là đã thực hiện những ca chữa bệnh phi thường. Nhưng trong suốt hai năm lưu lại tại Thăng Long anh chỉ rửa tội được một em bé gần chết.
- Sau anh Bartolomé, một vài anh em Phan sinh Bồ Đào Nha cũng đã mạo hiểm tới Việt Nam. Lịch Sử có nhắc tên anh André dos Anjos và anh Jacome da Conceisao đến từ Malacca và nói tới việc các anh giảng đạo tại Đàng Ngoài cũng như Champa; nhưng không để lại nhiều thông tin về những hoạt động của các anh
.
2. Trong suốt “Thời Hoàng Kim” của Dòng tên tại Việt Nam (1615-1663), Lịch Sử chỉ ghi lại hai sự kiện tiêu biểu có liên quan đến anh em Phan sinh:
- Vào năm 1639, anh Francisco de Escalna người Tây Ban Nha đã lưu trú bốn tháng trong nhà của các thừa sai Dòng Tên tại Turon (Đà nẵng). Do tính bộc trực và sự nhiệt tâm mạnh mẽ, anh suýt bị giết vì đạo và sau đó phải rời Đàng Trong vì bất hoà với “chủ nhà.”
- Vào năm 1645, hai anh em Phan sinh Antonio de Santa Maria CaballeroAntonio del Puerto tháp tùng bốn chị nữ đan sĩ Dòng Clara Tây Ban Nha bị chính quyền Bồ Đào Nha trục xuất khỏi Macao. Trên đường về Philippin họ đã phải dừng chân tại Turon (Đà Nẵng) để tránh bão. Lần đầu tiên, sự xuất hiện của bốn nữ tu Châu Âu trong vòng bốn tháng tại Đàng Trong không chỉ gây ra sự tò mò cho thường dân, nhưng còn làm cho Phủ chúa chú ý. Chúa thượng Nguyễn Phúc Lan và bà Chính phi cho mời và tiếp đón trọng thể những vị khách này tại Huế. Dịp này hai bà mệnh phụ Công giáo có thế giá và là chỗ dựa của cha Đắc Lộ và các thừa sai Dòng tên: bà Maria Mađalena Minh Đức Vương Thái phi (dì ruột của Chúa thượng) và bà Maria Mađalena Công nữ Ngọc Liên (chị ruột của Chúa thượng và vợ của Quận chúa Nguyễn Phúc Vinh, Trấn thủ Phú yên), cũng đến chào thăm và bày tỏ lòng quý mến các Nữ tu Clara 5 . Nhưng Lịch Sử phải chờ đến ba thế kỷ nữa, những con cái của thánh nữ Clara mới thiết lập được một Đan viện tại Vinh vào năm 1935.

3. Trong giai đoạn các Đại diện Tông toà người Pháp thuộc Hội MEP (trên lý thuyết thì đã bắt đầu từ năm 1659, nhưng trong thực tế là từ năm 1664 tại Đàng Trong, và từ năm 1666 tại Đàng Ngoài), cũng như trong giai đoạn các Đại diện Tông toà thuộc nhóm thừa sai Đa minh Tây Ban Nha tại Đông Đàng Ngoài từ năm 1696, các thừa sai Phan sinh đã cộng tác với các Giám mục Đại diện Tông toà trong bầu khí hoà thuận, nhưng cũng đôi khi căng thẳng. Những Anh em Hèn mọn này chính thức thuộc về hai nhóm: hoặc thuộc Hạt dòng thánh Grêgôriô Tây Ban Nha tại Philippin, hoặc thuộc nhóm các thừa sai Tông toà do Thánh Bộ Truyền bá Đức Tin (tức Bộ Truyền giáo, thành lập năm 1622) phái đến.
- Vào năm 1673, đáp lại lời mời gọi của Đức Cha Lambert de la Motte (MEP), Đại diện Tông toà Đàng Trong, đang cư trú tại thủ đô Xiêm la, anh Luis de la Madre de Dios đã lên đường đến Ayuttaya, dạy La ngữ tại Chủng viện Thánh Giuse, được thành lập để huấn luyện các linh mục tại vùng Đông Á. Nhiều chủng sinh đến từ Đàng Ngoài và Đàng Trong cũng đã được đào tạo tại đây.
- Một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử truyền giáo Phan sinh tại Việt Nam được đánh dấu bởi sự kiện sau đây: Đức Cha Francisco Perez, một thành viên Dòng Ba Phan sinh rất nhiệt thành (ngài được bổ nhiệm làm Đại diện Tông toà Đàng Trong vào năm 1691) đích thân mời gọi một số anh em Phan sinh Tây Ban Nha đang làm việc tại Philippin đến để cùng cộng tác với ngài. Lời mời gọi được gửi đi vào năm 1699. Năm 1700, hai anh Juan SimonNicolas de San José đã được phái đến Đàng Trong. Nhưng bấy giờ ở Đàng Trong đang diễn ra một cuộc bách hại dữ dội, nên hai anh phải tạm dừng chân tại Quảng Châu (Trung Hoa) một thời gian. Do sự an bài nhiệm mầu của Chúa Quan Phòng, hai anh đã gặp gỡ tại đây Đức Cha Raimondo del Rosario, Đại diện Tông toà địa phận Đông Đàng Ngoài, và nhận lời mời đến làm việc tại địa phận của ngài. Trong vòng bốn năm, các anh đã thực sự là những vị thừa sai đáng khâm phục. Những thành công của các anh mở ra một viễn cảnh đầy triển vọng đến nỗi anh Nicolas phải lên đường trở lại Manila để tuyển mộ thêm “thợ” đến làm việc tại “vườn nho” này của Chúa. Nhưng vào năm 1704, anh Juan Simon đã bị những người ngoại giáo sát hại cách man rợ khi anh đang trên đường đi ban bí tích sau cùng cho một bệnh nhân ở gần Kiên Lao. Anh là vị Tử vì đạo Phan sinh đầu tiên trên đất Việt.
- Đức Cha Perez tiếp tục gửi đi lời mời gọi khẩn thiết. Và vào năm 1719, Hạt dòng thánh Gregoriô tại Philippin đã đáp ứng bằng hai quyết định quan trọng: thiết lập “miền truyền giáo Xiêm- Đàng Ngoài- Đàng Trong- Campuchia”; đồng thời gửi đến Đàng Trong hai vị thừa sai Phan sinh. Đó là anh Jeronimo de la Santissima và anh José de la Concepción, người được biết đến như một vị tông đồ vĩ đại của miền Nam Bộ Việt Nam với tên gọi phổ biến là José Garcia. Những hoạt động của các thừa sai Tây Ban Nha này đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong công cuộc truyền giáo của anh em Phan sinh, một công cuộc truyền giáo ngày càng mang tính hệ thống và có phương pháp hơn so với thời kỳ trước. Một trong những yếu tố mới tạo nên sự khác biệt là các anh đã lưu tâm đến những kinh nghiệm quý giá của Dòng Tên, các thừa sai Pháp và anh em Đa minh Tây ban nha trong việc học thuần thục ngôn ngữ bản địa và sống gần gũi hơn với giới bình dân.

4. Thời hoàng kim của anh em Phan sinh Tây ban nha tại Đàng Trong:

4.1. Thời kỳ này bắt đầu từ lúc hai vị thừa sai kể trên hiện diện tại Đàng Trong Hai anh em rời Manila vào ngày 13 tháng Ba năm 1719, sau đó bị bắt giam tại Đàng Ngoài trong vòng một năm và cuối cùng đặt chân đến Đồng Nai, miền giáp ranh Sàigòn vào ngày 20 tháng Ba năm 1720. Đức Giám mục Perez, vị Đại diện Tông toà 80 tuổi, hết sức vui mừng chào đón các anh tại Huế và tạo mọi thuận lợi cho hoạt động truyền giáo của các anh. Ngài để lại bằng di chúc cho anh em Phan sinh toàn bộ sáu ngôi nhà thờ được xây cất với kinh phí riêng của ngài.
Bất chấp cơn bách hại mới đang xảy ra, anh Jeronimo, anh José Garcia - và anh Filipe de la Concepcíón Toledo mới đến - đã hăng hái cùng nhau bắt đầu công việc tại Đàng Trong, từ phía Bắc xuống phía Nam, và cả phần lãnh thổ Campuchia đang từng bước bị Vua quan Việt nam lấn chiếm bằng cách đưa lưu dân tới định cư. Đó là miền Đồng Nai-Sàigòn và lưu vực sông Mêkông. Trước Giáng sinh năm 1722, bề trên của anh José Garcia đã sai anh đến vùng Saigon. Và sau đó, anh đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời còn lại của mình cho công cuộc truyền giáo tại lưu vực sông Mêkông này. Nhưng trước khi mô tả những thành công mà anh gặt hái được, thiết nghĩ chúng ta cần biết rõ những khủng hoảng nghiêm trọng có liên quan đến tất cả các thừa sai đang làm việc tại Đàng Trong.
4.2. Đức Cha Perez không được các thành viên của Hội MEP quý trọng, vì trước đó họ đã không tiến cử ngài với Toà Thánh để giữ chức vụ Đại diện Tông toà; và hệ quả là ngài không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào của họ. Ngoài ra, ngài không phải là người Pháp, nhưng là con của một người Tây ban nha kết hôn với một phụ nữ Bồ Đào Nha. Việc bổ nhiệm một thừa sai Dòng Barnabite người Italia, Đức Cha Alexander de Alexandris, làm Giám mục phó cho ngài theo như ngài đề nghị, đã gây ra một tình thế đặc biệt phức tạp tại Đàng Trong. Sau khi Đức Cha Perez qua đời vào năm 1728, Đức Cha Alexander de Alexandris đã trở thành vị Đại diện Tông toà thứ tư của miền truyền giáo này. Trong suốt mười năm tại vị, ngài hoàn toàn chống lại các thừa sai Pháp. Ngài tố cáo họ vì nghi ngờ họ có liên quan với nhóm lạc giáo Gian-xen (Jansenius). Ngài cấm phổ biến tất cả các sách họ viết. Thậm chí, ngài còn ra vạ tuyệt thông cho cha De Flory, thành viên của Hội MEP vì lý do đó. Vào năm 1737, ngài tấn phong thừa sai Valerius Rist - một anh em Phan sinh Đức- làm giám mục phó cho ngài. Tuy nhiên, vị này đã qua đời sau đó khoảng bốn tháng rưỡi.
4.3. Tình hình căng thẳng giữa các thừa sai thuộc những quốc tịch và hội dòng khác nhau gây nên bởi Đức Cha Alexander de Alexandris đã buộc các thừa sai Pháp đưa ra một yêu cầu cấp thiết là đòi hỏi phải có sự can thiệp từ Rôma. Và cuối cùng, hai cuộc Kinh lý Tông toà đã được thực hiện để làm sáng tỏ vấn đề.
4.3.1. Cuộc Kinh lý đầu tiên do một Giám mục người Pháp gốc Avignon, Đức Cha Elzear des Achards de la Baume tiến hành từ năm 1739 đến năm 1741. Cùng đi với ngài là cha Fabre, người Pháp, trong tư cách phó Kinh lý và thư ký. Cha Joseph Marziali dòng Sylvestrin, Tổng đại diện của ĐC Alexander Đại diện Tông toà vừa qua đời năm 1738, đã phản đối và không công nhận vai trò của vị Kinh lý Tông toà. Ngài nói: “Vị Giám chức này không phải là một thẩm phán nhưng là trạng sư của các thừa sai Pháp.” Ngài thậm chí còn thêm rằng: “Bênh vực các thừa sai Pháp là bênh vực ma quỷ!” Rồi ngài rời Đàng Trong, đến thẳng Rôma để báo cáo tình hình với Bộ Truyền Giáo. Tuy nhiên, vị Kinh lý Tông toà vẫn thi hành sứ mạng của mình bằng cách huỷ bỏ những lệnh cấm và những vạ tuyệt thông mà vị Đại diện Tông toà trước đó đã ban hành. Ngài còn yêu cầu anh em Phan sinh phải trao lại toàn bộ các nhà thờ và các giáo xứ được cho là đã bị anh em chiếm đoạt cách mờ ám và anh em phải rút lui xuống Raygon, tức Saigon, và Campuchia, bên kia biên giới Đàng Trong, để tiếp tục công việc truyền giáo của mình. Ngài đã làm việc tới mức kiệt sức và qua đời tại kinh đô Huế vào năm 1741.
4.3.2. Các thừa sai Pháp của Hội MEP thắng đậm, còn người thất bại thê thảm là anh em Phan sinh. Những anh em này lập tức đệ đơn khiếu nại lên Toà Thánh. Nhờ sự can thiệp của Đức Hồng y Tây Ban Nha Trajan Aquaviva, vị Bảo trợ của Dòng Anh em Hèn mọn và cũng là đặc sứ ở Rôma của Quốc vương Tây Ban Nha Philip V, các thừa sai Phan sinh Tây Ban Nha tại Đàng Trong đã được Đức Giáo hoàng Beneđictô XIV che chở bằng cách huỷ bỏ một vài quyết định quan trọng liên quan đến các nhà thờ và giáo xứ thuộc về anh em Phan sinh trước thời điểm diễn ra cuộc Kinh lý của Đức Cha Elzear des Achards de la Baume. Những quyết định này trước đó đã từng được chính Đức Giáo hoàng xác nhận. Ngài còn chỉ định Đức Cha Hilario Costa, cũng gọi là Hilario di Giesu, thuộc dòng Âu tinh, Đại diện Tông toà Đông Đàng Ngoài, làm Tổng uỷ của ngài để thực hiện cuộc kinh lý Tông toà thứ hai tại Đàng Trong, nhằm thi hành đoản sắc “Quantopere caritas Christi” (“Tình yêu Chúa Kitô lớn lao biết chừng nào”) do ngài ban hành vào ngày 26 tháng 11 năm 1744. Đức Cha Hilario đến Huế năm 1747. Công việc chủ yếu của Đức Cha là xác nhận và chỉ định sự phân bổ các vùng truyền giáo cho bốn nhóm thừa sai đang hoạt động tại Đàng Trong và Campuchia: Dòng Tên, Hội MEP, anh em Phan sinh Tây Ban Nha và các thừa sai của Bộ Truyền Giáo, trong số này có những anh em Phan sinh không phải Tây Ban Nha và có cả Anh em thuộc Nhánh Lúp dài (Capuccinô) cũng là con cái của thánh Phanxicô Assisi. Cuộc Kinh lý Tông toà thứ hai này đã xác nhận các quyền lợi của anh em Phan sinh Tây Ban Nha; và qua đó không những phục hồi danh dự cho họ mà còn góp phần tô đậm thời hoàng kim của họ ở Đàng Trong. Nhưng yếu tố đích thực tạo nên thời hoàng kim này chính là công cuộc truyền giáo tại lưu vực sông Mêkông của một nhân vật xuất chúng. Đó là anh José Garcia.

5. Anh José Garcia, còn gọi là José de la Concepción, sinh tại Gerindote, Toledo, Tây Ban Nha vào ngày 14 tháng Ba năm 1687; gia nhập dòng Anh em Hèn mọn năm 1704; đến Manila năm 1717 và đến Đàng Trong năm 1720. Sau hai năm cùng làm việc với anh Jeronimo de la Santissima Trinidad và anh Felice de la Concepción tại phía bắc Đàng Trong, anh được sai đến Raygon (tức Sàigòn) vào năm 1722. Anh không bị, hoặc chẳng muốn, dính dáng tới những cuộc tranh chấp với những thừa sai khác. Anh có một sức khoẻ tốt, một tính cách mạnh mẽ, một óc biện phân sắc bén, một trái tim nhân hậu và một lòng khiêm nhường sâu thẳm. Đó là tất cả những đức tính cần thiết cho một cuộc đời truyền giáo hiệu quả. Trong suốt 28 năm làm việc kể từ khi anh đặt chân tới Đàng Trong cho đến ngày anh bị trục xuất vào năm 1750, anh đã thành lập rất nhiều Cộng đoàn tín hữu từ Sàigòn, qua lưu vực sông Mêkông cho đến tận Hà Tiên (còn gọi là Cần Cao, Kang-Kao hoặc Cảng Khẩu) và Campuchia.
5.1. Vào năm 1723, anh thành lập giáo xứ đầu tiên tại Sàigòn với một ngôi nhà thờ ở Chợ Quán, (hiện nay thuộc khu vực Chợ Lớn,Tp.HCM). Tín hữu là những lưu dân đến từ những khu vực phía bắc Đàng Trong. Họ đạo Chợ Quán trở thành một điểm dừng chân cho các lưu dân đang tìm kiếm một vùng đất mới để định cư. Sự thật, người ta đã chứng kiến những cuộc di dân ồ ạt của người Việt xuống những miền đất phía nam vào nửa đầu của thế kỷ XVIII. Anh José đã quan tâm đến những tín hữu nhập cư này với tất cả lòng yêu mến và khả năng của mình. Trong cuộc bách hại nhỏ vào năm 1724-1725, anh đã phải lẩn trốn và nhân cơ hội này thực hiện một chuyến thám hiểm băng qua mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt của lưu vực sông Mêkông để biết rõ hơn địa hình định cư cho những người mới đến. Bằng cách này, anh biết mình phải làm gì để giúp đỡ những lưu dân đáng thương của mình. Vào cuối năm 1725, anh trở lại Sàigòn và xây cất một ngôi nhà thờ thứ hai nhằm đáp ứng nhu cầu của số lưu dân ngày càng tăng. Một anh em Phan sinh Tây Ban Nha khác đến làm thay anh những công việc ở Sàigòn để anh có thể đi tới những vùng sâu, vùng xa, tiếp tục chăm sóc những đoàn nhập cư khác mới đến. Nhưng vào năm 1731, quốc vương Campuchia trả thù vua Đàng Trong bằng việc xua quân vào Sàigòn, phá huỷ và đốt cháy mọi thứ kể cả năm ngôi nhà thờ đã được anh em Phan sinh xây cất trong vùng. Triều đình Huế phản công và đẩy lui được quân Campuchia, rồi tiếp tục thôn tính thêm hai tỉnh nữa trong lưu vực sông Mêkông trù phú. Vào năm 1733, anh José và các anh em của mình bắt đầu xây dựng lại những ngôi nhà thờ, trước tiên ở Sàigòn, sau đó là các vùng lân cận. Vì thế, bản báo cáo năm 1740 có đề cập đến bảng thống kê gồm tám ngôi nhà thờ, mười nhà nguyện và 28 bàn thờ (được dựng tại tư gia để cử hành thánh lễ) phục vụ cho 5.500 tín hữu. Anh José biết cách thu phục lòng tin và sự hợp tác của rất nhiều người; nhờ đó anh có thể di chuyển không ngừng để thăm viếng các cộng đoàn tín hữu nằm rải rác khắp nơi. Trung tâm tiếp đón tại Chợ Quán được điều hành bởi một đội ngũ quản lý gồm một Thầy giảng (người chịu trách nhiệm chính), một thầy lang tốt lành, một thủ quỹ và một ông từ. Một nhóm thành viên dòng Ba Phan sinh cùng một cộng đoàn các nữ tu (mà anh đặt tên là “các Bà Phước”, “les Béates”) cũng trợ giúp anh trong công tác bác ái. Anh còn thành lập một số giáo xứ trên lãnh thổ Campuchia bên kia Hà Tiên. Hết lần này đến lần khác, anh giúp những cha dòng Tên già yếu ở Bà rịa, cử hành các bí tích cho giáo dân của các ngài. Đức Cha Armand-Francois Lefebvre, Đại diện Tông toà quốc tịch Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris, sau lần gặp gỡ anh José Garcia tại Hà Tiên vào năm 1743 đã nói về anh như sau: “Tại đây tôi đã gặp một tu sĩ Phan sinh, người được tất cả dân chúng trên đất nước này yêu mến và kính trọng. Ngài được yêu mến và kính trọng không chỉ vì sự tận tâm và lòng đạo đức của ngài, nhưng còn vì ngài đứng bên ngoài tất cả những tranh chấp và cãi vã dưới mọi hình thức.”
5.2. Sau chuyến Kinh lý Tông toà của Đức Cha Hilario Costa vào năm 1747, qua đó sự hiện diện hợp pháp của anh em Phan sinh tại Đàng Trong và lưu vực sông Mêkong được công nhận, Hạt dòng Phan sinh Tây Ban Nha tại Philippin vào năm 1749 đã gửi tiếp tám thừa sai nữa đến miền truyền giáo đầy hứa hẹn này. Tháng Sáu cùng năm đó, các anh đến Sàigòn gặp anh José. Tại đây, anh đã thông báo cho họ về cái chết gần đây của ba anh em Tây Ban Nha, đồng thời đề nghị các anh này chuyển đến nhiều nơi khác nhau: Hai anh AlcazarGaliana lên đường đến kinh đô Huế, anh Remigio đến Quy Nhơn, Anh Pedro Garcia đến Trà Kiệu, anh Francisco Hermosa de San Bernardo đến Hội An, anh Francisco Hermosa de San Buenaventura đến Cà Hon (Thủ Ngữ, lưu vực sông Mêkong), anh Pedro Juan de Molina đến Hà Tiên và anh Miguel de San Antonio Salamanca ở lại Sàigòn với anh José.
5.3. Tháng Năm năm 1750 một cuộc bách hại dữ dội bất ngờ bùng nổ trên toàn vương quốc. Sau 12 năm êm dịu, không biết vì nguyên nhân nào mà Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh bắt tất cả 26 vị thừa sai, sau đó giải về nhà giam ở Hội An đợi tàu, chờ ngày trục xuất. Trong số đó có chín anh em Phan sinh, nhưng không có cha Koffler, dòng Tên mang quốc tịch Đức đang làm ngự y tại triều đình Huế . Vào ngày 14 tháng Bảy năm 1750, anh Miguel de San Antonio Salamanca qua đời vì kiệt sức. Ngày 25 tháng Tám, hai Giám mục người Pháp và 23 thừa sai buộc phải rời Đàng Trong để đến Macao. Trên toàn vương quốc, khoảng 200 nhà thờ bị phá huỷ hoặc thiêu rụi. Anh em Phan sinh mất 40 nhà thờ, 20 nhà nguyện công cộng, 41 nhà nguyện tại gia và các anh phải bỏ lại sau lưng 30.000 tín hữu sống rải rác ở Huế, Quảng Nam, Quy Nhơn, Sàigòn và lưu vực sông Mêkông. Chỉ còn lại ba linh mục bản địa, được cha Koffler bí mật ủng hộ, ở lại coi sóc cộng đoàn tín hữu đang bị ngược đãi.
5.4. Khao khát được thấy lại đoàn chiên đáng thương ở vùng sông Mêkong, năm 1754, anh José Garcia đã từ bỏ chức vụ Cố vấn Hạt dòng ở Manila để cùng với hai anh em khác lên đường tới Hà Tiên là nơi lệnh cấm đạo của Võ Vương không được thi hành và cũng là nơi nhiều người Việt tìm đến để ẩn náu. Tuy nhiên, hai anh em đồng hành với anh José lại sớm qua đời. Vì thế, hai anh Antonio Hermosa 6 và Julian del Pilar cùng đi với anh đến Hà Tiên. Ở tuổi 67, anh José đã dành bảy năm cuối đời hoạt động truyền giáo còn lại của mình để chăm sóc những người đang trú ẩn ở vùng đất tự do này và tiếp tục thành lập những giáo xứ mới tại Campuchia. Anh qua đời ngày một tháng 11 năm 1761, hưởng thọ 75 tuổi. Thi hài của anh được chôn cất trong ngôi nhà thờ do chính anh xây dựng tại Hòn Đất, Hà Tiên. Nhưng phần mộ của anh hiện nay nằm bên lãnh thổ Campuchia. Anh là một thừa sai Phan sinh đã dành hầu hết cuộc đời cho công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong (35 năm). Với việc thành lập bốn trung tâm truyền giáo quan trọng ở Chợ Quán, Cái Nhum, Cà Hon (Thủ Ngữ) và Hà Tiên, anh José Garcia xứng đáng được trao tặng danh hiệu Vị Tông đồ vĩ đại của vùng đồng bằng sông Mêkông, người giữ vai trò chủ đạo trong công cuộc truyền giáo ở phần đất phía nam Việt nam hiện nay, từ Sàigòn xuống tới Cà Mau.
5.5. Một cuộc quay trở lại đầy hứa hẹn: Cuộc bách hại năm 1750 tuy mang tính phá hoại khủng khiếp và tạo bầu khí nặng nề cho Giáo hội Đàng trong, nhưng không đẫm máu. Năm 1763, hai năm trước cái chết của Võ Vương, hầu hết các thừa sai cũ cùng với một số thừa sai mới thuộc bốn nhóm truyền giáo (Dòng Tên, các linh mục của Hội MEP, Anh em Phan sinh Tây Ban Nha và các thừa sai thuộc Bộ Truyền giáo) đều có thể trở lại Đàng Trong. Những anh em Phan sinh đã từng hiện diện ở Hà Tiên có thể di chuyển đến trung tâm truyền giáo quan trọng nhất của mình là Chợ Quán, Sàigòn và phía bắc Đàng Trong. Tuy nhiên, anh phải làm việc trong những hoàn cảnh hết sức bấp bênh. Năm 1767, ba anh em Phan sinh Tây Ban Nha là các anh Antonio Hermosa, Julian del Pilar và Diego Jumilla bị trục xuất khỏi Huế để đi sang Campuchia. Hai anh em đầu đã dừng chân tại Cái Nhum thuộc lưu vực sông Mêkong là nơi quan lại địa phương có thái độ bao dung hơn, nên các anh có thể chăm sóc cho khoảng 3.000 tín hữu. Chỉ có anh Diego Jumilla đi cùng với hai anh Juan Francisco de la ConcepcionFernando de Olmedilla đến Campuchia. Tuy nhiên, ba anh này thỉnh thoảng vẫn có thể ít nhiều công khai ra vào Đàng Trong: ở vùng Mêkong (Cái Nhum), ở Sàigòn (Chợ quán) và ở Huế. Đáng lưu ý là một số thừa sai Phan sinh đã thể hiện khả năng phi thường trong việc chữa bệnh cho gia đình của vài quan lại địa phương. Những người này sau đó càng tỏ ra bao dung hơn với sự hiện diện và hoạt động của các thừa sai trên phần lãnh thổ của mình. Thế rồi, bùng nổ cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đẫm máu giữa ba lực lượng thù nghịch, không chỉ gây nên thảm hoạ cho dân chúng, nhưng còn tạo ra nhiều khó khăn nghiêm trọng cho các thừa sai. Vào năm 1771 và nhiều lần sau đó, quân khởi nghĩa Tây Sơn tấn công nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Vào năm 1774, chúa Trịnh từ Đàng Ngoài kéo quân vào Huế tấn công nhà Nguyễn. Nhà Tây Sơn đánh bại chúa Trịnh vào năm 1786 và đánh đuổi quân Nhà Thanh xâm lược ra khỏi Đàng Ngoài vào năm 1789. Cuối cùng, năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn. Trong suốt cuộc chiến tranh kéo dài ba thập niên ấy, anh em Phan sinh ở Đàng Trong cũng như các thừa sai khác trên toàn lãnh thổ đã phải trải qua đủ mọi thử thách gian truân và cả bị bắt đạo nữa. Sau khi đánh bại nhà Nguyễn ở Saigon, nhà Tây Sơn nghi ngờ anh em Phan sinh trước đây đã từng giúp đỡ nhà Nguyễn. Quả thật, anh Diego Jumilla đã che chở Nguyễn Ánh, nhân vật then chốt của nhà Nguyễn, thoát khỏi sự truy lùng của nhà Tây Sơn – hành động của anh mang tính chất thuần tuý nhân đạo theo tinh thần Thánh Phanxicô --. Hậu quả là anh Fabian de la Soledad và anh Juan de Jesus bị nhà Tây Sơn tống giam và đối xử tàn bạo đến nỗi các anh chết vì đói khát và kiệt sức. Một anh em Phan sinh khác ở Goa được anh Diego Jumilla mời đến Saigon cũng bị giết cùng toàn bộ đoàn thuỷ thủ Bồ Đào Nha trên một chiếc thuyền bị bắt giữ bởi những kẻ chống đối Nguyễn Ánh. Chính anh Diego Jumilla cũng bị những người này đầu độc chết vào năm 1781. Vào năm 1782, sau chiến thắng thứ hai của nhà Tây Sơn trên Nguyễn Ánh, anh Fernando de Olmedilla đã bị bắt tại Cái Nhum và sau đó bị trảm quyết cùng với một giáo lý viên của anh gần sông Sàigòn. Anh được chôn cất tại nhà thờ họ đạo Chợ Quán. Năm 1789, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn tại Sàigòn, để tỏ lòng biết ơn anh Diego Jumilla, Nguyễn Ánh đã cho phép anh Manuel Castuera tái thiết ngôi nhà thờ Chợ Quán. Một năm sau, người anh em này đã qua đời tại đây do kiệt sức vì phải phục vụ số lượng ngày càng tăng những người tín hữu hồi hương sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc.
5.6. Những năm tháng cuối cùng của anh em Phan sinh Tây Ban Nha tại Đàng Trong
Năm 1802, Nguyễn Ánh, nhân vật then chốt của triều Nguyễn, sau khi tái thống nhất lãnh thổ Việt Nam gồm hai miền Đàng Ngoài và Đàng Trong, đã lên ngôi với danh hiệu Hoàng đế Gia Long. Dưới triều đại của ông, dân Công giáo được tự do tái thiết các ngôi nhà thờ cũng như tổ chức lại công việc truyền giáo. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, Napoléon Bonaparte thiết lập đế chế Pháp và áp đặt sức mạnh quân sự của mình trên toàn Châu Âu. Cuộc chiến tranh giữa Pháp và Tây Ban Nha (1808-1814) đã gây ra nhiều khó khăn cho anh em Phan sinh ở chính quốc cũng như tại các miền truyền giáo. Các thừa sai cũng như những hỗ trợ tài chánh không còn được gửi tới Châu Á nữa. Bên cạnh đó, Hạt dòng Phan sinh Tây Ban Nha ở Philippin bắt đầu mở một miền truyền giáo mới ở các đảo Seyte và Samar là nơi họ không vướng phải sự tranh chấp với những nhóm thừa sai khác. Năm 1813, tất cả anh em Phan sinh đang hoạt động tại Đàng Trong nhận được lệnh trở về Manila. Lệnh này đã đặt dấu chấm hết cho lịch sử truyền giáo huy hoàng của các thừa sai Phan sinh Tây ban nha tại Việt Nam trên cả hai miền Đàng Ngoài và Đàng Trong, kéo dài 230 năm (từ 1583 đến 1813). “Với máu đào, mồ hôi và nước mắt, cũng như với niềm vui có được trong việc phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và đoàn chiên, 74 tu sĩ Phan sinh Tây Ban Nha đã tận hiến cuộc đời mình cho đất nước này. Trong số đó, tám tu sĩ đã dâng mạng sống mình như của lễ hy sinh lên Thiên Chúa; và tất cả đã phải trải qua đủ mọi gian khổ, chịu tử đạo trong tâm hồn cũng như trăm nghìn cực hình trên thân xác.” Đó là nhận định tổng kết của sử gia Phan sinh Tây ban nha Antolin Abad Perez (trong nội san Antena Provincial, tr. 143). Theo quan điểm của một số sử gia Việt Nam, “Thời hoàng kim” Phan sinh Tây Ban Nha thực sự kéo dài 93 năm tại Đàng Trong (1720-1813) với những nỗ lực phi thường của các thừa sai nhằm đứng vững trong các vùng truyền giáo phía bắc Đàng Trong đã được Toà Thánh chính thức công nhận, và nhất là với công cuộc truyền giáo đầy công đức tại Sàigòn và lưu vực sông Mêkong là nơi anh José Garcia, một nhân vật xuất chúng, đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ.
6. Sau khi các anh em Phan sinh Tây Ban Nha rút khỏi Việt Nam năm 1813, các thừa sai Paris hy vọng sẽ được phép tiếp quản những vùng truyền giáo trước đây của anh em. Thế nhưng Toà Thánh muốn Bộ Truyền giáo gửi những anh em Phan sinh khác đến đó để tiếp nối công việc của các anh em Tây Ban Nha; và những thừa sai mới này sẽ được đặt dưới quyền các vị Đại diện Tông toà người Pháp. Thực ra trước đây, song song với sự dấn thân chính thức của anh em Phan sinh Tây Ban Nha tại Đàng Trong từ năm 1700 đáp lại lời mời gọi của Đức Giám mục Dòng Ba Phan sinh Francisco Perez, Bộ Truyền giáo đã gửi tới đây nhiều anh em Phan sinh có nguồn gốc khác nhau: năm 1701, anh Stephano de Illiceto, quốc tịch Italia đến truyền giáo tại Nha Trang; anh lâm bệnh và qua đời tại đó không lâu sau cái chết của người anh em không linh mục tên Vincente Royale được gửi đến để chăm sóc anh. Năm 1711, một anh em Phan sinh quốc tịch Bỉ, linh mục Francois Drion đến Đàng Ngoài trong thời kỳ bách hại. Anh chẳng thể làm gì, chỉ ẩn náu cùng với một vài giáo dân địa phương cho tới khi anh qua đời vào năm 1713. Kể từ năm 1766, anh Camillo xứ Bavaria miền nam Đức, đến làm việc tại kinh đô Huế, ở phía bắc Đàng Trong. Sau đó, anh tới Cái Mơn (gần Cái Nhum thuộc lưu vực sông Mêkong) và rồi lại sang Campuchia. Trong những thập niên cuối của thế kỷ XVIII, một anh em Phan sinh Italia tên Clemente-Maria a Caprauna, “một tu sĩ Phan sinh thánh thiện và khôn ngoan” (theo chứng từ của Thừa sai Liot, MEP trong một bức thư đề ngày 20 tháng Sáu năm 1800), đã giữ nhiều chức vụ quan trọng: Anh làm bề trên nhóm anh em Phan sinh tại Cái Nhum, sau đó làm giám đốc Chủng viện Lái Thiêu của các Thừa sai Paris, và làm Phó Tổng Đại diện của Đức Giám mục Đại diện Tông toà người Pháp. Anh qua đời năm 1800. Năm 1798, anh Francesco del Finochietto thuộc nhánh Lúp dài (Capuccino) Italia đã gia nhập nhóm Phan sinh Tây Ban Nha ở Cái Nhum và đã cộng tác mật thiết với các anh em này đến nỗi tên của anh đã được viết thành Francisco Finocheto, theo kiểu Tây Ban Nha. Anh là người tu sĩ Phan sinh Châu Âu đầu tiên được mang tên Việt Nam: “Cố Phan” (Cố Phanxicô) theo tập tục của các thừa sai Pháp và Đaminh. Anh đã phục vụ tại bốn giáo xứ trong lưu vực sông Mêkong. Anh có công lớn trong việc tái thiết nhà thờ họ đạo Cà Hon (Thủ Ngữ), một giáo xứ đã được chính anh José Garcia thành lập khoảng 100 năm trước và sau đó bị phá huỷ vào năm 1750 lúc Võ Vương cấm đạo. Anh tiếp tục những công việc do anh em Phan sinh Tây Ban Nha để lại cho đến khi qua đời năm 1822 sau 24 năm hiện diện tại Đàng Trong. Hiện ngôi mộ của anh vẫn được bảo quản tốt tại Thủ Ngữ..
7. Người anh em Phan sinh cuối cùng của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam là anh Ordorico da Collodi (Cố Phương) quốc tịch Italia. Ban đầu, anh được sai đến Trung Hoa. Nhưng do ở đó đang diễn ra một cuộc bách hại dữ dội nên anh được chuyển đến lưu vực sông Mêkong vào tháng Sáu năm 1817. Anh đã gặp anh Joseph-Maria Morrone, một LM Phan sinh người Bỉ tại Chợ Quán và anh Francesco del Finochietto ở Cà Hon. Anh nhận trách nhiệm trông coi họ đạo Cái Nhum với khoảng 6.000 giáo dân sống rải rác trên một địa bàn rộng lớn. Vì vậy, anh phải thường xuyên di chuyển để thăm viếng họ. Vào năm 1828, anh bị bắt cùng với hai thừa sai Pháp theo lệnh của vua Minh Mạng (1820-1841). Họ bị giam lỏng tại triều đình Huế để phiên dịch những sách khoa học và lịch sử sang tiếng Việt cho nhà vua. Nhờ sự can thiệp của quan đại thần Lê Văn Duyệt, một cận thần của tiên đế Gia Long, nên ba tù nhân đặc biệt này được phóng thích. Nhưng sau khi vị đại thần ấy qua đời vào tháng Tám 1732, Minh Mạng lại ra một chỉ dụ cấm đạo nghiêm ngặt hơn trên toàn lãnh thổ vào ngày sáu tháng Giêng năm 1833. Sang tháng Năm, anh Ordorico bị bắt lần thứ hai và bị giải từ Cái Nhum ra Huế. Cùng bị giam giữ ở đây với anh có cha Francois Jaccard thuộc Hội MEP. Hai người bạn tù này sau đó bị vua ra lệnh tử hình. Nhưng nhờ sự can thiệp của bà hoàng thái hậu, vua tha chết, nhưng cho đày hai vị đến Lao Bảo, một nơi khét tiếng là rừng thiêng nước độc gần biên giới Việt Nam – Lào, thuộc tỉnh Quảng Trị. Sau hơn bốn tháng chịu nhiều đau khổ, thử thách, anh Ordorico da Collodi đã qua đời một cách lành thánh vào ngày 25 tháng Năm năm 1834 trong vòng tay người bạn tù là LM Francois Jaccard. Bốn năm sau, người bạn này bị vua Minh Mạng ra lệnh xử giảo và được Giáo hội phong thánh năm 1988. Cái chết anh hùng của vị tử vì đạo chưa được phong thánh Ordorico da Collodi đã chấm dứt thời kỳ huy hoàng của các thừa sai Phan sinh tại Việt Nam.

8. Những dấu ấn Phan sinh Mọn hèn:
Cha Bonaventura Marrani, Tổng Phục vụ dòng Anh em Hèn mọn (1927-1933), trong những bức thư viết vào năm 1929 đề cập đến dự án thành lập một đơn vị mới của Dòng tại Việt Nam, luôn bộc lộ niềm khao khát mãnh liệt của ngài là “viết tiếp những trang sử quang vinh”“phục hồi truyền thống vẻ vang” của Hội dòng ở Đông Dương 7 . 250 năm hiện diện và hoạt động truyền giáo (1584-1834) của anh em Phan sinh trên mảnh đất Việt Nam quả thực đã tạo nên “những trang sử quang vinh”. Nhưng điều gì là yếu tố chủ chốt làm nên “vinh quang” ấy ? – Theo thiển ý của chúng tôi:

- Đó không phải là số lượng các thừa sai. Những anh em Phan sinh hoạt động tại Việt Nam không vượt quá con số 100; trong đó số anh em Tây Ban Nha chiếm khoảng ba phần tư. So với các thừa sai Dòng Tên, Dòng Đaminh và nhất là với số lượng đông đảo các thừa sai MEP thì anh em Phan sinh chỉ là thiểu số.
- Đó không phải là sự thánh thiện được Giáo Hội chính thức công nhận qua việc phong thánh. Trong danh sách 117 Thánh Tử vì đạo tại Việt Nam không có tên một anh em Phan sinh nào; mặc dù ít nhất đã có tám anh em chết vì đức tin. Trong số đó, vị đầu tiên phải kể đến là anh Juan Simon (hy sinh năm 1704 tại Đàng Ngoài) và vị cuối cùng là anh Odorico da Collodi (hy sinh năm 1834 tại Đàng Trong). Dòng Tên cũng có một số thừa sai chết vì đạo tại Việt Nam, nhưng chưa vị nào được phong thánh. Đến như Dòng Mến Thánh Giá đã đồng hành với Giáo Hội Việt Nam từ năm 1670 xuyên qua bao thăng trầm, thử thách, và đã có hằng trăm chị em chết vì đạo, trong số đó có những người có tên tuổi, hồ sơ rõ ràng, nhưng cũng chưa có ai được phong thánh.
- Đó cũng không phải là quyền tài phán. Các Đại diện Tông toà với tước vị giám mục hầu hết đều thuộc về Hội MEP của Pháp, và Tỉnh dòng Đaminh Tây Ban Nha ở Philippin. Dòng Barnabite và Dòng Âu tinh Italia đều có mổi Dòng một vị Giám mục Đại diện Tông toà. Chỉ có một anh em Phan sinh Đức được chỉ định làm Phó Đại diện Tông Toà hoặc Giám mục phó. Nhưng anh chỉ thi hành chức vụ của mình trong vòng bốn tháng. Cũng như dòng Tên, anh em Phan sinh không có Đại diện Tông toà vì cả hai đều không được Toà Thánh giao cho nhiệm vụ cai quản những địa phận Đại diện Tông toà, mà chỉ coi sóc các tín hữu tại những vùng truyền giáo được đặt dưới quyền tài phán của những Giám mục Đại diện Tông toà không thuộc Dòng Tên hay Dòng Anh em hèn mọn. Nhưng trong khi các thừa sai dòng Tên có công thành lập những giáo đoàn đầu tiên ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì anh em Phan sinh Tây Ban Nha, với nhân vật xuất chúng là anh José Garcia, lại có công khai sinh những giáo đoàn đầu tiên ở vùng Saigon và lưu vực sông Mêkông, là những miền đất mới được sáp nhập vào vương quốc Đàng Trong.
- Anh em Phan sinh cũng không đóng góp gì nhiều cho đời sống văn hoá ở Việt Nam. Trong khi đó, các thừa sai Dòng Tên, những nhà trí thức, đã có công lớn trong việc sáng tạo và phổ biến rộng rãi một hệ thống chữ viết mới theo bảng mẫu tự La tinh, “chữ Quốc ngữ”, một công cụ văn hoá cực kỳ quý giá đối với dân tộc Việt Nam. Còn các thừa sai Pháp, như Đức Cha Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) và Đức Cha Taberd (Từ), đã có những đóng góp đáng kể nhằm hoàn thiện hệ thống chữ Quốc ngữ này.
- Nhưng yếu tố làm nên vinh quang của anh em Phan sinh trong lịch sử truyền giáo của mình tại Việt Nam chính là những dấu ấn mọn hèn đặc thù theo gương mẫu và giáo huấn của Thánh Phanxicô, người anh em hèn mọn đầu tiên. Vâng, quả thật là đã có những căng thẳng và tranh cãi trong thời gian 250 năm đó, mà nguyên nhân chủ yếu là những khác biệt về quốc tịch, về những định chế riêng của mỗi hội dòng và về phương pháp truyền giáo. Nhưng những anh em hèn mọn có dính líu vào vụ việc, đã đến cầu cứu với vị Hồng y Bảo trợ Dòng và với Toà Thánh. Và các anh em ấy đã luôn luôn tuân phục quyền bính của Giáo Hội. Cách ứng xử đó của anh em cũng đã được soi sáng và thúc đẩy bởi tinh thần của đấng sáng lập. Nguồn vinh quang đích thực của các thừa sai Phan sinh chính là sự thánh thiện âm thầm kín đáo, xây trên tình yêu mãnh liệt dành cho Thiên Chúa và các linh hồn cần được cứu rỗi. Điển hình như trường hợp một anh Juan Simon hoặc một anh Odorico da Collodi đã hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ; và một anh José Garcia đã trở nên tất cả cho mọi người di dân lưu vong đang tìm kiếm một miền đất mới để định cư ở lưu vực sông Mêkong. Những dấu ấn mọn hèn do các thừa sai Phan sinh thuộc nhiều quốc tịch khác nhau để lại ở Đàng Ngoài và Đàng Trong đã đơn thuần phác hoạ một con đường dẫn đến việc hình thành một đơn vị mới của dòng Anh em Hèn mọn trên đất nước đầy đau khổ này.

B. Giai đoạn thứ hai: thành lập một đơn vị mới của Dòng Phan sinh trên đất Việt

1. Bối cảnh
Đức Giáo hoàng Benedictô XV (1914-1922) qua Tông Thư “Maximum Illud” năm 1919 đã muốn tách biệt công việc truyền giáo ra khỏi những mối bận tâm tìm kiếm lợi ích cho chính tổ quốc của các thừa sai; và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thiết lập hàng Giám mục địa phương. Đức Giáo hoàng Piô XI (1922-1939) trong Thông điệp “Rerum Ecclesiae” (1926), một Kim chỉ nam đích thực hướng dẫn các Miền truyền giáo, đã nhấn mạnh đến sự phát triển công cuộc truyền giáo, phát huy hàng giáo sĩ địa phương và cổ võ việc thiết lập các hội dòng thừa sai. Chính trong bối cảnh sôi sục tinh thần truyền giáo này, Roma đã chỉ định một anh em Phan sinh quốc tịch Pháp làm Khâm mạng Tông Toà ở Đông Dương và Thái Lan (1928-1936). Đó là Đức Cha Colomban Dreyer. Chính ngài tin rằng đã đến lúc du nhập Dòng Anh em Hèn mọn vào Việt Nam. Ngài may mắn được đóng vai trò làm cầu nối liên kết hai giai đoạn lịch sử hiện diện của anh em Phan sinh tại Việt Nam: giai đoạn truyền giáo và giai đoạn lập dòng. Cuộc gặp gỡ giữa ngài và cha Tổng Phục vụ Bonaventura Marrani vào năm 1928 tại Roma đã thực sự khởi động dự án lập dòng. Cuộc thương lượng diễn ra xuôi thuận và nhanh chóng đến nỗi vào ngày 21 tháng 11 năm 1929, nhóm Thành lập viên đã đặt chân đến Việt Nam.

2. Thực hiện
Nhân vật chính yếu thực hiện dự án lập Dòng là Cha Maurice Bertin (1870-1968), một anh em thuộc tỉnh dòng Phan sinh Paris. Với kinh nghiệm của một nhà toán học, một kiến trúc sư, một cựu sĩ quan hải quân và một thừa sai, cha đã dành những năm đầu tiên ở Việt Nam để xây dựng cơ sở cần thiết không chỉ cho anh em Phan sinh (OFM), nhưng còn cho các chị em Clara và các chị em Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ (FMM). Theo thứ tự thời gian, đó là: Tập Viện OFM Vinh (1931), Chủng Viện OFM Thanh Hoá (1933), Đan viện Clara Vinh (1935 do 8 nữ đan sĩ Clara từ Roubaix, Bắc Pháp đến lập cộng đoàn), Tu viện FMM Vinh (1936, các chị đã hiện diện và phục vụ bệnh nhân phong tại Quy Hoà, Trung Bộ từ năm 1932 rồi) và Học viện Triết-Thần OFM tại Nha Trang (1939). Ngài đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ vị Khâm mạng Tông Toà (ĐC Colomban Dreyer, OFM), vị Bề Trên Tổng quyền Hội MEP (ĐC De Guébriant), cũng như Đức Giám mục Đại diện Tông Toà người Pháp (ĐC Éloi Bắc, cũng là thành viên Hội MEP) đứng đầu địa phận Vinh. Hai nhân vật cấp cao của Hội MEP này đã khuyên cha Bertin nên thành lập những cơ sở đầu tiên tại Vinh với lý do đây là miền đất có nguồn ơn gọi dường như không bao giờ cạn. Đời sống Phan sinh của những tu sĩ nam, nữ, và cả những anh chị em giáo dân thuộc dòng Ba hiện diện giữa đời, phát triển không ngừng, ngay cả trong bối cảnh chiến tranh: đó là thế chiến thứ hai (1939-1945) và chiến tranh Đông Dương (1945-1954).

3. Cuộc Xuất Hành
Khi cuộc chiến tranh giành độc lập khỏi tay thực dân Pháp ở Việt Nam kết thúc vào năm 1954, tất cả anh chị em tu sĩ Phan sinh ở miền Bắc được lệnh di cư vào miền Nam. Tại đây đời sống Phan sinh trong toàn thể gia đình Phan sinh phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, dù phải sống trong hoàn cảnh một cuộc chiến tranh mới giữa những người Cộng sản và những người không Cộng Sản từ năm 1963 đến 1975, với sự can thiệp ồ ạt của Mỹ vào miền nam Việt Nam. Ngay sau cuộc di cư, thì việc lãnh đạo Chi Tỉnh Việt nam, gồm những tu sĩ bản địa sống chung với một số tu sĩ Pháp của Tỉnh Dòng Mẹ Paris, được giao cho các anh em Phan sinh Việt Nam đảm trách, nhưng vẫn lệ thuộc vào Tỉnh dòng Paris về mặt pháp lý. Vào năm 1969, Chi Tỉnh Việt Nam được tách khỏi Tỉnh Dòng Mẹ để trở thành một Hạt Dòng tự trị, trực thuộc Trung Ương Dòng. Năm 1972, các chị em Clara Việt Nam, sau 22 năm nương náu tại Đan Viện Mẹ Roubaix (Pháp) vì tình hình bất ổn do cuộc chiến tranh Đông Dương gây ra, đã trở lại quê hương, nhưng các chị không ra Vinh vì Đan viện đã bị đánh bom bình địa, mà đến cư ngụ tại Thủ Đức gần Sàigòn vào lúc cuộc chiến tranh Việt Nam đang leo thang.

4. Một khúc ngoặt mới
Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đánh dấu sự thay đổi chế độ chính trị tại miền nam Việt Nam. Rất nhiều người Việt trong đó có không ít linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân công giáo rời quê hương đến tị nạn tại một số nước Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng anh em Phan sinh Việt Nam đã quyết định ở lại, thành lập những cộng đoàn nhỏ ở các miền quê, sống gần gũi với dân chúng, dùng lao động tay chân làm kế sinh nhai, và phục vụ Dân Chúa bằng công tác mục vụ. Mười năm đầu tiên đối với chúng tôi là một giai đoạn thử thách khắc nghiệt, nhưng giai đoạn này lại làm cho chúng tôi thêm trưởng thành hơn. Bằng chứng cụ thể là chúng tôi đã trở thành một Tỉnh dòng tự trị vào năm 1984. Tất cả mọi tu sĩ nam nữ cùng với những thành phần khác của Dân Chúa trên đất nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam này đã thích ứng khá tốt với hoàn cảnh mới và Giáo hội ngày càng phát triển về sức sống cũng như số lượng. Các nhà thờ giáo xứ luôn đông đảo giáo dân. Các chủng viện cũng như các tu viện và đan viện không đủ khả năng (và đôi khi không được phép) để tiếp nhận tất cả các ứng sinh đăng ký gia nhập. Sau năm 1986, với chính sách Đổi mới, chính quyền đã tỏ ra nhẹ nhàng và cởi mở hơn với thế giới bên ngoài. Nhờ chính sách tôn giáo thông thoáng hơn, chúng tôi đã có thể thực hiện được nhiều c
Về Đầu Trang Go down
 
Dấu ấn mọn hèn
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: PHAN SINH TẠI THẾ :: LỊCH SỬ-
Chuyển đến