Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmSa mạc nở hoa Th_thong-tin-1Sa mạc nở hoa Th_gioi-tre-1Sa mạc nở hoa Th_chia-se-1Sa mạc nở hoa Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Sa mạc nở hoa

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Sa mạc nở hoa Empty
Bài gửiTiêu đề: Sa mạc nở hoa   Sa mạc nở hoa EmptySat May 05, 2012 7:46 am

SA MẠC NỞ HOA

Sa mạc nở hoa Flowering-cactus[url]
Năm NHÂM THÌN được đặt dưới dấu hiệu con RỒNG . Theo quan niệm dân gian Á Đông, cụ thể ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…, RỒNG là biểu tượng của sự cao quý, thế nên nó được dùng ưu tiên để biểu đạt các khía cạnh đa dạng nơi con người, cuộc đời và sinh hoạt của vua (như long nhan là mặt vua; long bào là áo vua mặc; long giá là xe vua đi; long sàng là giường vua nằm, v.v….). Tất cả những gì liên quan tới vua đều mang dấu ấn RỒNG.
Tuy nhiên, RỒNG chỉ là một con vật huyền thoại, do trí tưởng tượng của xã hội phong kiến biệt gán cho vua…; còn XƯƠNG Rồng thì có nhiều trong thiên nhiên, dễ thấy và nhất là dễ coi, nghĩa là đẹp, đẹp tuyệt vời, như 30 hình ảnh HOA XƯƠNG RỒNG, “NỮ HOÀNG VÙNG SA MẠC”, mà tác giả Đông Nhi đã thu thập từ mạng điện tử Internet, kèm theo vài lời giới thiệu rất ý vị.
Chúng tôi muốn tiếp nối sáng kiến của một số người: dùng những hình ảnh tuyệt đẹp này về HOA XƯƠNG RỒNG làm quà tặng mừng Năm Mới cho người thân và bạn hữu. Nghĩa là, khi bước vào Năm Nhâm Thìn 2012, thay vì quan tâm tới RỒNG, chúng tôi tập trung suy gẫm về ý nghĩa của XƯƠNG RỒNG.
Tác giả Đông Nhi ca ngợi vẻ đẹp lung linh sắc thắm và ý nghĩa tượng trưng của Nữ Hoàng Sa Mạc cho sự kiên cường bất khuất dưới góc độ nhân văn.
Nhóm “Hướng Về Chúa” thì nâng tầm nhìn lên bình diện tâm linh và kêu gọi mọi người “Chúc Tụng Đấng Tạo Hoá”.
Chúng tôi tổng hợp cách trân trọng hai tầm nhìn nhân văn và tâm linh ấy, để viết bài suy niệm này với đầu đề SA MẠC NỞ HOA, nhằm ứng dụng vào đời sống đức tin của mỗi người.

1. Quê hương đích thực và nguyên thuỷ của Xương Rồng là Sa Mạc, mà Kinh Thánh đã từng gọi là “miền đất khủng khiếp” (x. Đnl 1, 19). Miền đất khô khan, cằn cỗi ấy chính là nơi Thiên Chúa dùng để thử thách và tinh luyện con người. Con đường giải phóng Dân ưu tuyển khỏi ách nô lệ và dẫn đưa họ vào Đất Hứa là cuộc Xuất Hành kéo dài 40 năm xuyên qua Sa Mạc. Mà Sa Mạc thì tất nhiên hàm chứa sự khắc khổ và khổ đau; nhưng đó lại là điểm hẹn của mối tình đầu giữa Thiên Chúa với Dân của Người (x. Hs 2, 16-22). Mối tình ưu ái Thiên Chúa dành cho Dân, và đức tin của Dân ưu tuyển sẵn sàng mở rộng lòng mình đón nhận “hôn ước vĩnh cửu…, trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương” của Thiên Chúa: đó là hai yếu tố tương tác mang lại kết quả SA MẠC NỞ HOA (x. Is 35, 1-2). Những chùm gai tua tủa trên thân gầy guộc xấu xí của cây Xương Rồng là biểu tượng của sự khắc khổ và đau thương. Nhưng chính từ thân cây gầy guộc, xấu xí được bảo vệ bởi những chùm gai khủng khiếp ấy lại xuất hiện những gương mặt dịu dàng, lộng lẫy của những “Nữ Hoàng Sa Mạc” với muôn vàn dáng dấp và sắc màu rực rỡ. Quyền năng của Tình Yêu và sức mạnh của lòng Tin là một huyền nhiệm bí ẩn như chính huyền nhiệm của Thân Cây và Hoa Xương Rồng trong Sa Mạc vậy.

2. Đức Giêsu, trước khi ra mắt hoạt động công khai, đã được Thần Khí thúc đẩy đi vào Sa Mạc, chịu quỷ dữ cám dỗ và ăn chay 40 ngày đêm (x. Mt 4, 1-11 //): tuyệt thực phần xác, nhưng linh hồn thì được nuôi dưỡng bằng lời Thiên Chúa trong tâm thế cầu nguyện (x. Mt 4, 4 //). Đức Giêsu sống lại kinh nghiệm Sa Mạc rút gọn của Dân Cựu Ước, 40 ngày thay cho 40 năm, nhưng kinh nghiệm Sa Mạc của Người đạt chất lượng hoàn hảo hơn, đến mức trở thành mẫu mực tuyệt đối. Người thắng vượt triệt để các chước cám dỗ bằng cách chọn Lời Thiên Chúa thay cơm bánh, chọn sự tín thác của lòng tin thay phép mầu, chọn thái độ phụng sự Thiên Chúa thay lòng ham muốn quyền lực thống trị thế gian. Chính sự chọn lựa kiên cường và dứt khoát trong cuộc thử thách quyết liệt ấy đã làm cho Sa Mạc cuộc đời Đức Giêsu nở hoa, nở hoa cho bản thân mình và mang lại hoa thơm trái ngọt cho muôn người khác, như Người sẽ tuyên bố: Tôi đến chỉ để “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mt 20, 28). Tột đỉnh kinh nghiệm Sa Mạc của Đức Giêsu là Thánh Giá trên Núi Sọ. Khía cạnh khắc khổ, đau thương của cuộc thử thách là tột độ và tận cùng, vì nó tạo ra cái chết cho thân xác của Người. Nhưng khía cạnh tình yêu và lòng tin trong kinh nghiệm Sa Mạc tại Núi Sọ của Đức Giêsu cũng đạt cường độ cao nhất. Thật vậy, Thập Giá biểu lộ tình yêu lớn nhất của Thiên Chúa Cha dành cho thế gian: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một…, để cứu độ thế gian” (x. Ga 3, 16-17); Thiên Chúa Cha ban đến mức không tiếc “ trao nộp Con Một vì hết thảy chúng ta” (x. Rm 8, 32). Về phần mình, Đức Giêsu nối dài tình yêu lớn nhất của Chúa Cha dành cho thế gian, bằng hành động tự trao ban chính mình trong Bí Tích Thánh Thể làm lương thực nuôi sống thế gian (x. Ga 6, 32-37.51; Mt 26, 26-28 //) và tự nguyện “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mt 20, 28), bằng cách đổ Máu mình ra trên Thập Giá cho muôn người được tha tội (x. Mt 26, 28). Qua đó Đức Giêsu thể hiện tình yêu lớn nhất Người dành cho thế gian (x. Ga 15, 13) và cho Chúa Cha (x. Ga 14, 31). Cũng chính Thập Giá biểu lộ lòng tin và lòng tín thác trọn vẹn của Đức Giêsu vào Thiên Chúa Cha với những lời cầu nguyện thiết tha cuối cùng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46), và “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19, 30) – hoàn tất công trình mà Thiên Chúa Cha đã giao cho Người thực hiện, và hoàn tất với lòng vâng phục, là biểu hiện và bằng chứng của đức tin và đức mến. Tất cả đó là những bông hoa rực rỡ của Ơn Cứu Độ nở rộ trên Cây Thập Giá. Thập Giá Nở Hoa là điểm đến tất yếu của Sa Mạc Nở Hoa trong công cuộc Cứu thế của Chúa Giêsu.

3. Một cách nào đó “Đức Giêsu đã trở thành Sa Mạc của chúng ta”: Trong Người và nhờ Người, chúng ta thắng vượt được muôn vàn thử thách của kiếp nhân sinh và đi vào sự hiệp thông hoàn hảo với Thiên Chúa và tha nhân. Chính Người là “Đấng khai mở và kiện toàn đức tin” (x. Dt 12, 2), thì cũng chính Người mời gọi chúng ta “vác Thập giá của mình từng ngày bước theo Người” (Lc 9, 23), với quyết tâm hoán cải và tin vào Phúc Âm (x. Mc 1, 15). Đức tin của chúng ta hoà quyện vào đức tin của Chúa Giêsu thì có khả năng làm cho Sa Mạc cuộc đời chúng ta và Thập Giá của chúng ta nở hoa Ơn Cứu Độ dưới bóng Thập Giá hồng phúc của Thầy Chí Thánh. Cây Thập Giá mỗi người phải vác từng ngày có thể ví như cây Xương Rồng trong Sa Mạc cuộc đời mình. Nó có nở hoa hay không và hoa đẹp thế nào, là tuỳ thuộc chất lượng của nhựa sống vô hình được cấu thành bởi ba nguyên tố siêu nhiên: TIN, CẬY, MẾN.

Xin chân thành cầu chúc mọi Người Thân và Bạn Hữu, khi bước vào Năm Mới Nhâm Thìn 2012, hãy tự coi mình như một cây Xương Rồng sống bên cạnh những cây Xương Rồng khác. Mỗi cây Xương Rồng mà nở hoa, và càng nở nhiều hoa, thì hoa càng che khuất bớt những chùm gai khủng khiếp không hế thiếu vắng nơi loài Xương Rồng… , và như thế cả Sa mạc Giáo Hội và Xã Hội đều nở hoa, những bông hoa đẹp của Bác Ái, Niềm Vui, Hoà Bình… (x. Gl 5, 22-23), Công Lý và sự Tự Do của con cái Thiên Chúa.

Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm
Đàlạt ngày 22-01-2012 trước ngưỡng cửa Năm Nhâm Thìn.
(NB: Để triển khai ý nghĩa “Sa Mạc” trong bài suy niệm này, chúng tôi đã lấy cảm hứng phần nào từ mục từ “Sa mạc” (désert) của Charles THOMAS và Xavier LÉON-DUFOUR trong Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (VTB).

Về Đầu Trang Go down
 
Sa mạc nở hoa
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: CHIA SẺ :: SUY TƯ - CHIA SẺ-
Chuyển đến