Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmNiềm vui của Thánh Phanxicô (2) Th_thong-tin-1Niềm vui của Thánh Phanxicô (2) Th_gioi-tre-1Niềm vui của Thánh Phanxicô (2) Th_chia-se-1Niềm vui của Thánh Phanxicô (2) Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Niềm vui của Thánh Phanxicô (2)

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Niềm vui của Thánh Phanxicô (2) Empty
Bài gửiTiêu đề: Niềm vui của Thánh Phanxicô (2)   Niềm vui của Thánh Phanxicô (2) EmptySat Nov 24, 2012 2:28 pm

NIỀM VUI CỦA THÁNH PHANXICÔ (2)

Niềm vui của Thánh Phanxicô (2) Badalocchio_Sisto-St_Francis_of_Assisi_consoled_by_Angels
Giáo hội được ban cho chúng ta

Giáo hội cũng được ban cho chúng ta: anh em, chị em, và các vị mục tử nữa. Chúa đã ban họ cho chúng ta, trước khi chúng ta được sinh ra cho sự sống đời đời. Chúng ta đón nhận Giáo hội trước khi làm việc xây dựng Giáo hội. Trong Giáo hội có sự buồn bã và không thỏa mãn, và nhiều sự chỉ trích. Một phần nào, những điều ấy có thể biện minh được; bởi vì Giáo hội gồm những con người yếu đuối và tội lỗi. Nhưng chúng ta đừng quên rằng trước tiên Giáo hội là một hồng ân nhưng không của Chúa. Giáo hội được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng bị đóng đinh và từ lửa của lễ Hiện xuống.

Vào thời của Phanxicô, Giáo hội chưa hoàn hảo đâu. Và so với thời nay, Giáo hội thời ấy biết đâu vẫn còn thua kém. Chỉ có Chúa xét đoán được việc này thôi. Nhưng đây là điều Phanxicô đã viết trong Di chúc: “Chúa đã ban và vẫn còn ban cho tôi ơn tin mạnh mẽ vào các linh mục sống theo quy luật Giáo Hội Rôma vì thánh chức của các ngài, nên dầu các ngài có bách hại tôi, tôi vẫn chạy đến với các ngài. Dù tôi có khôn ngoan như vua Salomon, nếu tôi gặp các linh mục thấp kém ở thế gian này, tôi cũng không muốn giảng dạy trong giáo xứ của các ngài, nếu các ngài không chấp thuận. Tôi muốn kính sợ, yêu mến và quý trọng các ngài cũng như tất cả các linh mục khác như là tôn chủ của tôi”. Và Phanxicô viết tiếp: “Tôi hành động như thế vì tôi không thấy có gì cụ thể trong thế gian này về Người con chí thánh của Thiên Chúa, ngoài Mình và Máu rất thánh của người, mà chính các ngài nhận lấy và chỉ các ngài mới được ban phát cho kẻ khác. Tôi muốn các mầu nhiệm rất thánh này được mọi người kính trọng, tôn sùng trên hết mọi sự, và cất giữ ở những nơi quý giá. Nếu tôi bắt gặp những tấm giấy ghi chép Tên và Lời rất thánh của Chúa ở những nơi bất xứng, tôi muốn thu lại và xin người ta thu lại, và để vào nơi xứng đáng. Còn đối với rất cả các nhà thần học và những người ban phát lời chí thánh của Chúa, chúng ta phải quý mến và tôn kính: chúng ta phải xem các ngài như là những người thông ban cho chúng ta thần khí và sự sống”.

Người ta hiếm khi nói ra những lời tinh tuyền về Giáo hội và linh mục, phép Thánh thể và Kinh thánh như trong Di chúc của con người nghèo thành Átxidi. Bất cứ nơi nào ngài và anh em tới rao giảng, một niềm vui lớn lao tràn ngập các thành thị và làng mạc. Bởi vì lời của con người yêu mến Giáo hội, như Giáo hội hiện diện cụ thể trong thế gian, thì có hiệu quả. Lời người ấy đem lại vui sướng. Sự cải cách thật sự cho Giáo hội không bao giờ là kết quả của sự cay đắng trong tâm hồn của người kết án Giáo hội. Lẽ tất nhiên, những gì Phanxicô nói chưa phải là bài diễn văn đầy đủ về Giáo hội và các sứ vụ của Giáo hội. Còn cần phải nói thêm nhiều nữa. Nhưng chắc chắn không thể nói ít hơn được.

“Con ơi, đừng lo lắng nữa”

Phanxicô không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Chúa đã ban cho tôi một số anh em”. Tuy vậy, đôi khi nhìn lại những gì xảy ra trong Dòng, ngài đã lo sợ nhiều. Rồi một ngày kia, Chúa nói lời trên đây với ngài; Chúa cũng nói lời này với mỗi người chúng ta, dù chúng ta là gì chăng nữa: cha mẹ lo lắng, linh mục tu sĩ mỏi mệt, thậm chí nản lòng nữa; lời được nói với những ai muốn giúp những người khác sống mạnh và những ai cảm thấy lo lắng. Chúa nói với Phanxicô: “Hỡi con. Hãy học biết ta là Chúa và không làm cho con lo lắng. Ta đã trao đàn chiên cho con, nhưng ta vẫn là mục tử coi sóc đàn chiên. Con không được quên điều này. Ta đã chọn con, dù con mọn hèn nhỏ bé, để thế gian thấy rõ một điều: những gì ta thực hiện qua con không do tài năng của con, nhưng do ân sủng của ta. Ta là Đấng đã chọn con. Ta là Chúa. Tương lai Dòng con là chuyện của ta. Con đừng lo lắng làm chi”.

Niềm vui của sứ giả hòa bình

Phanxicô đi rao giảng ở các thành thị và nông thôn. Ngài rao giảng hòa bình. Một luồng gió của hòa bình và hòa giải bay khắp vùng. Rồi bay xa hơn, đến cả Aicập, nơi có quốc vương Hồi giáo cư ngụ. Trong biên niên sử của một cố vấn của quốc vương, vẫn ghi lại “chuyện một tu sĩ”. Phanxicô không đem lại được bình an, và không hoán cải quốc vương, nhưng ngài đã được đón tiếp và trở về bình an vô sự. Chưa bao giờ kinh thánh và sách coran lại gần nhau đến thế, khi “con người nhỏ bé dễ thương ấy” đứng trước quốc vương và nói về hòa bình hòa giải, và rao giảng Đức Giêsu Kitô. Ngài chỉ diễn tả bằng một thứ tiếng Pháp không sành sỏi, ngôn ngữ của mẹ ngài. Thế nhưng người ta hiểu được lời ngài.

Phanxicô mang hòa bình đến cho hàng chục thị trấn nhỏ kình địch nhau của nước Ý. Ít năm sau, một sinh viên luật ghi lại: “Tôi học ở Bologne, và tôi có dịp nghe một bài giảng của Phanxicô trên quảng trường các dinh thự. Gần như cả thành phố đều có mặt. Ngài không có vẻ gì là nhà hùng biện, cả trong lời nói và cử chỉ. Chỉ là một lời kêu gọi đơn giản là hãy quên đi các tình cảm của thù hận và hãy sống hòa bình. Nhà giảng thuyết có một dáng mạo rất tầm thường; người không đẹp và ăn mặc y như một người nghèo.
Nhưng người đã thành công khi hòa giải được giới quý tộc của Bologne, trong lúc họ đang thù ghét nhau từ nhiều thế kỷ qua”
.

Việc trên xảy ra vào thế kỷ 13 tại Bologne. Nhưng chúng ta có cần một con người hòa bình như vậy nữa không? Chúng ta có nơi nào không phải là Bologne không? Có nơi nào không có người không thể hòa giải sao? “Bình an và thiện hảo” (Pace e bene): đó là lời mà cả thế giới chờ đợi.

“Anh hãy luôn luôn thương xót”

Chúng ta cần một Phanxicô nhìn vào tận đáy lòng của mỗi một người thời đại chúng ta, chạm đến nơi họ bị thương tích và chờ đợi sự tha thứ. Bởi vì người thời đại chúng ta rất cần sự hòa giải. Xin nghe một đoạn thư Phanxicô gửi cho một anh Phục vụ: “Điều làm cho tôi biết được anh có yêu mến Chúa và yêu mến tôi, người tôi tớ của Người và của anh hay không, đó là không một anh em nào trên đời đã phạm mọi thứ tội có thể phạm được, mà sau khi đã gặp mặt anh để xin thương xót, lại ra đi mà không được anh tha thứ. Nếu người ấy không xin, thì phần anh, anh hãy hỏi người ấy có muốn được tha thứ không. Và nếu sau này người ấy có phạm tội trước mặt anh ngàn lần đi nữa, thì anh cứ yêu mến người ấy hơn là yêu mến tôi, hầu lôi kéo người ấy về với Chúa. Xin anh hãy luôn luôn thương xót những người như thế”.

Anh chị em thân mến, “hãy luôn luôn thương xót người khác”.

Niềm vui đưa người khác trở thành Kitô hữu

Hình ảnh của Phanxicô loan báo Tin mừng không quen thuộc với chúng ta lắm – trừ ra việc ngài giảng cho bầy chim, và con chó sói ở Gubbio – trong khi đó là ơn gọi đích thực của ngài. Lời Chúa mời gọi đã rõ ràng vào một buổi sáng tại nhà thờ Đức Mẹ các thiên thần, khi Phanxicô nghe bài Tin mừng trong lễ một thánh tông đồ: “người môn đệ phải lên đường, không mang bao bị, không mặc hai áo, không đi dép hay cầm gậy, để rao giảng nước Trời” (Mt 10). Phanxicô vẫn hiểu theo lối hiểu trực tiếp và hiểu sát chữ. Ngài nói: “Đây rồi, đây là điều tôi muốn. Khi nghe những lời này, niềm vui của thánh linh đã lôi cuốn tôi”.

Phanxicô không thể lặng thinh, vì ngài đã cảm nhận Tin mừng làm cho ngài vui sướng biết bao. Hạnh phúc này, ngài đã thông chuyển như ngọn lửa cho hàng trăm anh em mới. Và chỉ trong vài năm thôi, số anh em đã lên tới năm ngàn người. Chưa kể Clara và các chị em tại San Damiano; hàng trăm làng mạc và thành phố đã được rao giảng Tin mừng. Một làn sóng phúc âm hóa đã tràn ngập cả đất nước, và vượt qua các biên giới.

Vâng, Phanxicô trước tiên và trước hết là một người giảng thuyết, một người rao giảng Tin mừng. “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9,16). Niềm vui của ngài thật là trọn vẹn. Và niềm vui của các anh em ngài cũng thế.

Quả vậy, tự mình tìm được Đức Giêsu đã là một niềm vui lớn lao. Nhưng niềm vui này vẫn chưa trọn vẹn, nếu nó không được chuyển thông cho những người khác nữa. Nó vẫn chưa đầy đủ đối với người không hề dẫn đưa một người khác trở thành Kitô hữu, cũng chưa đủ cho người chưa bao giờ nhìn thấy một tâm hồn mở ra cho Tin mừng; như tâm hồn của năm môn đệ đầu tiên vào ngày Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ tại Galilê (xem Ga 1,35-51), tâm hồn của Saolô ở nhà Anania, của Corneille ở nhà Phêrô, của Lyđia ở nhà Phaolô bên bờ sông tại Philipphê (xem Cv 16,13).

Đó là thân phận của con người: con người chỉ hoàn tất công việc khi trao ban sự sống cho người khác. Đó là khi trở thành cha hay mẹ, dù trong xác thịt hay trong tinh thần. Bởi vì ngay cả những người ở một mình vì Nước Trời vẫn có thể là cha là mẹ của nhiều người khác, theo lời của Đức Giêsu (xem Lc 18,18). Thật là niềm vui khôn tả khi đưa một người trở nên Kitô hữu.

Khởi điểm cho việc chúng ta thiếu vắng niềm vui chính là chúng ta trao ban sự sống một cách quá tỉ mỉ, chi tiết. Nhất là về sự sống Chúa ban: chúng ta không dẫn ai trở thành Kitô hữu cả. Người ta nói đó là do chúng ta sợ. Chúng ta hoặc không loan báo Tin mừng hoặc loan báo quá ít.

Chúng ta còn nói về Chúa không? Phải chăng chỉ khi chúng ta ở một mình hoặc khi chúng ta biết là người ta có thể nói về Chúa trong các nhà thờ hoặc những nơi đã chọn. Còn tại nhà, nơi lao động hoặc trên đường phố thì sao? Sự khát khao lời Chúa không kém lớn trong mọi nơi chúng ta sống phần lớn đời mình và nơi mà Chúa không hề được nêu tên tới.

Các nhà rao giảng và các ngôn sứ ở đâu cả? Những người nói về Chúa đang ở đâu? Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói bên cạnh mồ thánh Phanxicô ngày 12.3.1982: “Hãy rời phòng thánh của anh em và ra đi loan báo Tin mừng”.

Nơi đâu người nghèo được rao giảng Tin mừng, ở đó có nước Chúa. Phanxicô nói với mọi người, nhất là nông dân nghèo, người dân nông thôn, người ăn xin, người lang thang, người bị gạt bên lề thành phố, người chưa hề nghe nói về Nước Trời. Và họ đã lắng nghe: những người nghèo đã hiểu lời con người nghèo thành Átxidi nói. Còn chúng ta thì sao? Ai là người nghèo ngày nay được Chúa mặc khải các bí nhiệm của ngài? Đám đông ấy chưa hề bước chân vào các nhà thờ, họ chiếm một phần ba hoặc một phần tư dân số thế giới; rồi còn biết bao người đau khổ, tù nhân và người xa lạ. Và những ai thờ thần Moloch của chủ nghĩa tiêu thụ, họ đều khốn khổ cả. Hãy đi tìm họ để nói với họ. Và họ sẽ lắng nghe.

Tôi tin chắc rằng nếu ngày nay Phanxicô trở lại trần gian, ngài sẽ chọn đến với trẻ em. Tại đất nước chúng ta, có biết bao trẻ em chưa hề nghe hoặc gần như chưa biết gì về Tin mừng. Không ai nói với các em về Chúa; không ai dạy cho các em những lời thân thưa với Chúa. Nhiều trẻ em đã lớn lên, cô đơn, trong một thế giới không có Chúa. “Lũ sơ sinh và bầy trẻ dại gục ngã khắp quảng trường. Lũ trẻ thơ hoài công hỏi mẹ: “bánh con đâu?”, rồi ngã gục trên quảng trường thành phố, tựa như người bị đâm: chúng trút linh hồn ngay trên tay mẹ” (Ac 2,11-12). Những lời này trong sách Ai ca không đúng cho Giêrusalem mà chúng ta đang ở đó sao? Các trẻ em của chúng ta rất ít nghe loan báo Tin mừng. Vì vậy, các em chóng mất đi niềm vui và cái nhìn trong sáng. Ngay cả trong Giáo hội cũng vậy. Vì các em đụng đến các vấn đề kinh khủng: một người bạn nhỏ qua đời, một thế giới đầy đau khổ và đói ăn; và bao cuộc chiến tranh… Ai trả lời cho các câu hỏi của các em: “Tại sao tôi đến thế gian này? Tại sao bố tôi ra đi? Tại sao tôi bị bệnh? Tại sao bà ngoại không còn sống nữa? Cầu nguyện là gì nhỉ? Chúa là ai và Đức Giêsu là ai?”. Đó là những câu hỏi của các trẻ em 7-8 tuổi. Và cần trả lời cho các em.

Giáo hội rất cần lòng tin của trẻ em. Không có trẻ em, “Chỉ còn sót lại cô gái Xion, như túp lều trong vườn nho, như cái chòi trong vườn dưa, như thành thị bị vây hãm” (Is 1,Cool. Một nền văn minh không có lời cầu nguyện của trẻ em thì giống như một năm không có mùa xuân. Về trẻ em, cha xứ họ Ars có câu nói nổi tiếng: “Không dẫn đưa trẻ đến việc cầu nguyện, là phạm một bất công đối với cả thế giới”.

Ngày thứ năm và thứ sáu tuần thánh của Phanxicô.

Phanxicô là con người của vui mừng, của ánh sáng, của trong sáng. Đây không phải là một nét của tính tình nơi Phanxicô, mà là hoa quả của hồng ân Chúa. Bởi vì ngài đã biết giờ tối tăm của mình. Hơn một lần. Cuối đời ngài, ngài đã sống thứ năm tuần thánh và đồi Gôngôtha. Trong nhiều tuần lễ, ngài sống một mình trên núi Alverna, trong bóng tối hoàn toàn. Các nguồn văn nói đến một khủng hoảng bí nhiệm, một sự suy sụp sâu đậm: đó là vườn cây dầu của ngài. Các anh em nghe tiếng ngài khóc, như Chúa Giêsu đã khóc trong vườn. Ngài đã khóc lâu giờ, tâm hồn đảo lộn bởi bộ mặt đêm đen của sự phát triển của Dòng; tất cả thoát xa ngài, ngài không còn gì để nói nữa. Ngài nghĩ đến tất cả: ơn gọi của ngài là ảo ảnh sao? Ngài đã sai lầm chăng?

Bỗng chốc một thiên thần hiện đến: thiên thần có vết thương ở tay và chân. Giờ đây, Phanxicô chỉ còn là một với Chúa trên thập giá. Các vết thương bí mật, tức các dấu đanh, ai sẽ giải thích đây? Chứng cớ đã rành rành rồi. Nhưng điều này không thể giải thích được ư? Phanxicô trở nên một với Đấng chịu đóng đinh trong tâm hồn, đến nỗi điều đó phải thể hiện trong cả con người ngài, đến trong cả xác thịt. Bởi vì nếu điều xảy ra trong thân xác vào tận tâm hồn được, thì tại sao điều ngược lại không đúng? Điều xảy ra trong tâm hồn cũng in dấu hữu hình trong thân xác của ngài.

Phanxicô sống ngày thứ sáu thánh như thế. Và ngài nói như thánh Phaolô: “Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu” (Gl 6,17).

Anh chị em thân mến, mỗi một người chúng ta và cả thời đại chúng ta đang sống ngày thứ năm và thứ sáu tuần thánh. Cả thế giới là vườn cây dầu, là một đồi Gôngôtha. Có quá nhiều đau khổ trên thế gian, ở xa và ở gần chúng ta. Kể ra chi tiết tỉ mỉ thì không thể chịu nổi. Và thiếu tế nhị nữa! Vì ai đưa ra một vết thương thì chỉ làm quên đi vết thương của những người khác. Tại sao có quá nhiều đau khổ đến thế?

Hãy nhìn thế giới này và vết thương của nó. Với cái nhìn của đức tin: chúng ta không chỉ nhìn thấy máu người mà thôi. Mọi vết thương của thế giới là những dấu đinh: đó là vết thương của Đức Kitô và máu ấy thuộc về Ngài. Mọi vết thương, kể cả của chúng ta nữa, không chỉ là của chúng ta. Mà là của Chúa nữa.

Nói chính xác hơn, bởi vì đó là thân thể của Đức Kitô bị đâm thâu liên lỉ, bởi vì đó là các vết thương của Ngài, chúng sẽ chữa lành. Vì Chúa Cha tôn vinh Chúa Con trên thập giá: Ngài biến đổi các vết thương Chúa Con thành nguồn chữa lành vết thương. “Người phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5). Cũng như các cây trong sách Khải huyền, cây thánh giá là cây sự sống “sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần; lá cây dùng làm thuốc chữa lành các dân ngoại” (xem Kh 22,2).

Mỗi vết thương đòi hỏi nơi chúng ta một sự kính trọng, và hơn nữa còn mời gọi chúng ta đến niềm cậy trông vô bờ bến.

Khi Phanxicô xuống khỏi núi, một sự thinh lặng vây quanh ngài: ngài chỉ sống với ngày thứ sáu thánh của mình. Ngài đã 42 tuổi và mắt gần như mù hoàn toàn. Ngài đi lại khó khăn, nên anh em cho ngài ngồi trên lưng lừa để đến các làng xung quanh. Để làm giảm sự đau nhức của mắt bệnh, chỉ có phương thuốc thô sơ của thời ấy: người ta áp thanh sắt đun nóng vào thái dương của ngài. Nhưng Phanxicô nói như một người được hòa giải: ngài chúc lành cho lửa nóng đang làm ngài đau xé, khi nói: “Hỡi anh lửa, hãy lịch sự nhé. Đừng làm tôi đau. Vì tôi luôn yêu mến anh và sẽ tiếp tục yêu mến anh mà”. Đó là một thứ ngôn ngữ chỉ dùng trên thiên đàng hoặc trong thị kiến của ngôn sứ đã nhìn thấy Đấng thiên sai (xem Is 11). Những lời ấy được nói vào thứ bảy tuần thánh, khi mọi đau khổ đã qua đi và Đức Giêsu nghỉ yên trong mồ.

Phanxicô rút lui vào nơi thanh tĩnh của tu viện San Damiano: ngài đến ở một nhà nhỏ hư hỏng cạnh tu viện. Nơi đây lại có bóng tối và đôi mắt ngài không chịu được ánh sáng, kể cả ánh sáng ngọn nến. Phanxicô biết được thứ bảy thánh của mình, giờ đau khổ và cô độc, giờ xuống hỏa ngục. Không ai có thể nói điều gì đã xảy ra cho ngài: đó có phải là sự đau khổ tuyệt đối không? Liệu Chúa bỏ rơi ngài không?

Bài ca Phục sinh của Phanxicô

Cơn khủng hoảng này sẽ kéo dài hai tháng. Sau đó một ánh sáng phát ra cho ngài. Đôi mắt ngài vẫn còn nhắm, nhưng đôi tai chú ý lắng nghe hơn. Ngài nghe tiếng Chúa nói: “Phanxicô, con hãy vui mừng, hãy hân hoan giữa các đau khổ của con. Kể từ nay, hãy sống an bình, như là con đã sống với Cha trong Nước Trời”.

Cõi lòng Phanxicô bùng dậy: giờ sống lại đã đến, Phục sinh đã bùng lên giữa đêm đen. Như một lời hô vang chiến thắng, bài ca chúc tụng vang ra từ thân xác còm cõi của Phanxicô: “Muôn lạy Chúa con thờ, con xin ca tụng, vì Ngài đã dựng nên muôn loài muôn giống, đặc biệt hơn cả là ông anh mặt Trời, để cho có ngày và để sáng soi. Anh đẹp tuyệt vời, anh rạng ngời rực rỡ, lạy Chúa tối cao, anh là hình ảnh Chúa” (Bài ca anh Mặt Trời). Con xin ca tụng vì chị Hằng, muôn triệu ngôi sao, anh gió ngàn, chị nước, anh lửa và bà mẹ Đất. Đây không chỉ là bài thơ ca tụng nét đẹp của thiên nhiên; mà còn là bài ca Phục sinh của một con người Phục sinh đã vượt qua đau khổ gian truân, một bài ca của người lữ hành đang đi trên con đường sự chết tiến về sự sống; một bài ca mang thai con trẻû vào ngày thứ sáu tuần thánh, sống trong thinh lặng suốt ngày thứ bảy tuần thánh, và cuối cùng chào đời vào ngày thứ bảy Phục sinh. Phanxicô đã mất tất cả; giờ đây ngài nhận lại tất cả.

Anh chị em thân mến, mỗi một người chúng ta đã chìm vào mầu nhiệm Phục sinh này: chúng ta biết ngày thứ năm tuần thánh của mình và bao lo lắng xao xuyến: đó có thể là lần đi khám bệnh, một người thân bị bệnh nặng, người bạn đời cứ mỗi ngày xa tôi hơn, một đứa con bỏ nhà ra đi… “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26, 39). Giờ của lo lắng, thường nặng nề hơn đau khổ mà nó loan báo. Vâng, tất cả chúng ta có ngày thứ sáu tuần thánh của mình, giờ của đau khổ ghê gớm, bóng tối nổi tiếng từ trưa đến ba giờ chiều, giữa cuộc sống chúng ta mà trong đó tất cả xem ra bị đổ gãy cả. Mỗi một người chúng ta cũng sẽ sống ngày thứ bảy tuần thánh: sự cam chịu âm thầm sau khi đau khổ, sự tạm lắng sau bão táp của tin dữ, những giờ đau đớn trên giường bệnh còn chờ sự chữa trị và khách đến thăm; những ngày cuối tuần sống cô độc, không ai đến viếng, không con cái, không bạn bè đến thăm. Cả thế giới này sống thời kỳ của khổ nạn; thế giới đầy dẫy thương tích và vết thương; bao đau khổ che giấu và bao lo lắng cho tương lai. Khủng hoảng và bạo lực diễn ra khắp nơi. Con người bất lực trong một thời kỳ đầy những khả năng bất ngờ. Đức giáo hoàng Phaolô VI đã gọi thế giới này trong Di chúc của ngài là “một sân khấu trần tục và thế gian, huy hoàng và bi thảm”.

Sau thứ bảy tuần thánh là đến ngày Phục sinh. Giờ của đêm đen không hề là giờ sau cùng. Anh chị em thân mến, chúng ta mang trong thân xác mình cuộc khổ nạn của Chúa và sự chết của Ngài, nhưng cũng mang sức mạnh của việc Chúa sống lại. Là người đã được rửa tội, chúng ta cùng chết với Ngài, cùng được an táng với Ngài, nhưng đã được sinh ra cho sự sống mới. Phép rửa tội ghép chúng ta vào cây sự sống, vào Chúa Phục sinh (xem Rm 6, 1-11). Sự chết đã bị đánh bại, và sự sống của Chúa ở trong chúng ta, trong thân xác ta. Những điều này vẫn là vô hình. Nhưng sự sống muôn đời đã ở trong chúng ta như một sự thật chứ không chỉ như một hy vọng xa vời. Kể từ hôm nay, chúng ta mang trong mình mầm của việc Chúa Phục sinh. Một ngày nào đó, mầm sẽ nở ra. Bởi vì con người mới, con người không chết nữa, chúng ta mang nó trong người chúng ta như một đứa con. Và một ngày nào đó, nó sẽ chào đời; không gì ngăn cản nó được. Con người mới đó, được tạo ra trong chúng ta bằng nước rửa tội, sẽ liên lỉ được nuôi dưỡng bằng Phép Thánh Thể. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). Đối với những ai tin và sống điều này, thì đó đã là Phục sinh rồi, dù họ còn phải đau khổ nhiều. “Cho nên chúng ta không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4,16).
Anh chị em thân mến, tôi chúc anh chị em có niềm vui lớn trong lễ Phục sinh của năm dành cho thánh Phanxicô. Chúc niềm vui và sự chữa lành cho mỗi một người anh chị em và cho những ai anh chị em yêu mến. Cũng chúc niềm vui, sự chữa lành và bình an cho cả thế giới “huy hoàng và bi thảm” trong đó Chúa ban cho chúng ta ơn sống đời này.

Chữa lành thời hiện tại

Thời đại chúng ta rất cần sự chữa lành. Cũng như thánh Phanxicô, chúng ta giúp khai sinh một thế giới mới. Một thế kỷ chết đi, một thế kỷ khác ra đời trong đau đớn của lúc sinh ra. Chúng ta không cần một Phanxicô khác hiểu biết thời đại của mình và biết chữa lành nó sao? Phanxicô biết đặt ngón tay ngài lên các vết thương thực sự của thời đại mình: tiền bạc, kiêu ngạo, ngu dốt về tôn giáo. Đó có phải là những nỗi đau mà chúng ta phải chịu bây giờ không? Có lẽ thế. Nhưng có còn nỗi đau khác nữa không? Vậy thì chúng ta cần có người nào đó biết giúp chúng ta hiểu chúng rõ ràng. Nhưng cũng với sự thương yêu nữa. Trước hết, chúng ta cần một medicus mundi (thầy thuốc chữa thế gian), biết chữa trị thời đại và an ủi con người. Người ấy đã đến chưa? Hay còn phải chờ? Có lẽ người ấy đã đến giữa chúng ta mà chúng ta không biết, cũng như Đức Giêsu giữa đám đông bên bờ sông Giođan. Chỉ có Chúa biết. Mỗi đứa con sắp ra đời có thể là người ấy lắm. Nếu chúng ta làm cho người ấy im tiếng, các hòn đá sẽ kêu lên, như lúc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem (xem Lc 19, 40).

Xin Chúa cho chúng ta ơn đón nhận “một tiểu tử thanh bần” cho thời đại chúng ta như thánh Phanxicô. Xin Chúa trao ban cho người ấy nhiều anh chị em. Xin Chúa trao ban những người nam và nữ biết chữa lành, những người được gọi là “thổi phồng tình thương” (thánh Phanxicô Salêsiô).

Anh chị em thân mến, “chúng ta được kêu gọi trở nên người thầy thuốc của nền văn minh chúng ta mơ ước, nền văn minh tình thương… Chúng ta được mời gọi thổi phồng tình thương” (31.12.1975; thứ năm tuần thánh năm 1961). Những lời này của Đức giáo hoàng Phaolô VI, vào một ngày thứ năm tuần thánh, tôi xin biến thành lời của tôi hôm nay, trong lễ Phục sinh này. Và xin phép cho tôi thêm vào năm của thánh Phanxicô lời cầu chúc: “Pace e bene” – bình an và thiện hảo cho mỗi một người trong anh chị em. (Hết)

Lễ Phục sinh năm 1982
Godfried Danneels
Tổng giám mục tổng giáo phận
Malines – Bruxelles, Bỉ

Nguyễn Trọng Đa dịch


Về Đầu Trang Go down
 
Niềm vui của Thánh Phanxicô (2)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Niềm vui của Thánh Phanxicô (1)
» Thánh Phanxicô đam mê Tin Mừng
» Thánh Phanxicô Átxidi: Anh hùng bảo vệ môi sinh
» Phanxicô Átxidi ... Cái nhìn mới
» Thánh Giá chữ TAU

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: PHAN SINH TẠI THẾ :: LINH ĐẠO-
Chuyển đến