Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmThường huấn 11-2012 Th_thong-tin-1Thường huấn 11-2012 Th_gioi-tre-1Thường huấn 11-2012 Th_chia-se-1Thường huấn 11-2012 Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Thường huấn 11-2012

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Thường huấn 11-2012 Empty
Bài gửiTiêu đề: Thường huấn 11-2012   Thường huấn 11-2012 EmptySun Nov 11, 2012 4:22 am

THƯỜNG HUẤN 11 – 2012
DÒNG PSTT – ĐÍCH THỰC LÀ MỘT DÒNG TU
(Fr. Benedetto Lino, OFS – ts. Giuse OFM chuyển ngữ)


Thường huấn 11-2012 Formation2012_11b

Trong tư cách những người Phan Sinh Tại Thế, chúng ta là gì? Phải chăng là một phong trào thiêng liêng? Một nhóm tu sĩ? Một tổ chức giáo dân? Chúng ta không bao giờ quên cách Giáo hội nhìn chúng ta: “Anh chị em là một Dòng ... một Dòng tu thực sự”, như tất cả các Đức Giáo hoàng trong quá khứ đã xác nhận một cách rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc là một “Dòng tu”, điều ấy có ý nghĩa gì? Và tại sao Tổng Hiến Chương chúng ta lại định nghĩa Dòng Phan Sinh Tại Thế (Ordo Franciscanus Saecularis – OFS) là một “Hiệp hội Công các Tín hữu”? Trong tài liệu thường huấn lần này, Anh Benedetto Lino đưa ra những câu trả lời cho các câu hỏi đó và nhắc chúng ta nhớ lại lịch sử, bản chất và căn tính chúng ta.


Xuyên suốt thế kỷ trước đây, chính các Đức Giáo hoàng, bằng những lời lẽ chắc chắn, cũng đã mô tả việc tuyệt đối dấn thân và sự cần thiết phải nên thánh nơi các anh chị em Phan Sinh Tại Thế:

“Ngài [Phanxicô Átxidi] đã thành lập một Dòng, một Dòng tu thực sự, Dòng của những người Dòng Ba, không do bởi các lời khấn tu sĩ giống như hai Dòng kia quy định nhưng tương tự như thế, lại được định hình do bởi đời sống giản dị và tinh thần đền tội. Như thế, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, Phanxicô đã cưu mang và đã thực hiện một cách thành công dự phóng, mà không một vị sáng lập Dòng thông thường nào đã từng thai nghén: đó là làm cho bản chất đời sống tu trì lại trở thành một điều gì đó mà hết thảy mọi người đều có thể chia sẻ” (Đức Bênêđíctô XV, Hiến chế “Sacra Propediem”, ngày 06.01.1921).

“Việc tuyên khấn trọn đời của một người Dòng Ba Phan sinh đạo đức ... không nằm ở nơi sức mạnh của lời tuyên khấn, cũng không hệ tại ở nơi đời sống chung. Đó không phải là đời sống tu trì theo đúng mặt chữ, nhưng là theo tinh thần của đời sống tu trì. Đó là tinh thần của đời sống tu trì ấy và sự hoàn thiện của đời sống tu trì ấy được mang vào trong gia đình, trong đời sống thường nhật, trong đời sống tại thế bình thường”.

Nếu họ chỉ là giáo dân Kitô hữu giống như mọi người khác, nghĩa là không phải những người Dòng Ba ... Còn người Dòng Ba Phan sinh là một tước hiệu đặc biệt ... không ai có thể chiếm được – và đó là một sự thủ đắc – một tước hiệu như thế mà lại không có một điều gì đó đặc biệt đi kèm theo tước hiệu ấy” (Đức Pi-ô XI ngỏ lời với anh chị em Dòng Ba Phan sinh Ý, ngày 05.9.1936).

“Anh chị em là một Dòng: một Dòng giáo dân, nhưng thực sự là một Dòng tu, “một Dòng tu đúng theo nghĩa của mặt chữ” theo như ký ức thánh thiện của Đức Bênêđíctô XV, Đấng Tiền nhiệm chúng tôi, đã gọi anh chị em; song, anh chị em phải trở nên một trường dạy sự hoàn thiện Kitô hữu. Nếu không có sự quyết tâm kiên quyết đó, thì không thể trở thành một thành viên thích hợp trong một đạo quân rất ưu tuyển và rất vinh quang ấy được” (Đức Pi-ô XII, ngày 01.7.1956, Diễn văn với ACE Dòng Ba tại Rôma).

“ ... anh chị em cũng là một “Dòng”, như Đức Giáo hoàng (Đức Pi-ô XII) đã nói: “một Dòng giáo dân, nhưng đích thực là một Dòng tu”; cũng như Đức Bênêđíctô XV đã nói tới “Ordo veri nominis” (một Dòng tu chính danh). Chữ “Dòng” (“Order”) đó, là một từ ngữ cổ – một từ ngữ thời Trung Cổ - diễn tả việc anh chị em mật thiết thuộc về đại Gia đình Phan sinh. Chữ “Dòng” nghĩa là sự tham gia vào kỷ luật và sự khắc khổ thích hợp với nền linh đạo ấy, trong lúc vẫn giữ lại được tính tự trị liên quan tới điều kiện sống là người giáo dân và tại thế của anh chị em, đây là điều thường ám chỉ những sự hy sinh không kém phần quan trọng so với những hy sinh được nối kết với đời sống của các tu sĩ và các linh mục” (Đức Gioan Phaolô II, ngày 14.6.1988, ngỏ lời với Tổng Tu nghị Dòng Phan Sinh Tại Thế).

Những lời phát biểu vào các năm: 1921,1936, 1956, 1988 là huấn giáo liên tục và kiên định của Giáo quyền!

Huấn giáo của Giáo quyền nói trên đây tạo cơ hội cho tôi nhấn mạnh tới một vài điềm cốt thiết liên quan đến bản chất Dòng Phan Sinh Tại Thế.

Tổng Hiến Chương chúng ta định nghĩa Dòng Phan Sinh Tại Thế là một “Hiệp hội Công các Tín hữu”. Do bởi định nghĩa ấy, mà một số anh chị em Phan sinh phàn nàn: Chúng ta không còn là một Dòng Ba! Chúng ta không còn là một Dòng nữa! Chúng ta đã bị giáng cấp!

Những khẳng định như thế là suy luận vô lý, sai trái và lầm đường lạc lối. Tuy nhiên, thậm chí cho dù những khẳng định ấy là có thật (hoặc không) đi nữa, thì chúng ta vẫn có bạn mà! Cũng thế, Dòng Anh Em Hèn Mọn không còn là một Dòng: thật vậy, Anh Em Hèn Mọn là một Tu hội Đời sống Thánh hiến, giống y như nhiều Dòng khác.

Anh chị em có thể nhận ra không? Luôn luôn ngấm ngầm bên dưới bề mặt, thật sự thỉnh thoảng lại được nhìn thấy rất rõ, đó là khát vọng muốn khoe khoang sự ưu việt của chúng ta, sự thất vọng hoặc sự sợ hãi mà chúng ta cho là thua kém!

Không cần phải lo sợ! Những tước hiệu mới (Hiệp hội Công các Tín hữu và Tu hội Đời sống Thánh hiến) là những thuật ngữ mới mẻ phát xuất từ Bộ Giáo luật mới (1983) và những tên gọi mới không hề thay đổi chút gì (iota) thực chất con người chúng ta, bản chất Dòng chúng ta. Bản chất chúng ta được xác định bởi cảm hứng nền tảng mà Phanxicô đã nhận được từ nơi Thiên Chúa, bởi sự tiến triển của chúng ta và bởi các văn kiện nền tảng mà Giáo hội đã đưa ra cho chúng ta.

Các độc giả chuyên chú hơn và ít hời hợt hơn chắc chắn sẽ nhận thấy rằng: hiện nay, việc được xem là một Hiệp hội Công các Tín hữu, với tất cả những chi tiết được xác định, lại đem đến cho Dòng chúng ta một chiều sâu và một sự phong phú các thuộc tính và các viễn ảnh còn vượt xa trên tình trạng hàm hồ và lỏng lẻo của việc được xem là một loại Dòng ba (third Orderas) như người ta hiểu sau này. Hơn nữa, chưa bao giờ như hiện nay, Dòng Phan Sinh Tại Thế lại tương xứng một cách chặt chẽ với định nghĩa về Dòng ba Bộ Giáo Luật hiện hành đưa ra và tương hợp với học thuyết nhấn mạnh tới Dòng Ba ấy.

Dòng Phan Sinh Tại Thế vẫn thế, cho dẫu tên gọi của Dòng có là gì đi nữa cũng chẳng hề hấn chi, và mãi mãi vẫn thế, nguyên thủy vẫn là Dòng Anh Chị Em Đền Tội của Thánh Phanxicô, vẫn có sự liên tục không hề gián đoạn với Dòng đã được Thánh Phanxicô Átxidi thành lập!

Tên gọi chẳng làm chúng ta thay đổi chút nào. Song, chúng ta là những người có thể bị đổi thay chỉ vì sự bất trung của chúng ta với ơn gọi đã lãnh nhận được từ nơi Thiên Chúa!

Anh chị em thân mến, dù sao đi nữa, thực vô ích nếu kéo dài ra thêm bất kỳ điều gì liên quan tới những khía cạnh phụ thuộc trong đời sống chúng ta. Đúng hơn, chúng ta phải tập trung vào “việc nên thánh” và chu toàn ơn gọi chúng ta, với sự khiêm tốn, đơn sơ và triệt để. Và nếu có ai đó xem chúng ta là những người hèn mọn hoặc chẳng có giá trị gì, thì chúng ta hãy tạ ơn Chúa và cứ mừng vui hoan hỉ: điều ấy có nghĩa là chúng ta đang đi đúng đường, ngõ hầu hoàn thành ơn gọi của mình với niềm vui hoàn hảo!

CÔNG VIỆC TẠI THẾ MÀ CHÚNG TA DẤN THÂN

Với chừng mực nào đó, chúng ta phải học cách phá vỡ thói câu nệ hình thức việc chúng ta “là một người Phan sinh”. Thật vậy, trong trường hợp chúng ta, có một tính từ đi kèm theo chữ “Phan sinh”: đó là chữ “tại thế”. Tính từ “tại thế” đó muốn nói rằng chúng ta được nhận chìm vào trong thế giới, vào những điều kiện bình thường trong đời sống mọi ngày.

Thiên Chúa tốt lành không cần nhiều nhang khói, việc ngâm nga thánh vịnh dài dòng bất tận, những việc cử hành phụng tự phức tạp, những tràng chuỗi vừa đọc vừa lo ra chia trí, hoặc việc nán lại lâu giờ thêm nữa trong các nhà thờ.

Điều Thiên Chúa cần – và thực sự tôi muốn nói tới “các nhu cầu” ngay cả của Thiên Chúa, là thông qua chúng ta, Thiên Chúa muốn tới gần mọi người nam người nữ đang sống trên thế giới, tới gần mọi sự đang diễn ra.

Thiên Chúa đã đụng chạm tới chúng ta trong bí tích Thánh Tẩy, đang đụng chạm tới chúng ta qua mọi Thánh lễ, đang đụng chạm tới chúng ta nhờ Thánh Thần của Ngài và trông mong được đụng chạm tới toàn thể nhân loại thông qua chúng ta.

Thiên Chúa ước mong tinh thần tình huynh đệ, là điều mà Phanxicô đã lãnh nhận như một quà tặng đầu tiên từ Thiên Chúa, và cũng là điều phải làm nên nét đặc sắc nơi chúng ta, tới gần được từng người và mọi người. Công tác Ngài chờ đợi nơi chúng ta là: “Anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16) và một lần nữa “Ngài dâng lời chúc tụng, bẻ bánh và trao cho các môn đệ Ngài, và các môn đệ phân phát lại cho đám đông” (Mt 14, 19).

NƠI THIÊN CHÚA MUỐN CHÚNG TA THỂ HIỆN BẢN CHẤT VÀ SỨ VỤ CHÚNG TA

Nếu chúng ta “học tập, yêu mến và sống” Luật Dòng và Tổng Hiến Chương của chúng ta (Chân phước Đức Gioan Phaolô II, 1982 và 2002), thì chúng ta phải ý thức rõ ràng rằng: gia đình, công việc và sự dấn thân trên bình diện xã hội, chính trị và môi trường chính là những lãnh vực “thần học” hàng đầu trong đời sống và hoạt động của chúng ta. Đấy là những lãnh vực trong đó chúng ta phải “phục vụ” một cách đặc biệt nhất.

Nếu gia đình, công việc chúng ta làm và bối cảnh xã hội được thấm đẫm bằng việc chúng ta tích cực hiện diện, bằng gương sáng và việc chúng ta dấn thân, thì các thực tại ấy sẽ được linh hoạt nhờ tinh thần yêu thương và nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa. Không nghi ngờ gì nữa, xã hội chúng ta sẽ trở nên một xã hội tốt đẹp hơn và thế giới sẽ trở nên một thế giới tốt đẹp hơn.

DẤN THÂN NÊN THÁNH VÀ SỐNG PHÚC ÂM ĐỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI, GIỐNG NHƯ PHANXICÔ

Chúng ta đạt tới mức nào trong việc thể hiện toàn bộ ơn gọi chúng ta?

Chúng ta đã tiến tới đâu mức hoàn thiện trong tình yêu như Luật Dòng đòi hỏi?

Chúng ta – vâng ngay cả anh chị em và bản thân tôi nữa – phải chăng chúng ta đang bước đi trên xa lộ cuộc hành trình trở nên những Kitô khác?

Anh chị em thấy đấy, vì đó đích thực là điều liên hệ tới chúng ta. Chúng ta không thể bằng lòng chỉ vì đang bước gần tới, thêm lên một chút lòng đạo đức sùng mộ, đang hiện diện, nhưng thường là không mấy toàn tâm toàn ý, trong Giáo hội là giáo xứ tại địa phương, luôn luôn với điều kiện là những chuyện ấy đừng có gây phiền phức cho nếp sống thường nhật của chúng ta đã có quá nhiều việc.

Để chu toàn nhiệm vụ là những dấu chỉ, chúng ta phải nên THÁNH. (1)

Đó là một đòi hỏi cấp bách và không được trì hoãn.

“ANH CHỊ EM RẤT THÂN MẾN, CHỈ CẦN NGHĨ TỚI ẢNH HƯỞNG QUYẾT ĐỊNH MÀ CHÚNG TA CÓ THỂ TẠO RA, KHIẾN CHO THẾ GIỚI ĐƯỢC THAY ĐỔI, NẾU NHƯ TẤT CẢ 500.000 ANH CHỊ EM PHAN SINH TẠI THẾ ĐANG PHÂN TÁN KHẮP THẾ GIỚI TẠI 111 QUỐC GIA, ĐÃ SỐNG ƠN GỌI CỦA MÌNH CHO TRỌN VẸN XEM”.


SUY NGHĨ VÀ THẢO LUẬN TRONG HUYNH ĐỆ ĐOÀN:

1.Đâu là những khác biệt giữa một dòng tu, một “Dòng Ba” như người ta vẫn gọi như thế so với Dòng Phan Sinh Tại Thế chúng ta?
2.Tại sao tên gọi mới “Hiệp hội Công các Tín hữu” (theo Giáo Luật) không làm thay đổi bản chất Dòng Phan Sinh Tại Thế chúng ta?
3.Đâu là ý nghĩa và nội dung của tính từ “tại thế” trong tên gọi của Dòng chúng ta?


(1). Xth. THC 17.4: Việc tham gia vào thừa tác vụ thánh hóa mà Hội Thánh thực hành trong phụng vụ, trong kinh nguyện, trong các việc đền tội và bác ái, cần được anh chị em thực hiện trước hết trong gia đình mình, kế đến trong Huynh đệ đoàn và sau cùng, bằng sự hiện diện tích cực của mình trong Hội Thánh địa phương và trong xã hội.

Về Đầu Trang Go down
 
Thường huấn 11-2012
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Bài Thường huấn số 5-2012
» Thường huấn số 8 - 2012
» Bài Thường huấn số 6 - 2012
» Bài Thường huấn số 7 - 2012
» Bài Thường Huấn số 3-2012

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: CHIA SẺ :: HUẤN LUYỆN-
Chuyển đến