Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmNĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1 Th_thong-tin-1NĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1 Th_gioi-tre-1NĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1 Th_chia-se-1NĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1 Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 NĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1

Go down 
Tác giảThông điệp
kthoa




Tổng số bài gửi : 64
Join date : 05/04/2012

NĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1 Empty
Bài gửiTiêu đề: NĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1   NĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1 EmptySun Nov 04, 2012 9:18 am

NĂM ĐỨC TIN

Bài Huấn Giáo thứ nhất
của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, 17-10-2012


NĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1 Logo_NamDucTin

“ ... Qua Tông Thư ”Cửa Đức Tin” tôi đã ấn định Năm đặc biệt này, để Giáo Hội canh tân niềm hăng say tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất, để khơi dậy niềm vui tiến bước trên con đường Chúa đã chỉ cho chúng ta và làm chứng một cách cụ thể về sức mạnh biến đổi của đức tin.

Kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 là một cơ hội quan trọng để trở về cùng TC, để đào sâu và sống niềm tin của mình một cách can đảm hơn, để củng cố sự thuộc về GH, ”là thầy dạy của nhân loại”, qua việc loan báo Lời Chúa, cử hành các bí tích và các hoạt động bác ái, GH hướng dẫn chúng ta gặp gỡ và nhận biết Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đây là một cuộc gặp gỡ không phải với một ý tưởng hay một dự phóng cuộc sống, nhưng với một Nhân Vật sống động, biến đổi chúng ta một cách sâu xa, tỏ cho chúng ta căn tính đích thực của chúng ta là con cái TC. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đổi mới những quan hệ của chúng ta với con người, hướng dẫn những quan hệ đó ngày qua ngày, để mang tính chất liên đới và huynh đệ hơn, theo tiêu chuẩn của tình thương. Tin nơi Chúa không phải là một điều chỉ liên hệ tới trí tuệ của chúng ta, lãnh vực tri thức mà thôi, nhưng còn bao trùm trọn con người của chúng ta nữa: tình cảm, con tim, trí thông minh, ý chí, thể xác, cảm xúc, những tương quan với con người. Với đức tin, tất cả đều được biến đổi trong chúng ta và cho chúng ta, và chúng ta thấy rõ định mệnh tương lai của mình, sự thật về ơn gọi của chúng ta trong lịch sử, ý nghĩa cuộc sống, niềm vui thích được làm người lữ hành tiến về quê trời.

Ảnh hưởng của đức tin

Nhưng chúng ta tự hỏi: đức tin có thực sự là sức mạnh biến đổi cuộc sống chúng ta hay không? Hay nó chỉ là một trong những yếu tố trong cuộc sống, chứ không phải là điều tố bao trùm cả cuộc sống? Qua những bài giáo lý Năm Đức Tin này, chúng ta muốn làm một cuộc hành trình để củng cố hoặc tìm lại niềm vui đức tin, hiểu rằng đức tin không phải là một cái gì xa lạ, tách rời khỏi đời sống cụ thể, nhưng chính là linh hồn của cuộc sống. Niềm tin nơi một Thiên Chúa là Tình Thương, và là Đấng đã trở nên gần gũi với con người, nhập thể và hiến mình trên thập giá để cứu vớt chúng ta và mở cửa trời cho chúng ta, chỉ cho thấy một cách sáng ngời rằng chỉ trong tình yêu mới có sự sung mãn của con người. Ngày nay cần phải lập lại điều đó một cách rõ ràng, giữa lúc những biến đổi văn hóa hiện nay thường cho thấy bao nhiêu hình thức man rợ, dưới chiêu bài gọi là ”những chinh phục của nền văn minh”: đức tin khẳng định rằng chỉ có nhân đạo chân chính tại các nơi, trong những cử chỉ, trong thời gian và trong những hình thức qua đó con người được được linh hoạt bằng một tình thương đến từ Thiên Chúa, được diễn tả như một hồng ân, được biểu lộ trong những quan hệ đầy tình thương, cảm thương, quan tâm và phục vụ vô vị lợi đối với tha nhân. Nơi nào có sự thống trị, chiếm hữu, bóc lột, biến tha nhân thành món hàng để mưu lợi cho cá nhân mình, nơi nào có sự kiêu hãnh của cái tôi khép kín nơi bản thân, thì con người trở nên nghèo nàn, bị hạ cấp và biến dạng. Đức tin Kitô hoạt động trong bác ái và vững mạnh trong niềm hy vọng, không giới hạn nhưng nhân bản hóa cuộc sống, hay đúng hơn, đức tin làm cho cuộc sống hoàn toàn là con người”.

ĐTC giải thích rằng:

“Đức tin là đón nhận sứ điệp có sức biến đổi ấy trong đời sống chúng ta, là đón nhận mạc khải của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta biết Ngài là ai, hành động như thế nào và đâu là những dự phóng của Ngài cho chúng ta. Dĩ nhiên, mầu nhiệm Thiên Chúa vẫn luôn ở ngoài những ý niệm và lý trí, các nghi thức và kinh nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, với mạc khải, chính Thiên Chúa tự thông truyền cho chúng ta, kể chuyện cho chúng ta và cho chúng ta có thể đến với Ngài. Và chúng ta nhận được khả năng lắng nghe Lời Chúa, đón nhận sự thật của Ngài. Và đây chính là điều tuyệt vời của đức tin: Thiên Chúa, trong tình yêu thương, đã tạo dựng nơi chúng ta - nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh - những điều kiện thích hợp để chúng ta có thể nhận ra Lời của Ngài. Chính Thiên Chúa, vì muốn tự biểu lộ, tiếp xúc với chúng ta, hiện diện trong lịch sử con người, nên Ngài đã cho chúng ta có khả năng lắng nghe và đón nhận Ngài. Thánh Phaolô đã vui mừng diễn tả điều đó với lòng biết ơn: “Chúng tôi luôn cảm tạ Thiên Chúa, vì sau khi đã đón nhận từ chúng tôi lời Chúa qua việc rao giảng, anh chị em đã đón nhận lời ấy không phải như lời người phàm, nhưng thực sự như Lời Thiên Chúa Đấng hoạt động trong anh em là những người tin” (1 Ts 2,13).

Thiên Chúa tự biểu lộ qua lời nói và việc làm trong lịch sử dài về tình bạn với con người, và với tột đỉnh ở trong cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa và trong mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Thiên Chúa không những tự biểu lộ cho chúng ta trong lịch sử của một dân tộc, không những nói qua các ngôn sứ, nhưng Ngài còn giã từ cõi trời để đi vào thế giới của con người như một người, để chúng ta có thể gặp gỡ và lắng nghe Ngài. Và từ Jerusalem việc loan báo Tin Mừng cứu độ được loan truyền cho đến tận bờ cõi trái đất. Giáo Hội, được khai sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô, trở thành người mang niềm hy vọng mới mẻ và vững chắc: Đức Giêsu thành Nazareth, bị đóng đanh và chịu chết, đang ngự bên hữu Chúa Cha, và là vị xét xử người sống và kẻ chết. Đó là huấn giáo, là lời loan báo nòng cốt và mạnh mẽ của đức tin. Nhưng ngay từ đầu người ta đã đặt vấn đề ”qui luật đức tin”, nghĩa là lòng trung thành của các tín hữu đối với chân lý Tin Mừng, trong đó cần phải kiên vững, trung thành với chân lý cứu độ về Thiên Chúa và về con người, cần phải bảo tồn và thông truyền. Thánh Phaolô đã viết: “Anh em lãnh nhận ơn cứu độ, nếu anh em duy trì Tin Mừng trong hình thức mà tôi đã loan báo cho anh em. Nếu không anh em sẽ tin vô ích” (1 Cr 15,2).

Kinh Tin Kính

ĐTC đặt câu hỏi: ”Nhưng từ đâu có công thức thiết yếu của đức tin? Chúng ta tìm được ở đâu chân lý được trung thành truyền lại và tạo nên ánh sáng cho đời sống thường nhật của chúng ta? Câu trả lời thật là đơn giản: thưa ở trong kinh Tin Kính, trong bản tuyên xưng đức tin, qua đó chúng ta gắn bó với biến cố nguyên thủy Con Người và lịch sử của Đức Giêsu thành Nazareth; qua đó người ta cụ thể hóa điều mà thánh Tông Đồ dân ngoại đã nói với các tín hữu thành Corinto: “Vì thế Tôi truyền lại cho anh em trước tiên điều mà chính tôi cũng đã lãnh nhận: nghĩa là Chúa Ktiô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo Kinh Thánh, ngài được an táng và ngày thứ ba Ngài sống lại” (1 Cr 15,3).

Ngày nay chúng ta cũng cần làm sao để Kinh Tin Kính được biết rõ, hiểu sâu hơn và cầu nguyện với kinh này. Nhất là điều quan trọng là làm sao để Kinh Tin Kính được nhìn nhận. Thực vậy, nhận biết có thể là một hoạt động thuần túy là trí thức, trong khi nhìn nhận có nghĩa là cần phải khám phá mối liên hệ sâu xa giữa những chân lý mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính và cuộc sống hằng ngày của chúng ta, để các chân lý ấy thực sự là ánh dẫn đường một cách cụ thể trong cuộc sống chúng ta, trở thành nước tưới gội nơi nóng cháy trên hành trình chúng ta, trở thành sự sống vượt thắng một số sa mạc trong đời sống ngày nay. Trong Kinh Tin Kính có gắn liền cuộc sống luân lý của Kitô hữu, trong đó họ tìm được nền tảng và lý do chứng minh đời sống luân lý ấy. (...)

ĐTC cũng nhận xét rằng ngày nay chúng ta sống trong một xã hội biến đổi sâu xa so với quá khứ gần đây và liên tục biến chuyển. Tiến trình tục hóa và sự lan tràn não trạng hư vô, trong đó mọi sự chỉ là tương đối, đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm thức chung. Như thế, đời sống được sống một cách nhẹ dạ, không có lý tưởng rõ ràng và chẳng có niềm hy vọng vững chắc, giữa lòng những quan hệ xã hội và gia đình lỏng lẻo, tạm bợ. Nhất là các thế hệ trẻ không được giáo dục về sự tìm kiếm chân lý và ý nghĩa sâu xa của cuộc sống vượt lên trên những điều tạm thời chóng qua, họ không được giáo dục về sự bền vững của tình cảm, về lòng tín nhiệm. Trái lại, chủ thuyết duy tương đối làm cho người ta không có những điểm vững chắc, ngờ vực, và dễ ham muốn, tạo ra sự tan vỡ trong những quan hệ giữa con người với nhau, trong khi cuộc sống diễn ra giữa những kinh nghiệm chóng vánh, không lãnh nhận trách nhiệm. Trong khi cá nhân chủ nghĩa và duy tương đối dường như thống trị tâm hồn của nhiều người ngày nay, ta không thể nói rằng các tín hữu hoàn toàn được miễn nhiễm khỏi những nguy hiểm mà chúng ta gặp phải trong việc thông truyền đức tin. Cuộc điều tra thực hiện tại tất cả các đại lục để cử hành Thượng HĐGM thế giới về việc tái truyền giảng Tin Mừng, cho thấy một số nguy hiểm, đó là đức tin được sống một cách thụ động và riêng tư, sự từ khước giáo dục đức tin, sự cách biệt giữa đức tin và cuộc sống.

Các tín hữu Kitô thường không thấy rằng nòng cốt đức tin Công Giáo của mình là Kinh Tin Kính, để rồi đi theo một thứ tôn giáo pha trộn và duy tương đối về tôn giáo, không rõ ràng về các chân lý cần phải tin và đặc điểm cứu độ của Kitô giáo. Ngày nay, có nguy cơ tôn giáo tự chế. Trước thái độ đó, chúng ta phải trở về cùng TC, Thiên Chúa của ĐGK, chúng ta phải tái khám phá sứ điệp Tin Mừng, đưa sứ điệp ấy vào sâu trong ý thức và trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.

(G. Trần Đức Anh OP)

I. Chia sẻ bài giáo lý:

1. Giáo hội khai mở Năm Đức Tin nhằm mục đích gì?
- Để Giáo hội canh tân niềm hăng say tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất, để khơi dậy niềm vui tiến bước trên con đường Chúa đã chỉ cho chúng ta và làm chứng một cách cụ thể về sức mạnh biến đổi của đức tin.
2. Bằng cách nào, Giáo hội giúp các Kitô hữu đạt được mục đích ấy?
- Qua việc loan báo Lời Chúa, cử hành các bí tích và các hoạt động bác ái, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta gặp gỡ và nhận biết Chúa Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật.
3. Đức tin là gì?
- Là một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với mỗi người và qua đó, Thiên Chúa biến đổi con người một cách sâu xa, tỏ cho con người biết căn tính đích thực của mình là con cái Thiên Chúa.
- Là đón nhận sứ điệp mạc khải của Thiên Chúa, Đấng bằng lời nói, việc làm can thiệp vào lịch sử nhân loại và nhất là qua việc Đức Giêsu Kitô nhập thể, chết và sống lại, làm cho chúng ta biết Ngài là ai, hành động như thế nào và đâu là những dự phóng của Ngài cho chúng ta. Tất cả những nội dung ấy được ghi chép lại trong Kinh Thánh, nhất là sách Phúc âm và nằm trong lời huấn giáo nòng cốt của Giáo hội.
4. Đức tin ấy ảnh hưởng thế nào trên cuộc sống cá nhân?
- Với đức tin, tất cả đều được biến đổi trong chúng ta và cho chúng ta, và chúng ta thấy rõ định mệnh tương lai của mình, sự thật về ơn gọi của chúng ta trong lịch sử, ý nghĩa cuộc sống, niềm vui thích được làm người lữ hành tiến về quê trời.
5. Đức tin ấy ảnh hưởng thế nào trên cuộc sống nhân loại?
- Đức tin Kitô hoạt động trong bác ái và vững mạnh trong niềm hy vọng, không giới hạn nhưng nhân bản hóa cuộc sống, hay đúng hơn, đức tin làm cho cuộc sống hoàn toàn là con người.
6. Đâu là “quy luật của đức tin”?
- Đó là lòng trung thành kiên vững của các tín hữu đối với chân lý Tin Mừng, lòng trung thành bảo tồn và thông truyền chân lý cứu độ về Thiên Chúa và về con người.
7. Những mối nguy hiểm hiện nay của đức tin là gì?
- Từ phía xã hội: Tiến trình tục hóa và sự lan tràn não trạng hư vô; chủ thuyết duy tương đối; chủ nghĩa cá nhân; nhất là các thế hệ trẻ không được giáo dục về sự tìm kiếm chân lý và ý nghĩa sâu xa của cuộc sống vượt lên trên những điều tạm thời chóng qua, về sự bền vững của tình cảm, về lòng tín nhiệm.
- Từ phía các Kitô hữu: Đức tin được sống một cách thụ động và riêng tư, sự từ khước giáo dục đức tin, sự cách biệt giữa đức tin và cuộc sống; không tuyên xưng và nhìn nhận Kinh Tin Kính, để rồi đi theo một thứ tôn giáo pha trộn và duy tương đối về tôn giáo, không rõ ràng về các chân lý cần phải tin và đặc điểm cứu độ của Kitô giáo, nguy cơ của một tôn giáo tự chế.

II. Chia sẻ kinh nghiệm đức tin với thánh Phanxicô:

1. Gặp gỡ với người phung cùi (ĐT I,5; 1Cel 7,17; 2Cel 5,9; Is 53, 3): “Chúa đã ban cho tôi, tu sĩ Phanxicô, ơn bắt đầu cuộc đời hoán cải như thế này: khi còn sống trong tội lỗi, mỗi lần trông thấy người phung, tôi lấy làm ghê tởm lắm. Nhưng chính Chúa đã dẫn tôi đến với họ và tôi đã tỏ lòng thương xót họ. Khi xa cách họ, điều trước kia đối với tôi là ghê tởm đã trở thành ngọt ngào cho tôi trong tâm hồn cũng như ngoài thể xác. Sau đó, tôi chờ đợi ít lâu và ra khỏi thế gian” (DC 1-3).
 Khám phá sự hiện diện yêu thương và khiêm hạ của Thiên Chúa, nhất là nơi những người bất hạnh.
 Được biến đổi, quyết tâm trở về lại với Chúa (hoán cải, từ bỏ cái tôi, từ bỏ thế gian) và trở về lại với anh chị em (tỏ lòng thương xót họ).
 Trong tình yêu của Chúa, cảm nghiệm được niềm vui, sự ngọt ngào trong những nỗi cay đắng.

2. Gặp gỡ với Chúa chịu đóng đinh tại San Đamianô (ĐT II,1; 2Cel 10): “Phanxicô, hãy đi sửa lại nhà của Ta. Con thấy đó, nhà Ta sắp sụp đổ hoàn toàn rồi”.
 Tin yêu Chúa Kitô là tin yêu và đón nhận, trung thành và phục vụ Giáo hội Chúa Kitô, một Giáo hội cũng được mời gọi không ngừng đổi mới để có thể chu toàn sứ vụ làm chứng và loan báo Chúa Kitô cho thế giới.
 Tin yêu Chúa Kitô là vâng phục, dấn thân thực hiện ý Chúa và chấp nhận mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời mình.

3. Cuộc khám phá tại Portiuncula (Lễ kính thánh Mathia, 24/2/1209, Mt 10,7-14.– ĐT III,1; 1Cel 22; LĐTPXC, Norberto, 2009, p 27): “Đó là điều tôi ao ước, đó là điều tôi tìm kiếm lâu nay, đó là điều tôi nóng lòng thực hiện”. Điều Phanxicô khám phá là: muốn trở nên môn đệ Chúa Kitô, phải chia sẻ cuộc sống mà Chúa đã sống và truyền cho các Tông đồ phải noi theo, đó là lối sống theo Phúc âm (cf. DC 14-15).
 Phúc âm chính là lời Chúa đang nói với chúng ta.
 Phúc âm chính là cuộc sống Chúa Kitô, để noi gương bắt chước, ngõ hầu đi theo sát vết chân Chúa Kitô.


III. Luật Dòng Phan Sinh Tại Thế:

• Điều 4: “Luật và đời sống của ACE PSTT là: tuân giữ Phúc âm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo gương Thánh Phanxicô Átxidi, Đấng đã chọn Đức Kitô làm nguồn cảm hứng và trung tâm đời sống của mình trong tương quan với Thiên Chúa và loài người. ... hãy thấm nhuần việc đọc Phúc âm thường xuyên bằng cách đi từ Phúc âm đến cuộc sống và từ cuộc sống đến Phúc âm”.
 “Đây là trái tim của Luật Dòng” (TH 8-2012; Ben. Lino).
 “Linh đạo Phan Sinh Tại Thế là một dự phóng đời sống tập trung vào con người Đức Kitô, bằng cách đi theo vết chân Người, hơn là một chương trình chi tiết để thực hiện” (THC 9. 1).

• Điều 5: “ ... tìm cách khám phá con người Đức Kitô đang sống và hành động trong tha nhân, trong Kinh Thánh, trong Hội Thánh và trong các lễ nghi phụng tự” (đặc biệt, nơi bí tích Thánh Thể).
• Điều 6: “ ... cố gắng trở nên chứng nhân và khí cụ thực hiện sứ mạng của Hội Thánh giữa loài người bằng cách dùng đời sống và lời nói loan báo Đức Kitô. ... quyết tâm sống hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục và các Linh mục, sẵn sàng đối thoại cởi mở dựa trên đức tin hầu mang lại lợi ích phong phú cho hoạt động tông đồ”.
• Điều 7: “ ... hãy suy nghĩ và hành động giống như Chúa Kitô suy nghĩ và hành động, nhờ một sự thay đổi nội tâm triệt để và hoàn hảo mà Phúc âm gọi là “hoán cải”, ... sự hoán cải này cần được hoàn thiện mỗi ngày” (bí tích Hòa Giải).
• Điều 13: “ ... hãy đón nhận mọi người như ân huệ của Chúa và như hình ảnh của Đức Kitô. ... sẵn sàng bình đẳng với tất cả mọi người, nhất là với những người hèn mọn hơn cả, là những người mà anh chị em tìm cách tạo những điều kiện sống xứng hợp với những tạo vật được Đức Kitô cứu độ”.

IV. Gợi ý suy nghĩ:

1. Anh/Chị cảm thấy mình được sống gần gũi với Thiên Chúa nhất vào những lúc nào trong cuộc sống?
2. Anh/Chị có cảm thấy đức tin của mình cần phải được đào sâu hơn không và trong thực tế, anh/chị đã làm gì để tăng cường đời sống đức tin của mình?
3. Anh/Chị và Huynh đệ đoàn thường biểu lộ đức tin của mình qua cuộc sống cụ thể như thế nào?
4. Câu Lời Chúa, hoặc câu chuyện, hoặc dụ ngôn nào trong Phúc âm đã từng đánh động tâm hồn anh/chị? và có lẽ đã làm thay đổi một điều gì đó trong đời sống của anh/chị?
5. Anh/Chị có dịp chia sẻ, trao đổi với ai khác về đức tin không?
Về Đầu Trang Go down
 
NĂM ĐỨC TIN - BÀI GIÁO LÝ 1
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» NĂM ĐỨC TIN – BÀI GIÁO LÝ SỐ 2
» NĂM ĐỨC TIN – BÀI GIÁO LÝ SỐ 3
» Giáo lý về Bản Luật Dòng PSTT

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: THÔNG TIN :: SỐNG LỜI CHÚA-
Chuyển đến