Website của Dòng Phan Sinh Tại Thế
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmThường huấn số 10-2012 Th_thong-tin-1Thường huấn số 10-2012 Th_gioi-tre-1Thường huấn số 10-2012 Th_chia-se-1Thường huấn số 10-2012 Th_pstt-1Đăng kýĐăng Nhập

 

 Thường huấn số 10-2012

Go down 
Tác giảThông điệp
joseph03




Tổng số bài gửi : 90
Join date : 05/04/2012

Thường huấn số 10-2012 Empty
Bài gửiTiêu đề: Thường huấn số 10-2012   Thường huấn số 10-2012 EmptyWed Oct 17, 2012 12:53 am

THƯỜNG HUẤN 10 – 2012
SỨ VỤ CỦA HỘI THÁNH LÀ SỨ VỤ CỦA CHÚNG TA

(Fr. Benedetto Lino, OFS - ts Giuse OFM chuyển ngữ)

Thường huấn số 10-2012 St.-Francis-of-Assisi-600x320

Trong bài Thường huấn tháng này, một phần trong bài Anh Benedetto Lino trình bày tại TTN 2011 tại Sao Paolo (Brazil), chúng ta nhớ lại đoàn sủng đặc thù của Thánh Phanxicô trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Sứ vụ của Hội Thánh và sứ vụ của anh chị em Phan Sinh Tại Thế không phải là những sứ vụ khác biệt nhau. Thực hữu ích khi học lại những gì Luật và Tổng Hiến Chương Dòng Phan Sinh Tại Thế nói tới bản chất và đường hướng cốt thiết trong sứ vụ chúng ta.


Sứ vụ của chúng ta là sứ vụ của Hội Thánh, của toàn thể Hội Thánh: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại nhà Ta” nghĩa là trùng tu lại toàn thể ngôi nhà, chứ không chỉ một phần ngôi nhà ấy.

Luật Dòng chúng ta bắt đầu bằng cách mô tả bản chất sứ vụ đó: “hiện tại hóa đặc sủng của Thánh Phanxicô, Cha Chí ái chúng ta, trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh”. Và sứ vụ của Hội Thánh là Phúc âm hóa: Phúc âm hóa là ân sủng và là ơn gọi dành riêng cho Hội Thánh, đây là căn tính sâu sa nhất của Hội Thánh (LBTM 14).

Được Phúc âm hóa: nghĩa là được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, như Phanxicô.

Phúc âm hóa: nghĩa là mang Chúa Kitô đến cho thế giới. Họ phải ra đi như những chứng nhân và khí cụ cho sứ vụ của Hội Thánh giữa muôn dân, loan báo Chúa Kitô bằng đời sống và lời nói (Luật 6).

Cống hiến một Chúa Kitô toàn diện

Nhưng chúng ta phải mang Chúa Kitô nào tới cho thế giới?

Trong bài giảng của mình hôm mồng 09.04.2000, nhân dịp Đại Năm Thánh Phan sinh, với sức mạnh mang tính ngôn sứ, Đức Hồng Y Roger Etchegary đã chỉ điều đó ra cho chúng ta biết: “Và giờ đây, vào buổi hừng đông ngàn năm mới, cuộc mạo hiểm Phan sinh có còn ý nghĩa nữa không? Cuộc mạo hiểm Phan sinh ấy có còn cơ hội để thành công không? Chưa có bao giờ tình huynh đệ đích thực được mong mỏi và đồng thời cũng rất ít được sống cho bằng lúc này. Chưa bao giờ đoàn sủng Phan sinh lại tỏ ra thực cần thiết hơn là ngày hôm nay, để cống hiến một Chúa Kitô toàn diện cho một thế giới đang bị phân hóa, một thế giới đang sợ hãi mối tình anh em liên đới giữa hết thảy mọi người không loại trừ ai”.

Chúa Kitô toàn diện, nghĩa là hết thảy mọi sự nơi Chúa Kitô, mọi khía cạnh liên quan tới Chúa Kitô, đó là điều mà chúng ta, các anh chị em Phan sinh, tương tự như Phanxicô, chúng ta phải mang lấy trong mình và đem ra cống hiến cho thế giới!

Do đó, các lãnh vực mà chúng ta được kêu gọi để phục vụkhông hề giới hạn và thực đòi hỏi.

Một Sứ vụ toàn diện

Chúa từ nơi tượng Thánh giá tại nguyện đường San Đamianô đã giao phó cho Phanxicô một sứ vụ rõ ràng: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại nhà Ta”. Việc “Sửa lại nhà Ta”, một cách bao quát và trọn vẹn, liên quan tới toàn bộ ngôi nhà, tới “bất kỳ chuyện gì” có lẽ đang cần phải được trùng tu trong Hội Thánh-Thân Mình-Chúa Kitô. Chẳng có một giới hạn nào hết.

Đó là công tác chúng ta được kêu gọi thực hiện, giống như Phanxicô, với Phanxicô và cùng với toàn thể Gia đình ngài (1), cũng như thông qua Luật Dòng mà Hội Thánh đã chính thức trao phó cho chúng ta sứ vụ ấy:

“Tương tự như Thánh Phanxicô, được kêu gọi trùng tu Hội Thánh và được gương sáng thánh nhân gợi hứng, anh chị em hãy quyết tâm sống hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục và các Linh mục, sẵn sàng đối thoại cởi mở dựa trên đức tin hầu mang lại lợi ích phong phú và tính sáng tạo cho hoạt động tông đồ” (Luật 6).

“Dòng Phan Sinh Tại Thế, trong tư cách là một hiệp hội công quốc tế, được liên kết cách đặc biệt với Đức Giáo hoàng Rôma, là Đấng đã phê chuẩn Luật Dòng và xác nhận sứ mạng của Dòng trong Hội Thánh và trên thế giới” (THC 99.2).

Luật Dòng và Tổng Hiến Chương cung cấp cho chúng ta những đường hướng cốt thiết trong sứ vụ chúng ta. Xét trên bình diện bản chất, không có gì khác với những điều đòi hỏi nơi hết thảy mọi Kitô hữu đích thực không hề phân biệt, những đường hướng đó đưa ra cho chúng ta những chỉ dẫn quý báu làm nổi bật lên những gì Hội Thánh suy nghĩ về chúng ta, về vai trò chúng ta, cũng như những gì Hội Thánh kỳ vọng nơi chúng ta.

Nhất là hãy nhìn vào Luật các số: 6, 10, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 và Tổng Hiến Chương: các điều 12 và từ điều 17 đến 27.

Tuy bài trình bày ngắn gọn này không cho phép chúng ta đi sâu vào các vấn đề đó một cách tương xứng. Tuy nhiên, tôi mạnh mẽ thúc giục hết thảy anh chị em hãy cầm lấy Luật Dòng và Tổng Hiến Chương trong tay, để suy gẫm về các điều khoản ấy, cũng như để đào sâu sự hiểu biết của anh chị em về các điều khoản ấy.

Cuối cùng, sứ vụ chúng ta cũng bao gồm bất cứ điều gì mà Hội Thánh phẩm trật, ở khắp nơi hoàn cầu cũng như tại địa phương, có lẽ sẽ chỉ ra cho chúng ta biết vào bất cứ thời điểm nào, khởi đi từ những nhu cầu trước mắt của Hội Thánh, như là hệ luận của sứ vụ mà chúng ta đã được giao phó để hoàn thành, nhân danh Hội Thánh, trong tư cách là một Hiệp hội Tín hữu Công Quốc tế (GL 313) - sẵn sàng đối thoại cởi mở dựa trên đức tin hầu mang lại lợi ích phong phú và tính sáng tạo cho hoạt động tông đồ.

Công giáo, Cởi mở và Phổ quát

Phanxicô không mong muốn điều gì cho bản thân ngài và cho anh em ngài hơn là trở thành “công giáo”, cởi mở và phổ quát. Ngài mong muốn anh em ngài trở thành sự diễn tả đích thực về vị Thiên Chúa ấy, một Thiên Chúa vì tình yêu, đã từ trái tim của Ba Ngôi mà đến, đã mặc lấy xác phàm và đắm mình vào bản chất sâu sa của nhân loại, không còn là Đấng “hoàn toàn khác” mà chỉ là trở nên “Đấng khác”, Đấng là Cha, là Anh, là Tình yêu vô điều kiện.

Những Người Nam Người Nữ của Hiệp thông

Một cách xuất sắc, Phanxicô là một con người của Hiệp thông. Ngài là người làm cho tình huynh đệ đã được mạc khải ra cho chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô trở nên trung tâm đời sống của ngài.

Phanxicô kết dệt nên những mối dây hiệp thông giữa mọi người và mọi vật, hết mọi tạo vật sống động cũng như bất động. Do đó, sứ vụ đặc biệt của ngài đã từng và vẫn còn lôi kéo hết thảy mọi vật và mọi người lại trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô. Sứ vụ của ngài đã phá hủy mọi tù ngục, mọi rào cản và lôi kéo mọi người tới chỗ sống khiêm nhường, nghèo khó, thanh sạch, vâng lời là những thái độ mà Chúa Kitô đã dâng lên Cha, để giúp chúng ta ý thức: thực đẹp biết bao được trở nên con cái đích thực của Cha và trở nên anh chị em với hết mọi người.

Chúng ta cũng kế thừa một sứ vụ giống y như thế và trên hết mọi chuyện khác, chúng ta phải tìm kiếm Chúa Thánh Thần và tác động thánh của Người, tương tự như Phanxicô. Chúng ta phải trở nên chất xúc tác cho sự hiệp thông, những kẻ tiêu diệt sự chia rẽ, những gương sáng của đức khiêm hạ, vâng phục, thanh sạch và nghèo khó. Chúng ta phải dẫn đưa mọi sự trở về lại với trung tâm duy nhất là Chúa Kitô, cùng với Hội Thánh và trong Hội Thánh của Chúa, thôi thúc mọi người nhìn nhận nhau như là những anh chị em đích thực, người này sống vì người khác.

Chúa muốn chúng ta như thế nào? Hội Thánh muốn chúng ta như thế nào? Chúa và Hội Thánh muốn chúng ta trở nên những vị thánh!

Vâng, Chúa và Hội Thánh muốn chúng ta trở nên khác, nhưng là khác trong sự thánh thiện, một sự thánh thiện dẫm bước theo dấu chân Thánh Phanxicô, không rập khuôn theo thời (non-conformist), can đảm, say mê. Trở nên khác, vì chúng ta phải là những Kitô hữu toàn diện, giống như Phanxicô.

Hội Thánh đang trông đợi nơi chúng ta.

Chúng ta chỉ cần nhớ lại Sứ điệp của Chân phước Đức Gioan Phaolô II gởi cho Tổng Tu nghị Dòng Phan Sinh Tại Thế năm 2002: Giáo hội kỳ vọng, Giáo hội ao ước, Giáo hội chờ đợi ...

Và Giáo hội luôn phát biểu rõ ràng điều Giáo hội đang kỳ vọng ở nơi chúng ta.

Hỡi con cái Thánh Phanxicô, hãy bảo đảm rằng: khi người ta tố cáo Giáo hội đã tập trung mối quan tâm của Giáo hội vào những khía cạnh khác trong Kitô giáo – hoặc trên bình diện học thuyết, văn hóa hoặc thực tiễn – hơn là vào Đức Giêsu Kitô, thì người ta vẫn có thể nhận ra nơi vị thánh này, một “con người công giáo và tông đồ toàn diện”, cũng như nơi các con cái và những môn đệ trung thành của ngài, những người đang gìn giữ một cách sống động chứng từ của ngài, một bằng chứng cho thấy “tính ưu việt trổi vượt trên hết mọi sự” thuộc về vương quyền của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, như Hội Thánh tuyên xưng và cử hành”.

Hơn nữa:

“Những người khác có thể đi theo những con đường khác; nhưng con đường của anh em là con đường ... không rập khuôn theo thời (non-conformity). Đừng xem thường những thể thức trong lối sống Phan sinh của anh em. Anh em là những người được phú ban để đi theo các thể thức ấy một cách đơn sơ tương xứng, các thể thức ấy mới có thể có được quyền lực của một thứ ngôn ngữ tự do và táo bạo. Thứ ngôn ngữ tự do và táo bạo ấy mới là tất cả những gì càng để lại được dấu ấn trên thế giới, càng ít đi theo tiếng gọi của những mùi vị và các phong cách của thế gian (Đức Phaolô VI ngỏ lời với Tu nghị Dòng Anh em Hèn mọn, ngày 22.06.1967).

“Việc trở nên một người Phan sinh không có nghĩa là tỏ ra một dấu hiệu đặc biệt hoặc là mặc bộ áo đặc biệt nào đó, nhưng là có được sự cao thượng vô song, sự tự do trong tinh thần, năng lực vượt lên trên những kiểu mẫu và những ranh giới đã được thiết lập, là sống liên đới với bất cứ ai đang cần được hiểu biết và yêu thương. Những người đi theo Phanxicô không thể lại là những kẻ mang đầu óc bè phái, đả phá tín ngưỡng, phân biệt chủng tộc, gây hấn. Nhưng đúng hơn, bất cứ nơi đâu họ đi tới, họ đều phải gieo rắc sự trong sáng và tin tưởng, nói cách khác, đó là hòa bình và thiện hảo”. (2)

Việc ấy đòi phải có niềm say mê, niềm say mê thực lớn lao, tương tự như niềm say mê nơi Phanxicô:

“Dòng Phan Sinh Tại Thế có một sứ vụ to lớn trong Hội Thánh, có một lý lẽ để sống và để giới thiệu ơn gọi của anh chị em, chấp nhận một công tác rõ ràng, hòa hợp với bậc sống tại thế của anh chị em. Điều đó có nghĩa là: đón nhận quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với niềm say mê, chuẩn bị tương lai với niềm hy vọng.

Người Phan sinh không say mê, thì tốt hơn nên từ bỏ toàn bộ.

Để trở nên những ngôn sứ trong thời đại chúng ta, hôm nay, người ta cần phải chuyên chú và tỉnh táo. Tất cả những gì tôi yêu cầu là: bất cứ ở nơi đâu anh chị em sống, tốt hơn là nên lắng nghe những lời anh chị em nói, người ta có thể nhìn thấy anh chị em thực khác biệt. Điều cực kỳ cấp bách, đó là thực hiện một cuộc đua mới” (Anh José R. Carballo OFM). (3)

Để suy nghĩ và thảo luận trong Huynh đệ đoàn:

1. Là anh chị em Phan Sinh Tại Thế hôm nay, những chữ “hãy đi sửa lại nhà Ta” có ý nghĩa gì đối với anh chị, trong tư cách cá nhân cũng như huynh đệ đoàn?
2. Luật và Tổng Hiến Chương Dòng Phan Sinh Tại Thế cung cấp những đường hướng nào cho sứ vụ chúng ta?
3. Bằng cách nào mà anh chị thấy anh chị em Phan Sinh Tại Thế đang phác họa ra “một cuộc đua mới”?



Chú thích:
(1).“Thị kiến của Đức Innocent III về cảnh tượng Phanxicô chống đỡ Đại Thánh đường Latêranô, nghĩa là Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong biểu hiện trung tâm và lịch sử của Hội Thánh, duy nhất và mang tính phẩm trật, tại Roma, đã tiên báo ơn gọi và sứ vụ của đại gia đình dòng tu của anh chị em” (2Cel. 17). Đức Phaolô VI ngỏ lời với Tổng Tu nghị Dòng AEHM, hôm 22.06.1967.
(2).Ortensio da Spinetoli OFMCap. “Francis: l’Utopia che si fa storia”, page 13.
(3).Anh José Rodriguez Carballo, TPV Dòng AEHM, ngỏ lời với TTN Dòng PSTT, hôm tháng 11.2005 và trong cuộc Kinh lý Mục vụ Đoàn Chủ tịch Quốc tế Dòng PSTT, hôm tháng 04.2006.
Về Đầu Trang Go down
 
Thường huấn số 10-2012
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Thường huấn 11-2012
» Bài Thường huấn số 5-2012
» Thường huấn số 8 - 2012
» Bài Thường huấn số 6 - 2012
» Bài Thường huấn số 7 - 2012

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
PHAN SINH TẠI THẾ :: CHIA SẺ :: HUẤN LUYỆN-
Chuyển đến